1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cơ quan khí tượng đang lo ngại điều gì nhất về bão số 12?

(Dân trí) - Bão số 12 được dự báo khi vào đất liền nước ta sẽ tiếp tục mạnh lên, ở cấp 10-11, giật cấp 14. Bão đổ bộ đúng lúc có một đợt không khí lạnh rất mạnh nên kết hợp lại với nhau sẽ gây ra mưa lớn, gió mạnh, nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở đất. Cơ quan khí tượng lo ngại, nếu hình thế thời tiết này tĩnh lại ở khu vực nhỏ, nghĩa là lượng mưa dồn lại trong khu vực nhỏ thì thiệt hại là cực kỳ nghiêm trọng.

Hồi 16h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 750km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. (Ảnh: NHCMF).
Hồi 16h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 750km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. (Ảnh: NHCMF).

Đánh giá về cơn bão số 12 đang hoạt động trên Biển Đông, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 12 được nhận định là rất mạnh, di chuyển nhanh (15-20km/h), khi vào gần bờ bão đi chậm lại nhưng cường độ sẽ tăng lên.

Dự báo, đêm ngày 3 rạng sáng 4/11, bão sẽ vào vùng bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ, với cấp 10-11, giật cấp 14.

Một vấn đề mà ông Cường đang lo ngại, đó là tối 3/11 một bộ phận không khí lạnh rất mạnh sẽ xuống tới vùng biển khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ và sẽ kết hợp với hoàn lưu bão số 12 gây ra gió mạnh, sóng lớn, mưa lớn, kèm theo đó là sạt lở đất, ngập úng ở các đô thị. Đây là tương tác giữa 2 hình thế thời tiết rất nguy hiểm, đúng thời điểm thường xảy ra mưa lũ lớn ở khu vực Trung Bộ.

“Nếu bão và không khí lạnh kết hợp lại với nhau như nói ở trên mà tĩnh tại trong khu vực nhỏ, nghĩa là lượng mưa dồn lại trong một khu vực nhỏ thì rất nguy hiểm. Năm 1999, bão và không khí lạnh cũng kết hợp, dồn lại ở một khu vực nhỏ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, lượng hơi ẩm từ biển đổ vào khu vực này hai ngày gây mưa lên tới gần 2.000mm” – ông Cường cho biết.

Ông Cường tiếp tục đưa ra ví dụ cho kịch bản thứ hai như hiện tượng lũ chồng lũ từ Trung Bộ đến Nam Trung Bộ như năm 2016, mặc dù không tập trung trong phạm vi hẹp kỷ lục như năm 1999, nhưng lại trải dài theo diện rộng suốt từ Quảng Bình, Quảng Trị, sau đó từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, đều mưa lũ kỷ lục.

Hai kịch bản trên đều rất nguy hiểm và chúng ta đều phải sẵn sàng ứng phó.

Từ phân tích trên, nói về việc sẽ đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai như thế nào, ông Cường cho biết: “Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp độ rủi ro thiên tai, thì bão đổ bộ vào khu vực này sẽ là ở cấp 3, mưa lũ rất nhiều khả năng lên trên báo động 3 cũng là cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, cùng đó không khí lạnh mạnh kết hợp với bão gây sóng lớn trên biển, gây mưa. Theo quy định nếu kết hợp nhiều hình thế thiên tai đồng thời trên diện rộng như vậy không loại trừ trong thời gian tới chúng ta sẽ phải đối mặt với loại hình thiên tai mà cấp độ rủi ro thiên tai trên cấp 3”.

Nguyễn Dương