“34% phụ nữ từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục”

(Dân trí) - “Nghiên cứu về bạo lực với phụ nữ VN mới đây cho thấy, 34% phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần. Hậu quả của bạo lực với phụ nữ ảnh hưởng qua nhiều thế hệ”.


Tại Việt Nam, bạo lực tình dục vẫn còn là điều ngại nói ra (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, bạo lực tình dục vẫn còn là điều ngại nói ra (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đưa ra thông tin trên tại Diễn đàn chính sách “Thực trạng và giải pháp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái”, hưởng ứng "Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11", do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức UNFPA tổ chức tại Hà Nội sáng 25/11.

Trên cơ sở kết quả đáng buồn về bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhận xét: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong gia đình tới cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên so với các dạng bạo lực khác, việc đánh giá thực trạng và xử lý bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái còn gặp nhiều khó khăn”.

Trong khi đó, nhiều ý kiến của các diễn giả tại diễn đàn đều cho rằng, bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đang được coi là chủ đề nhạy cảm, chưa được thảo luận công khai nhiều. Lý do từ các định kiến khác nhau trong xã hội về những nạn nhân của bạo lực tình dục.

Đồng quan điểm trên, bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết: “Điều tra Quốc gia về bạo lực gia đình mới đây cho thấy, 87% cho biết họ đã bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% cho biết họ đã bị bạn tình của họ cưỡng ép tình dục; 30% người làm nghề mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% đã bị ép buộc tình dục”.

Bà Ritsu Nacken cũng nhận định, dù thực trạng còn đáng buồn như trên nhưng nạn nhân bạo lực gia đình không tìm kiếm sự giúp đỡ nào vì thiếu các dịch vụ hỗ trợ tiếp cận. Nhiều người quá sợ hãi bị kỳ thị và phân biệt nên đã không cho ai biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, một trong những trở ngại đang hiện hữu trong xã hội Việt Nam là tâm lý ngại nói về bạo lực tình dục trong hôn nhân.

“Phải chăng một số quan niệm cũ trong xã hội đã góp phần làm cho tình trạng bạo lực này gia tăng song lại ít được đề cập tới? Vô hình chung phụ nữ vẫn tiếp tục là nạn nhân của tình trạng này?” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nêu vấn đề.

Để hạn chế thực trạng trên, vị đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng xã hội cần phải nỗ lực để chuyển biến nhận thức và hành động của người dân về thực hiện bình đẳng giới, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bằng những việc làm cụ thể.

Trong khi đó, bà Ritsu Nacken cho rằng cần chú trọng tới 4 nhóm giải pháp cơ bản để giải quyết tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.

Cần thiết lập và đảm bảo việc tiếp cận dễ dàng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý và chuyển tuyến với các nạn nhân của bạo lực tình dục; Thay đổi suy nghĩ và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục.

“Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có số liệu thống kê toàn diện cấp quốc gia về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, hệ thống pháp luật hiện hành cũng như quá trình thực thi hệ thống pháp luật cần cải tiến để đưa những vụ bạo lực tình dục ra ánh sáng công lý” - bà Ritsu Nacken nói.

Theo khảo sát của Trung tâm ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên  (CSAGA) năm 2012, hơn 37% phụ nữ được khảo sát cho biết họ bị ép quan hệ tình dục trong giai đoạn từ 1 - 3 năm chung sống cùng nhau;  60% phụ nữ cho biết buộc phải quan hệ tình dục ngay cả trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc lúc đang đau ốm. Tuy nhiên, 83% phụ nữ bị bạo lực chấp nhận và cam chịu, chỉ 13% chị em phản ứng quyết liệt và cương quyết cự tuyệt khi bị ép quan hệ.

Hoàng Mạnh