1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tổng LĐLĐ VN đề nghị tạm lùi sửa Luật công đoàn

(Dân trí) - “Luật Công đoàn 2012 có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, qua 5 năm thi hành, đã phát huy tác dụng, điều chỉnh các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; chưa phát sinh bất cập, mâu thuẫn cần phải sửa đổi”.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - bày tỏ quan điểm liên quan tới đề nghị tạm lùi việc sửa Luật công đoàn. Đây cũng là một trong những nội dung trong Phiên thảo luận chuyên về chương trình xây dựng luật của Quốc hội sáng 30/5.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, yếu tố nêu trên đóng vai trò quan trọng đầu tiên xác định sự cần thiết của việc sửa hay không sửa đổi một đạo luật.

ngo duy hieu

Ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Phân tích cụ thể, vị trưởng Ban Quan hệ lao động của Tổng LĐLĐ VN cho rằng: “Theo Kế hoạch 735 của Đảng đoàn Quốc hội và công văn 1099 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc sửa đổi Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn chuẩn bị công tác sửa Luật theo hướng tập trung vào “tổ chức bộ máy”.

Tuy nhiên trong thực tế, Tổng LĐLĐ VN cho rằng, Luật Công đoàn chỉ có Điều 7 quy định về hệ thống tổ chức theo 4 cấp, các vấn đề khác về tổ chức bộ máy nằm ở các quy định của Đảng và Điều lệ Công đoàn.

“Trong khi đó, Tổng LĐLĐ VN đang tham mưu Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Nhiều vấn đề về tổ chức bộ máy, hoạt động của Công đoàn trong điều kiện mới được đề cập. Sau khi Đề án được ban hành, Tổng LĐLĐ VN nghiên cứu thể chế hóa thành các quy định của pháp luật” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

“Mặc khác, hiện nay chúng ta đang tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU, trong đó điều khoản về lao động, công đoàn cũng là điều khoản đối tác hết sức quan tâm” - ông Ngọ Duy Hiểu nói

Liên quan tới Hiệp định CPTPP, vị trưởng Ban Quan hệ lao động cho rằng: Theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP về phương án lao động - công đoàn thì 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam phải đảm bảo quyền thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở, hay nói cách khác, sẽ có một tổ chức công đoàn khác ngoài Công đoàn Việt Nam tại cơ sở vào năm 2023-2024.

“Trong quá trình đàm phán, chúng ta đề nghị kéo dài 5 năm là để chuẩn bị về mọi mặt để thích ứng với một mô hình chưa có tiền lệ này. Tổng Liên đoàn thấy cần có khoảng thời gian cần thiết để tích lũy, chuẩn bị các điều kiện: xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, phát triển tổ chức, chuẩn bị nguồn lực để ứng phó có hiệu quả với CPTPP” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Trên cơ sở đó, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị: “Bộ luật lao động đang được khẩn trương sửa đổi và dự kiến Bộ luật này sẽ được thông qua trong năm 2019 và có hiệu lực vào năm 2020. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn Luật Công đoàn được xây dựng và ban hành trong năm 2021-2022, kịp thời đáp ứng điều khoản có hiệu lực về công đoàn liên quan đến CPTPP”.

Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp huyện gần như không hoạt động

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, qua theo dõi của Tổng LĐLĐ VN, hiện nay cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể qua hình thức Hòa giải viên, Hội đồng trọng tài, Chủ tịch UBND cấp huyện gần như không vận hành.

Nguyên nhân là các quy định với những trình tự, thủ tục rất nhiêu khê, người lao động không thể tiếp cận khi họ đang rất bức xúc, bị chủ sử dụng lao động xâm phạm quyền lợi.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, một người có thể kiên nhẫn đợi chờ vài năm, thậm chí là chục năm để kiện đòi một mảnh đất nhưng họ không thể kiên nhẫn đợi chờ nhiều năm để được bố trí lại việc làm hay để hưởng chế độ thai sản khi ngày sinh đã đến cận kề.

“Ở nhiều nước, họ có luật riêng về giải quyết các vụ án lao động, thậm chí có cơ quan giải quyết riêng vừa có tính chất trọng tài, tòa án. Đề nghị cho ban hành riêng luật này đảm bảo giải quyết tranh chấp lao động” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Phan Minh