Tăng tuổi hưu: Doanh nghiệp FDI muốn tính kỹ khi sửa Luật lao động
(Dân trí) - “Nên điều chỉnh tuổi hưu lao động nữ theo hướng mở với "mốc" nghỉ hưu là 55 tuổi và khuyến khích lao động làm việc tới 60 tuổi. Bên cạnh đó cần điều chỉnh nhiều quy định để thực sự giúp lao động nữ nhận được quyền lợi thực tế, tránh sự “cào bằng”.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam - chia sẻ với báo giới quan điểm về nội dung quy định về điều chỉnh tuổi hưu, đảm bảo bình đẳng giới của Bộ Luật Lao động, trong bối cảnh Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp thu các ý kiến góp ý để xây dựng đề xuất dự thảo trong năm tới.
Cần phân định rõ trách nhiệm
Theo bà Đào Thị Thu Huyền, Bộ Luật Lao động hiện nay có nhiều điều đặc thù dành cho lao động nữ. Nhưng để áp dụng thực tế vẫn không dễ.
Đơn cử như quy định cho phép lao động nữ trong thời gian kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút.
Bà Đào Thị Thu Huyền giải thích: “Trong một hệ thống dây chuyền sản xuất quy mô và có sự phân công ổn định, người quản lý sẽ rất khó tính toán để có thể tìm ra ai thay vào vị trí “trống” của người được nghỉ 30 phút theo quy định trên”.
Đứng ở góc độ quản lý, vị Phó GĐ Văn phòng TGĐ của doanh nghiệp FDI Nhật Bản cho rằng, điều này còn có nguy cơ gây sự bất ổn trong cả quá trình sản xuất dây chuyền.
Ngoài ra, nhiều quy định trong Bộ Luật lao động năm 2012 cũng đang được cho là gây trở ngại tới doanh nghiệp FDI.
Theo bà Đào Thị Thu Huyền, một số trách nhiệm nên là của Nhà nước nhưng lại quy định cho doanh nghiệp. Điều này khó thực hiện, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường.
“Đơn cử như việc đưa quy định doanh nghiệp phải hỗ trợ người lao động nuôi con nhỏ, xây dựng nhà trẻ. Bởi doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ có thể trả lương theo sức lao động và mặt bằng phù hợp của thị trường tới người lao động. Còn trách nhiệm chăm lo phúc lợi và hạ tầng cơ sở phải thuộc về trách nhiệm Nhà nước” - bà Đào Thị Thu Huyền nói.
Thừa nhận thực tế trên có thể đã dẫn tới nhiều hệ luỵ doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, vị Phó GĐ Văn phòng TGĐ của doanh nghiệp FDI Nhật Bản chia sẻ: “Chính vì quy định trên còn chưa phù hợp khiến nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện. Doanh nghiệp phải trốn tránh trách nhiệm và vi phạm pháp luật về lao động”.
Tăng tuổi hưu: Sao không có hướng “mở”?
Khi bàn về bình đẳng giới trong quy định pháp luật Lao động, bà Đào Thị Thu Huyền cho rằng nếu không tính toán kỹ sẽ vô tình tạo ra sự cào bằng, thậm chí là sự bất công cho lao động nữ, chứ không phải là sự bình đẳng giữa lao động nam và nữ.
“Đơn cử như lao động khu vực văn phòng hoặc công nhân trong khu vực sản xuất trực tiếp đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu so với hiện nay. Cần có sự nghiên cứu điều tra trên diện rộng để có thể lắng nghe xem người lao động có muốn tăng tuổi hưu hay không?”.
So sánh tuổi lao động nữ ở một số nước tiên tiến với lao động nữ Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền cho rằng tuổi hưu lao động nữ có thể cao hơn ở Việt Nam bởi sự khác biệt về tuổi thọ, sức khoẻ sinh sản.
“Phụ nữ Việt Nam đa số đều sinh từ 2 con trở lên. Trong khi đó, nhiều phụ nữ nước ngoài không kết hôn hoặc tuổi kết hôn muộn và sinh ít con. Trong khi đó, đời sống phúc lợi, việc chăm sóc con nhỏ cũng như điều kiện hạ tầng của xã hội khá tốt” - bà Đào Thị Thu Huyền nói.
Bày tỏ quan điểm về thông tin đề xuất nâng tuổi hưu lao động nữ lên 60 tuổi trong dự thảo đề xuất sửa đổi Bộ Luật Lao động tới đây, vị Phó GĐ Văn phòng TGĐ của doanh nghiệp FDI Nhật Bản, cho rằng: “Nếu quy định đồng đều lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 sẽ chưa phù hợp. Bởi doanh nghiệp sẽ khó bố trí việc làm phù hợp cho người lao động nữ cao tuổi”.
Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đều thuộc lĩnh vực sản xuất, tỉ lệ làm dịch vụ ít. Do đó, nữ lao động dù ở khu vực sản xuất hay văn phòng khi làm việc cho khối doanh nghiệp FDI thì “tuổi 55 đã là quá đủ điều kiện nghỉ hưu”.
Đưa ra gợi ý về một phương án điều chỉnh tuổi hưu có tính “mở” hơn, bà Đào Thị Thu Huyền cho rằng nên để lao động nữ hưởng lương hưu ở tuổi 55 năm. Người lao động có điều kiện và nguyện vọng có thể làm việc tiếp tới 60 tuổi: “Như vậy vừa bảo vệ người lao động và đảm bảo chính sách phúc lợi cho người dân”.
Hoàng Mạnh