1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Nội vụ: Rút quyết định bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo sai tiêu chuẩn

(Dân trí) - “Bộ Nội vụ đề nghị nên xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc tham mưu việc không đúng tiêu chuẩn, điều kiện thì phải đưa ra và rút lại những quyết định đã bổ nhiệm không đúng đó”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đáp lại câu hỏi về việc bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo.

Chiều nay 16/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ông Lê Vĩnh Tân được các đại biểu đề nghị làm rõ hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến ngành nội vụ trong thời gian qua.

Có hay không bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ

Trước Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) truy trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc kiểm tra tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết có hay không có tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại không ít bộ ngành, địa phương tại thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ”, đại biểu Lê Thị Nga nói.

Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, trong những người được bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, có những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Đại biểu đoàn Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra khi để xảy ra tình trạng này và giải pháp khắc phục. Đại biểu cũng muốn biết lý do vì sao mà hơn 4 tháng qua, Bộ Nội vụ vẫn chưa có kết quả kiểm tra, thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và đại biểu Quốc hội.


Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ việc có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ cuối nhiệm kỳ ở một số đơn vị

Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ việc có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ cuối nhiệm kỳ ở một số đơn vị

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đã có hai báo cáo Thủ tướng vào ngày 15/9 và 31/10 về tình hình bổ nhiệm sau nhiệm kỳ. Theo ông Tân, do khoảng thời gian trước đây, Bộ Nội vụ quy định các địa phương gửi báo cáo là 6 tháng trước nhiệm kỳ.

“Nhưng trong cuộc họp của Tổng Bí thư, Thủ tướng có yêu cầu thời gian là từ ngày 1/1/2015 đến 6/2016, thời gian báo cáo là 1,5 năm chứ không phải 6 tháng nên Bộ tiếp tục có văn bản gửi địa phương tập hợp báo cáo trong 1 năm rưỡi về việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Theo ông Lê Vĩnh Tân đến giờ này, Bộ Nội vụ đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành địa phương. Khi có ý kiến đầy đủ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đại biểu Quốc hội.

Riêng ý kiến của Đại biểu Lê Thị Nga về việc bổ nhiệm ồ ạt cán bộ cuối nhiệm kỳ cũng được ông Tân làm rõ. “Đến giờ này, theo báo cáo sơ bộ, chúng tôi nhận thấy, việc bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ là có”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Lê Vĩnh Tân, cần phân tích rõ vấn đề trên là bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đủ điều kiện, đúng quy định thì cần có thời gian thanh tra một số nơi để làm rõ.

Ông Lê Vĩnh Tân cho biết, có tình trạng bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ
Ông Lê Vĩnh Tân cho biết, có tình trạng bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ

“Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thanh tra công vụ 2 đơn vị. Khi có kết quả thanh tra cụ thể sẽ báo cáo đầy đủ trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân hứa trước diễn đàn Quốc hội.

Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng về việc có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, đại biểu Lê Thị Nga nhắc lại khoảng thời gian hơn 4 tháng kể từ khi có thông tin cử tri, dư luận nhiều nơi phản ánh là “điểm nóng” của việc bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ.

“Có cơ quan đến 2 nhiệm kỳ liên tiếp bổ nhiệm ồ ạt vào "phút chót" thì 4 tháng cũng đủ điều kiện để thanh tra tại một số đơn vị như thế. Đề nghị Bộ trưởng tổ chức thanh tra ngay để có câu trả lời”, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga chỉ rõ.

Làm rõ 9 tỉnh thành bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phán ánh tình trạng “bổ nhiệm đúng quy trình” diễn ra phổ biến trong thời gian qua. Theo đại biểu, việc bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất tốt. Tuy nhiên thời gian qua, cụm từ “đúng quy trình” đã bị lợi dụng và chính là “bàn đỡ”, "rèm che" bảo hộ cho một số cán bộ lãnh đạo suy thoái thực hiện thành công việc chọn người nhà mà không chọn người tài.

Đại biểu đoàn Quảng Bình cho rằng, vấn đề trên đã gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của cử tri, người dân trong việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên để lấy lại niềm tin trong nhân dân, để cứu nguy cho quốc gia trong việc chọn người tài quản lý đất nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, bộ này có báo cáo cụ thể với Thủ tướng trong việc bổ nhiệm người nhà đối với 9 địa phương. “Qua báo cáo lần này, chúng tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND cấp tỉnh trong việc bổ nhiệm cán bộ, phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước”, ông Lê Vĩnh Tân nói.

Ông Lê Vĩnh Tân nêu rõ việc tuyển chọn cán bộ, chúng ta phải áp dụng một cách rộng rãi, công khai, minh bạch, dân chủ. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề nghị nên xem xét, xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc tham mưu việc không đúng tiêu chuẩn, điều kiện thì phải đưa ra và rút lại những quyết định đã bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình đối với trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời gian vừa qua.

Tại Hội trường, ông Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, việc bổ nhiệm lãnh đạo ở cấp phòng hiện nay có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tiến hành thanh tra Nhà nước về mặt công vụ đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh Hải Dương.

Ông Tân cho biết, cơ quan này hiện nay có 46 người, trong đó có 44 cán bộ lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên là sự thật, đúng như nguồn tin của báo chí đã nêu. Tỉnh Hải Dương cũng chưa có quy định đối với cấp phòng có bao nhiêu phó trưởng phòng.

“Đối với cơ cấu của Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 9 phòng, như vậy có tổng cộng 4 lãnh đạo cộng thêm 27 nữa thì thừa, lại tới 8 phó phòng. Sau khi làm việc, đối với Tỉnh Hải Dương đã có 1 đồng chí xin chuyển công tác trở về vị trí cũ và 7 đồng chí còn lại xin rút, không nhận nhiệm vụ là phó phòng”, ông Tân cho hay.

Với sự việc như vây, Bộ Nội vụ đã có kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo cho Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Hải Dương thực hiện đúng về vấn đề quy định tiêu chuẩn về chức danh cán bộ của cấp phòng quy định cụ thể không quá 3 người. Đặc biệt, khi đề bạt bổ nhiệm đảm bảo đúng tiêu chuẩn điều kiện và thực hiện đúng quy trình. Có xử lý nghiêm đối với những người làm công tác tham mưu đề nghị trong việc đề bạt, bổ nhiệm quá số lượng quy định làm cho xã hội bức xúc trong thời gian vừa qua.

Quang Phong