Cấm bay kỷ lục, văn minh hàng không Việt Nam ở đâu?
Năm 2017, nhà chức trách hàng không Việt Nam đã ra tới 40 quyết định cấm bay - đây là mức cấm bay kỷ lục so với những năm qua. Hàng không là lĩnh vực có những quy định đặc thù vì sự đòi hỏi an toàn tuyệt đối cho mỗi chuyến bay, nhiều người cho rằng văn minh hàng không phải bồi đắp từ hai phía.
Thị trường hàng không Việt Nam đang ở trong thời điểm vàng khi nhiều năm liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng vận tải ở mức 2 con số. Mạng đường bay có điểm đến/đi từ Việt Nam hiện đã lên tới 113, được khai thác bởi 64 hãng hàng không thuộc 26 quốc gia/vùng lãnh thổ. Riêng thị trường nội địa, 4 hãng hàng không cũng thiết lập 53 đường bay kết nối giữa các thành phố. Tuy nhiên đối nghịch với những con số đáng mừng đó lại là văn minh hàng không chưa được cải thiện căn bản.
Kỷ lục về cấm bay
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết năm 2017 đã có tổng cộng 40 quyết định cấm bay được ban hành, cao nhất từ trước đến nay. Theo báo cáo tổng hợp của các Cảng vụ hàng không, đối tượng bị cấm bay có nhiều lứa tuổi, trình độ văn hoá, làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau.
Lí do cấm bay xuất phát từ các loại hành vi vi phạm phổ biến là hành khách hút thuốc lá trong buồng vệ sinh trên máy bay; không tuân theo hướng dẫn về bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn hàng không của thành viên tổ bay; trộm cắp, chiếm đoạt tài sản khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay hoặc trên máy bay…
Tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng chủ yếu do trình độ hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của hành khách về hàng không còn hạn chế, cá biệt có một vài trường hợp cố tình vi phạm.
Khi bị lập biên bản, chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý, khách cảm thấy … tiếc tiền, không tự nguyện nộp phạt tại chỗ mà chọn hình thức nộp phạt tại kho bạc. Sau đó, khách chây ỳ không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền, buộc Cục Hàng không phải ra quyết định cấm bay đối với hành khách vi phạm để phòng ngừa, ngăn chặn mối nguy hiểm có thể tái diễn đối với hoạt động hàng không.
Có không ít trường hợp khách vi phạm lại chính là người làm việc trong cơ quan hành pháp. Đơn cử như trường hợp của ông Đ.L.M., sinh năm 1985, là công an viên của một xã thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Trong một lần đi máy bay từ Hà Nội đi TP HCM, ông M. đã sử dụng CMND mang tên N.T.T. sinh năm 1990 do Công an tỉnh Trà Vinh cấp và dán ảnh của mình vào để làm giấy tờ tuỳ thân nhưng bị an ninh hàng không phát hiện, lập biên bản chuyển cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng. Sau đó ông M. chây ì không nộp phạt, bị Cục HKVN cấm bay 12 tháng và kiểm tra trực quan bắt buộc trong 12 tháng tiếp theo nếu ông này đi máy bay.
Áp lực cho người cung cấp dịch vụ
Bên cạnh việc cấm bay, nhà chức trách hàng không cũng phải ban hành hàng trăm vụ việc vi phạm khác xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt của hành khách di chuyển bằng đường hàng không.
Có những vụ việc tưởng như chuyện đùa bởi không ai nghĩ ở môi trường đòi hỏi ý thức chấp hành quy định về an ninh, an toàn cao như ngành hàng không lại có thể xảy ra. Chẳng hạn trên một chuyến bay từ TPHCM đi Hà Nội tháng 11/2017, ông Đ.H.Q. đã 50 tuổi nhưng lại hành xử rất hiếu thắng, không có sự chững chạc của một người lớn tuổi.
Chuyến bay đã cất cánh được khoảng 45 phút, ông Q. quay sang hỏi hành khách bên cạnh là ông T.Đ.T rằng mấy giờ rồi và máy bay này sắp bay đến điểm nào trong hành trình. Ông T. bảo không biết liền bị ông Q. nổi giận đánh vào mặt, sau đó đánh luôn cả những hành khách can ngăn.
Thói quen ngồi gác chân cũng có thể đem đến án phạt cho những hành khách nóng tính khi chọn hàng không làm phương tiện đi lại. Trên chuyến bay VJ195 hành trình TP HCM - Hà Nội hồi tháng 10-2017, ông L.H.A. 38 tuổi liên tục dùng chân đạp vào lưng ghế của 2 nữ hành khách ngồi phía trước. 2 nữ hành khách nhắc ông A. không được, báo với tiếp viên nhắc nhở, can thiệp cũng không xong.
Nhận thấy gặp “ca” khó, tiếp viên đã linh động cho 2 nữ hành khách chuyển chỗ ngồi sang ghế còn trống, hy vọng được yên thân nhưng ông A. tiếp tục chửi bới và có lợi lẽ xúc phạm 2 hành khách này. Tổ tiếp viên đã lập biên bản đối với ông A. vì hành vi vi phạm trật tự trên máy bay.
Không chỉ gây rối trật tự trên máy bay, hành khách nhiều khi cũng “vô tư” quậy mỗi khi phát sinh trục trặc trong quá trình làm thủ tục mặt đất. Có mặt ở quầy thủ tục hoặc ra cửa lên máy bay muộn so với quy định, một số hành khách cãi chày cãi cối cho rằng mình có mặt sớm nhưng bị nhân viên cho “lọt lưới”.
Thậm chí, khách sẵn sàng làm ầm ĩ để được bay hoặc được nhân viên hãng linh động giảm cước trên chuyến bay kế tiếp. Đáng lưu ý là không ít khách dùng “thủ thuật” tráo hành lý để đỡ phải nộp tiền cước. Khi bị nhân viên kiểm tra tại chỗ phát hiện thừa cân so với tiêu chuẩn, khách thường có xu hướng … cãi nhau để không phải đóng thêm tiền. Tất cả các “thủ thuật” này được hỗ trợ bởi “công nghê” quay clip phát tán trên mạng xã hội, đổ lỗi cho nhà vận chuyển cung cấp dịch vụ kém.
Gần đây, các hãng hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không đã bổ sung vào quy trình nghiệp vụ, yêu cầu nhân viên phải “cảnh giác” trước các tình huống khách chủ động quay clip trong khi khiếu nại, thắc mắc về dịch vụ để có bằng chứng khách quan, giúp cho việc giải quyết khiếu nại đảm bảo chính xác, không chịu sức ép từ phía dư luận.
Các Cảng vụ hàng không cũng đề xuất kiến nghị công bố danh tính của hành khách vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 147.
Nhật Minh