1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bão số 12 phức tạp, cấm biển ngay lập tức

(Dân trí) - Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, tính đến 6h sáng nay (3/11), vẫn còn 40 tàu/308 lao động (Bình Định 24 tàu/184 lao động, Vũng Tàu 16 tàu/124 lao động) đang hoạt động trên biển khu vực ảnh hưởng của bão số 12.

Sáng nay (3/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp nhằm ứng phó với bão số 12. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì.

Bão số 12 đang hướng vào Phú Yên - Ninh Thuận

Tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng Hạn ngắn (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) cho biết: 7h sáng nay, tâm bão số 12 đang ở 12,8 độ vĩ Bắc, 113,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 430km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Khoảng 4-7h ngày 4/11, vị trí tâm bão sẽ đi vào khu vực các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 14 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Cũng theo ông Hưởng, từ chiều nay (3/11), vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh dần cấp 6-7, đến đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (4/11) tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Nước dâng cao do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m, sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao từ 5-7m, vùng ven bờ từ 2-4m.

Về cảnh báo gió mạnh trên biển, ông Hưởng cho biết: Từ gần sáng và ngày 4/11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên ta, cấp 3.

"Từ chiều và đêm nay, do ảnh hưởng kết hợp giữa không khí lạnh và hoàn lưu bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ" - ông Hưởng nói.

Ông Hưởng cũng đưa ra cảnh báo về lũ, lũ quét và sạt lở đất: Từ ngày 4-8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất, ven sông và ngập sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.


Theo Đại tá Trần Dương Kiên, vẫn còn 40 tàu/308 lao động vẫn đang hoạt động trên biển trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 12.

Theo Đại tá Trần Dương Kiên, vẫn còn 40 tàu/308 lao động vẫn đang hoạt động trên biển trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 12.

Phát biểu tại cuộc họp trên, Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, tính đến 6h sáng nay (3/11), vẫn còn 40 tàu/308 lao động (Bình Định 24 tàu/184 lao động, Vũng Tàu 16 tàu/124 lao động) vẫn đang hoạt động trên biển khu vực ảnh hưởng của bão số 12.

Cũng theo Đại tá Kiên, trước đó, Bộ đội Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các tỉnh, thành phố thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 79.182 tàu/385.911 lao động biết vị trí, diễn biến và hướng di chuyển của bão số 12 để chủ động di chuyển hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý cần tập trung kêu gọi 40 tàu còn đang hoạt động trên biển khu vực ảnh hưởng của bão số 12 vào nơi tránh trú an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý cần tập trung kêu gọi 40 tàu còn đang hoạt động trên biển khu vực ảnh hưởng của bão số 12 vào nơi tránh trú an toàn.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Vừa qua, khu vực Đông Nam Bộ đã chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa, nên hệ thống hồ chứa khu vực này đã đầy nước. Dự báo, bão số 12 sẽ gây mưa lớn tư ngày 5/11 tại khu vực Nam Trung Bộ và sẽ lan rộng sang khu vực cả Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh - khu vực đã bị tổn thương rất nặng nề về đợt thiên tai vừa rồi.

"Theo Bộ đội Biên phòng, thì hiện nay vẫn còn 40 tàu thuyền trên tổng số 308 lao động vẫn đang còn hoạt động trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 12, do đó, tôi đề nghị cần tập trung kêu gọi số tàu thuyền này vào bờ hoặc khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn" - Bộ trưởng Cường nói.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Các địa phương được dự báo bão sẽ đổ bộ cần thực hiện cấm biển ngay lập tức, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân.

Các địa phương cần sơ tán dân khỏi khu vực thấp trũng, khu vực có thể xảy ra nguy hiểm khi bão đổ bộ. Khu vực này mặc dù thu hoạch nông nghiệp đã hoàn thành, nhưng cũng cần hết sức lưu ý tới các lồng bè nuôi trồng thủy sản, các chòi canh của người dân, và chú ý khâu chằng chống nhà cửa.

Bộ Công Thương, Tổng cục Thủy lợi cần rà soát các hồ chứa, nếu hồ nào có nguy cơ mất an toàn cần khẩn trương gia cố ngay, lên phương án ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

"Một vấn đề cần chú ý là, chúng ta thường tập trung cao độ khi bão đổ bộ vào, còn sau bão thì lại chủ quan, vì sau bão thường có mưa và dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất" - Bộ trưởng Cường lưu ý.

Khánh Hòa họp khẩn trước cơn bão Con Voi

Sáng nay, 3/11, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp lên phương án ứng phó với bão số 12 (bão Con Voi) được dự báo rất mạnh, có khả năng đổ bộ vào 2 tỉnh Nam Trung Bộ - Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Chủ tịch Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh phát biểu tại cuộc họp ứng phó với bão số 12, sáng 3/11
Chủ tịch Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh phát biểu tại cuộc họp ứng phó với bão số 12, sáng 3/11

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt dung tích trung bình từ 60-80%, riêng hồ chứa nước Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) đạt dung tích 88%; tổng số lồng bè toàn tỉnh này hơn 2.000/6.200 lao động; hiện mưa lũ đã làm 1 người mất tích.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, hiện nay có 183 tàu cá/885 thuyền viên của tỉnh Khánh Hòa đang hoạt động đánh bắt trên các vùng biển. Hiện nay, các tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm được thông tin cơn bão số 12 trên biển Đông, có kế hoạch chủ động phòng tránh, số tàu cá còn lại đang di chuyển vào bờ để neo đậu tại bến.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh nhận định bão số 12 là một cơn bão rất mạnh nên không thể chủ quan, phải chủ động trong các phương án phòng chống, ứng phó. Lâu nay, người dân Khánh Hòa thường chủ quan vì ít chịu ảnh hưởng của mưa bão nên đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị phải quyết liệt trong việc phòng, chống bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố cùng các ngành liên quan có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất, tài sản khi bão đổ bộ vào địa phương này. “Đừng để tình trạng như thế này, như sáng nay trời vẫn êm ả quá nên người dân vẫn chủ quan”, ông Lê Đức Vinh nhấn mạnh.

Ông Lê Đức Vinh đã đề nghị các ngành liên quan phải thông tin bão đến người dân kịp thời, nhanh chóng và chính xác để người dân chủ động trong việc ứng đó. Ông nhấn mạnh cần dùng các phương tiện lưu động để thông tin bão cho người dân.

Đề nghị Sở NN&PTNT, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa rà soát lại các phương tiện đánh bắt trên biển hiện nay, đảm bảo tất cả các tàu thuyền nhận được thông tin bão để tìm nơi tránh trú an toàn. Các tàu thuyền phải neo đậu tránh trú bão theo quy định, kiên quyết không cho các tàu thuyền neo đậu ở những nơi mất an toàn, nguy hiểm khi bão vào.

Mưa lũ gây ngập cục bộ ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) hôm 1/11
Mưa lũ gây ngập cục bộ ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) hôm 1/11

Đối với các địa phương có lồng bè như huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang, TP Cam Ranh… phải sơ tán lồng bè của người dân đến nơi an toàn trước 16 giờ chiều nay. Cùng với đó, có kế hoạch sơ tán người dân sinh sống ở những vùng xung yếu, nguy hiểm, ven biển, thấp trũng, có nguy cơ bị sạt lở… đến nơi an toàn; đồng thời cảnh báo, kiên quyết không cho người dân qua lại ở những nơi mất an toàn như: bờ tràn, đoạn đường nước chảy xiết…

Đối với các hồ chứa thủy lợi nếu có xả lũ phải phù hợp với quy trình hiện hành, hạn chế ngập lụt cho vùng dạ du.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu các cấp, các ngành liên quan cần kiểm tra, kiểm soát số lượng các lồng bè ven biển trên địa bàn tỉnh để giúp người dân giằng néo, gia cố lại lồng bè cho chắc chắn vì đó cả gia tài, nơi làm ăn của họ.

Viết Hảo

Nguyễn Dương