Bộ trưởng Tô Lâm nói về đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an
(Dân trí) - Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nói về những định hướng lớn của Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được Bộ Chính trị thông qua mới đây, cũng như những khó khăn nhất định sẽ gặp phải trong quá trình thực hiện.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an vừa đăng tải bài phỏng vấn Thượng tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Bộ Công an xung quanh Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được Bộ Chính trị thông qua mới đây và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân.
Những định hướng lớn của Đề án
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, quá trình nghiên cứu, xây dựng, triển khai Đề án đã bám sát và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Công an Trung ương, cấp ủy các địa phương; đồng thời huy động sự vào cuộc của toàn lực lượng Công an, nhất là các thế hệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ lão thành; sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành liên quan.
Mục tiêu kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an gắn với hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy. Kiện toàn Đảng ủy Công an Trung ương có cơ cấu, số lượng hợp lý. Thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời là bí thư cấp ủy để lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các mặt công tác công an.
Những định hướng lớn của Đề án là: xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối hoạt động hiệu lực hiệu quả, tăng cường cho cơ sở, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; không tổ chức cấp trung gian, nâng cao chất lượng các cục trực thuộc Bộ; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, báo chí, y tế; sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Công an tỉnh thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ.
Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, trước mắt bố trí Công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.
Ông Tô Lâm khẳng định, việc triển khai thực hiện Đề án là phù hợp với các chủ trương, nghị quyết về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, giảm tầng nấc trung gian trong điều hành; không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và bố trí Công an xã chính quy.
“Từ đó lực lượng Công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; khắc phục được chồng chéo, chia cắt, tăng cường cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu”- ông Tô Lâm nói.
Có lực cản, khó khăn nào?
Khi được hỏi về những khó khăn, lực cản lớn nhất trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng trước mắt không có lực cản nào, nhưng sẽ có những khó khăn nhất định như phát sinh những bất cập về hệ thống cơ sở pháp lý, khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy; việc thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ...
Công tác chuẩn bị đã được Bộ Công an tập trung ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Nhiều chuyên đề lớn đã được tổ chức tổng kết như: quá trình hình thành, phát triển tổ chức, bộ máy của Bộ Công an từ khi thành lập đến nay, trong đó đánh giá mô hình tổ chức các cấp Công an; rà soát chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, chồng chéo giữa Bộ Công an với các bộ, ngành, giữa các đơn vị, lực lượng trong Công an; nghiên cứu phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của Công an cấp tỉnh, cấp huyện, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy,...
Tới đây, để có cơ sở cho việc triển khai Đề án, nhiều quy định, chính sách được đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, thay thế, trong đó có Luật Công an nhân dân, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, quy định về tổ chức Đảng trong Công an nhân dân; các quy chế phối hợp, quy chế làm việc, các quy định về phân công, phân cấp và công tác cán bộ...
“Khối lượng công việc trước mắt là rất lớn, có nhiều việc cần làm ngay, nhưng cũng có những việc không thể hoàn thành trong “một sớm, một chiều”, phải tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học. Đảng ủy Công an Trung ương đã có kế hoạch tổng thể, dự kiến trong thời gian sớm nhất sẽ cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho việc triển khai tổ chức bộ máy mới”- ông Tô Lâm nói.
Tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp
Trước băn khoăn về việc phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện hình thức, chiếu lệ, biến tướng trong thực hiện, thậm chí tái phình to bộ máy trở lại, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết số 22-NQ/TW để các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ nắm rõ; xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp.
Bộ Công an cũng đề xuất kiện toàn Đảng ủy Công an Trung ương để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đối với các lĩnh vực công tác công an; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, kiện toàn tổ chức đảng ở Công an các địa phương; đề xuất và thực hiện áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp.
Ngoài ra, đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo để sớm sửa đổi, điều chỉnh, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Đảng, tạo cơ sở chính thức cho các tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an.
Thế Kha (lược ghi)