1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ Công an sẽ không còn cấp tổng cục

Bộ máy ngành công an sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa.

Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết có liên quan đến một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa.

Đây là kết quả đạt được trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) do Đảng ủy Công an Trung ương tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện từ sau Đại hội XII tới nay. Các nội dung cơ bản của đề án này đã được lãnh đạo Bộ phổ biến tới cán bộ chủ chốt cấp cục và tiếp đó phổ biến xuống dưới.

Giải thể sáu tổng cục, hạ cấp hai bộ tư lệnh

Theo các nguồn tin trong ngành, việc bỏ hẳn cấp tổng cục là một đột phá bởi trước đó, quá trình dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh.

Cấp tổng cục ở Bộ Công an hình thành từ năm 1980. Sau khi lên đến tám tổng cục năm 2009, Bộ Công an thu gọn còn sáu tổng cục vào năm 2014. Ngoài ra còn có hai bộ tư lệnh riêng cho cảnh sát cơ động và cảnh vệ - cũng tương đương tổng cục. Trong mỗi đơn vị cấp tổng cục lại có nhiều cục. Dưới các cục là rất nhiều phòng.

Việc bỏ cấp tổng cục và tương đương dẫn tới yêu cầu phải giải thể hàng chục đơn vị cấp dưới có tính chất tham mưu, phục vụ chung như các cục tham mưu, hậu cần, chính trị… Ngoài ra, nhiều cục nghiệp vụ trước đây được tách ra theo chuyên môn, địa bàn hẹp thì giờ cũng phải nhập lại theo các nhóm chuyên môn, địa bàn rộng hơn. Khối các trường của công an cũng phải sắp xếp, gọn lại.

Theo các nguồn tin, từ 126 đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giải thể, sáp nhập còn khoảng 60. Cứ thế, lan tỏa xuống dưới, rất nhiều đơn vị cấp phòng cũng sẽ phải sắp xếp, tổ chức lại.

Họp báo giữa tháng 1 vừa rồi, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết hoàn thiện và triển khai đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực , hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của toàn lực lượng công an. Ảnh: T. Phan
Họp báo giữa tháng 1 vừa rồi, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết hoàn thiện và triển khai đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực , hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của toàn lực lượng công an. Ảnh: T. Phan

Cùng với việc phình to trên Bộ, giai đoạn 2010-2014, công an một số tỉnh, thành xin và được chấp thuận tách các phòng lớn thành nhiều phòng nhỏ, theo ngành dọc chuyên môn nghiệp vụ của cấp bộ. Vì vậy, tinh gọn, triệt để về tổ chức ở Bộ Công an cũng dẫn tới yêu cầu phải sắp xếp lại nhiều đơn vị thuộc công an cấp tỉnh, thậm chí cấp huyện… Đáng chú ý, mô hình sở cảnh sát PCCC từng được kỳ vọng giờ sẽ trở lại cấp phòng thuộc công an cấp tỉnh như xưa.

Phạm vi giải thể, sắp xếp về tổ chức rộng như vậy sẽ tác động trực tiếp tới hàng chục sĩ quan cấp tướng trong ngành, là những người giữ vị trí tổng cục trưởng, tổng cục phó, cục trưởng, cũng như các sĩ quan cấp tá các cục, các phòng.

Tuần này, Chính phủ cho ý kiến sửa Luật CAND

Để triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Đề án 106 đã được phê duyệt, hàng loạt công việc đang được Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo thực hiện song song.

Ngoài việc chủ động quán triệt chủ trương, quan điểm lớn của cuộc cải cách sâu rộng này, ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo Bộ đang khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Công an nhân dân (CAND).

Nguồn tin từ Bộ Tư pháp cho hay cuối tuần trước đã tiếp nhận hồ sơ dự án sửa đổi Luật CAND để cơ quan này thẩm định. Bộ Tư pháp đã thẩm định ngay để kịp cho Bộ Công an trình xin ý kiến tập thể Chính phủ trong cuộc họp thường kỳ sẽ diễn ra đầu tuần này.

Các nguồn tin cho hay có hai nhóm vấn đề lớn sẽ được sửa đổi. Thứ nhất, cấp bậc hàm sĩ quan đang được quy định cụ thể trong luật gắn với từng chức danh, tên đơn vị cụ thể. Nay các đơn vị phải giải thể hoặc sáp nhập thành đơn vị mới thì cũng phải sửa luật để có điều chỉnh tương ứng. Thứ hai, sẽ chính quy hóa lực lượng công an xã theo hướng trưởng, phó, một số công an viên ở xã sẽ là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên trách.

Giải thích việc sửa đổi này, các nguồn tin từ Bộ Công an cho hay việc tinh gọn tổ chức, bộ máy sẽ dẫn tới dôi dư con người và cần sắp xếp lại lực lượng. Hướng xử lý là sẽ điều chuyển nhiều cán bộ ở trung ương xuống tỉnh, tăng cường cán bộ tỉnh xuống huyện và chuyển từ huyện xuống xã. Cũng vì thế, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong thảo luận tại Quốc hội hồi giữa năm ngoái khẳng định việc chính quy hóa công an xã sẽ không làm tăng biên chế ngành, vì “hoàn toàn chỉ là sắp xếp, điều chỉnh trong nội bộ”.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội cho sửa luật trong năm 2018 này, Bộ Công an cũng đang khẩn trương dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mình. Dự thảo đã được gửi xin ý kiến các tổng cục, đơn vị trực thuộc. Các nguồn tin cho biết về chức năng, nhiệm vụ thì cơ bản giữ nguyên nhưng phần cơ cấu, tổ chức thì sửa đổi theo hướng rút gọn, đúng như tinh thần đề án tổng thể đã được phê duyệt. Nếu Quốc hội đồng ý cho sửa Luật CAND ngay trong kỳ họp tháng 5 tới thì rất có thể nghị định mới sẽ được hoàn thiện để kịp trình Chính phủ ban hành ngay trong quý II.

Các nguồn tin am hiểu cho hay đây là lần cải cách rất sâu rộng, có tính lịch sử của ngành công an. Về thể chế và tổ chức sẽ phải sớm hoàn thiện và đi vào ổn định. Còn về con người, việc sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ có lộ trình, mà mốc quan trọng là năm 2021.

Theo Nghĩa Nhân
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm