1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Cán bộ phụ trách tôn giáo nhưng không hiểu gì về tôn giáo"

(Dân trí) - Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập, kẽ hở trong quy định pháp luật, hoạt động quản lý khiến tôn giao bị lợi dụng, bị thương mại hoá... Nhiều nơi, người phụ trách lĩnh vực tôn giáo trong cơ quan quản lý nhà nước cũng không hiểu gì về tôn giáo...


Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Ảnh: Quochoi.vn)

Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Ảnh: Quochoi.vn)

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ công nhận Đạo Mẫu là một tôn giáo để dễ quản lý vì đã có đầy đủ tiêu chí.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, việc xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào thời điểm này rất cần thiết và phù hợp với quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Theo Hiến pháp mới, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người nước ngoài ở Việt Nam cũng được ghi nhận một cách đầy đủ nhất.

“Tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội, Chính phủ công nhận Đạo Mẫu là một tôn giáo để dễ quản lý vì đã có đầy đủ tiêu chí. Đây là một tôn giáo nội sinh, đạo dạy con người trở thành người tốt cho xã hội. Cha ông ta đã có truyền thống lâu đời trong việc thờ mẫu, "tính mẫu" ổn định hơn tính của cha, thờ mẫu tức là thờ cha, đâu có mẹ thì đó có cha, mẹ ở đâu thì cha ở đó”- Thượng tọa Thích Thanh Quyết phân tích.

Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhấn mạnh, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. “Chính vì thế, ai lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo phương hại đến lợi ích quốc gia dân tộc, nhà nước sẽ kiên quyết xử lý”- ông Quyết nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Ninh Bình) cho rằng, nhiều năm gần đây tôn giáo bị lợi dụng để thương mại hóa, thậm chí lợi dụng tôn giáo để xúi giục, gây rối mất trật tự chính trị - xã hội nhưng pháp lệnh tôn giáo chưa đủ khả năng giải quyết, điều chỉnh.

“Năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ở một số địa phương còn hạn chế, có địa phương làm quá chặt chẽ, nhưng có địa phương lơi lỏng. Thậm chí, người phụ trách lĩnh vực không hiểu gì về tôn giáo, không có chuyên môn về tôn giáo”- ông Phương nêu thực tế.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng cho biết, dự thảo luật đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đặc thù trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như: kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi… Về cơ bản, các hành vi bị nghiêm cấm được nêu ra trong dự thảo đã bao quát nhiều nội dung, thống nhất với quy định của Hiến pháp 2013.

Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân hoặc chia rẽ dân tộc, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.

Về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài, một số đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

"Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã dành một mục với 7 điều luật quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và thiết kế một điều về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài. Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm, suy tôn, suy cử làm chức sắc"- ông Bình nói.

Kha Xuân Lộc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm