Dân cần trực tiếp bầu, giám sát Trưởng đặc khu kinh tế!

(Dân trí) - Theo dự thảo mới nhất luật Hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), Trưởng đặc khu được trao quyền lực lớn, do Thủ tướng bổ nhiệm, 77/116 nhóm quyền được giao thuộc thẩm quyền của Thủ tướng… Các chuyên gia luật pháp cảnh báo, nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả, lợi ích nhóm sẽ dễ len lỏi và 3 đặc khu dự kiến xây dựng sẽ dễ trở thành 3 miếng mồi ngon…

Mô hình tổ chức, đặc biệt là vai trò, thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu là nội dung đang gây nhiều tranh luận nhất trong dự thảo luật Hành chính – Kinh tế đặc biệt.

Ngày 20/9, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội thảo “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” để thu nhận các ý kiến về vấn đề nóng nhất này.


Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.

Trưởng đặc khu: Quyền lực lớn, giám sát sao?

Trình bày mô hình đặc khu, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông khái quát, đặc khu được xác định là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, không xác định phân chia theo mô hình chính quyền cấp xã/phường phía dưới như thông thường nữa mà chỉ chia thành cá khu hành chính.

Đặc khu cũng không tổ chức như một cấp chính quyền với HĐND, UBND mà phân cấp mạnh thẩm quyền cho Trưởng đặc khu.

Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, bãi nhiệm, cách chức nhưng vẫn chịu sự giám sát của HĐND, UBND cấp tỉnh, phải báo cáo công tác, trả lời chất vấn trước các cơ quan này.

Ngoài ra, sau phiên thảo luận lần đầu tại UB Thường vụ Quốc hội tuần trước, cơ quan soạn thảo luật thiết kế thêm Hội đồng tư vấn và giám sát do Thủ tướng thành lập trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ hoạt động song song với Trưởng đặc khu.

Ông Trần Huy Đông chú giải, thành phần hội đồng bao gồm đại diện cơ quan quản lý cấp trên, các chuyên gia, nhà đầu tư chiến lược tại đặc khu… Việc giám sát của cơ quan này sẽ được báo cáo thẳng lên Thủ tướng. Mô hình này giống với cách làm của Hàn Quốc, Thái Lan hiện nay.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật nhận xét, việc bổ sung thiết chế này giúp giải quyết được vấn đề đặt ra liên quan đến tình phù hợp với Hiến pháp của đạo luật.

Hội đồng tư vấn và giám sát là cơ quan để tăng cường giám sát ngang cấp đối với bộ máy đặc khu khi ở đây sẽ không có HĐND tương ứng.

Nêu nhiều nghi ngại về vấn đề này, Phó Giáo sư Huỳnh Ngọc Giao phân tích, có rất nhiều ưu đãi khác biệt được đề xuất áp dụng ở 3 đặc khu sẽ xây dựng là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) như thời hạn giao đất kéo dài tới 70-99 năm.

3 đặc khu nằm vị trí rất nhạy cảm về chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng và môi trường. Vậy luật này giải quyết thế nào để có thể chắc chắn Trưởng đặc khu, với quyền lực lớn như vậy sẽ không tổ chức xây tường kín mít mà chính quyền địa phương cũng không vào được, trong đó thì người lao động nước ngoài thì dày đặc, biến đặc khu thành một “đơn vị ngoại bang” trong lãnh thổ Việt Nam?

Câu chuyện lợi ích nhóm thì có công cụ nào ngăn chặn khi quyền đã giao hết cho Trưởng đặc khu, như quyền chỉ định thầu với các dự án trong hàng rào?

Nêu hàng loạt câu hỏi như vậy, Phó Giáo sư Giao bình luận, chưa thấy tin tưởng vào hiệu quả của Hội đồng tư vấn và giám sát vì về nguyên lý, cơ quan này có khả năng rất quan liêu vì làm việc kiêm nhiệm.

“Cần có tư duy đột phá, vẫn tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng hội đồng này phải khác hẳn thông lệ, Trưởng đặc khu không tham gia hội đồng và Trưởng đặc khu cũng nên do dân bầu trực tiếp như bầu hội đồng, để nhân dân cũng giám sát. Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả thì lợi ích nhóm len lỏi vào đây và 3 đặc khu dễ trở thành 3 miếng mồi ngon lành” – ông Giao cảnh báo.

Vượt trội để thu hút những công dân hạng nhất


Đại diện Bộ KH-ĐT báo cáo về nội dung điều chỉnh của dự thảo luật

Đại diện Bộ KH-ĐT báo cáo về nội dung điều chỉnh của dự thảo luật

GS.Trần Ngọc Đường mong nguyên tắc hợp Hiến phải được đề cao tuyệt đối khi xây dựng luật này. Theo đó, mô hình đặc khu, theo ông Đường, nên tương tương với chính quyền cấp tỉnh. UBND tỉnh có đặc khu cử một cán bộ về làm Trưởng đặc khu nhưng phải đảm bảo để người này kkhoong phụ thuộc vào Chủ tịch UBND tỉnh đó.

“Mô hình đưa ra hiện nay, Trưởng đặc khu chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, trước Thủ tướng, HĐND, UBND cấp tỉnh nhưng ông này có phải được HĐND tỉnh bầu ra đâu mà chịu trách nhiệm trước cơ quan này. Luật cũng dự kiến tạo cho Trưởng đặc khu một vị thế đặc biệt, ít phụ thuộc để có thể quyết định, thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài nhưng các quy định đưa ra lại cho thấy ông này sẽ rất phụ thuộc vào chủ tịch UBND và HĐND tỉnh...” – GS. Đường chỉ ra nhiều mâu thuẫn.

Lật lại vấn đề, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc đầu tiên khi thảo luận về vấn đề này thì quan trọng nhất là phải tạo ra được mô hình nào đảm bảo để đặc khu sẽ trở thành một hình mẫu vượt hẳn lên thông lệ chứ như đã biết, tổ chức chính quyền hành chính hiện này “nhiều trói buộc kinh khủng”.

“Làm sao để đặc khu không phải để thu hút đầu tư trong nước mà để hút về những nguồn lực cao nhất của thế giới – đó phải là những nhà đầu tư hạng nhất, những công nhân hạng nhất.

Theo đó, việc soạn thảo cơ chế phải nhằm vào mục đích phục vụ việc này thì mới tạo được sức cạnh tranh cho các đặc khu của Việt Nam so với những Hồng Kông, Ma Cao, Thẩm Quyến xung quanh” – TS. Thiên lập luận.

Ông dẫn chứng ví dụ của Thẩm Quyến (Trung Quốc) và bây giờ là đặc khu Tiền Hải, nằm trong lòng Thẩm Quyến, dù rất nhỏ bé nhưng thực tế quyền lực của người đứng đầu các đơn vị này rất lớn – quyền lực chuyển trực tiếp từ lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, phạm vi thẩm quyền mà thậm chí người lãnh đạo đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Châu cũng không có…

P.Thảo