Tâm sự của nữ tiến sĩ từng làm thêm bằng nghề "osin"

“Với mức lương thấp thì tìm kiếm việc làm thêm phù hợp với khả năng và sở thích của mình là chuyện hết sức bình thường và nhiều khi nhờ những việc làm thêm này lại giúp các thầy cô giáo tiếp tục nuôi sống ước mơ đứng trên bục giảng”, TS. Tuyết Hạnh chia sẻ.

Chuyện một giảng viên ĐH muốn đi bán xôi kiếm thêm thu nhập đã thu hút hàng trăm ngàn độc giả quan tâm. Chia sẻ sau khi đọc câu chuyện này, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên Sức khoẻ môi trường, Trường ĐH Y tế công cộng cho rằng, đó là việc hết sức bình thường, không có gì phải xấu hổ.

Cô giáo Hạnh cho biết, cô nhận được học bổng của chính phủ Úc cho cả 3 bậc học: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Tổng thời gian cô sống bên Úc là gần 10 năm. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc tập trung tối đa cho chuyên môn để đảm bảo kết quả học tập và nghiên cứu được tốt nhất, cô Hạnh cũng đã làm thêm các công việc khác nhau để có thêm thu nhập từ đóng gói đậu Hà Lan đến dọn nhà, làm vườn, nấu ăn.


TS. Trần Thị Tuyết Hạnh cũng từng đi dọn nhà, làm vườn, nấu ăn để cải thiện thu nhập.

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh cũng từng đi dọn nhà, làm vườn, nấu ăn để cải thiện thu nhập.

Nhiều thầy cô khi đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng đều đi làm thêm và phần lớn đều là lao động chân tay. “Những việc phổ biến là phục vụ bàn, rửa bát, đi thu hoạch táo, nho, dâu tây ở nông trại, đưa thức ăn nhanh, trông trẻ, làm gà, dọn vệ sinh tại gia đình, những công việc mà ở nước mình hay gọi là osin đó.

Một số ít thì làm gia sư hoặc làm thêm công việc với giáo sư hướng dẫn. Ngoài thu nhập khá hấp dẫn thì làm thêm tuần 1-2 buổi cũng giúp du học sinh cân bằng cuộc sống, đỡ cảm thấy nhớ nhà, trân trọng đồng tiền mình kiếm ra và cũng trưởng thành hơn”, cô Hạnh chia sẻ.

Theo nữ giảng viên của trường ĐH Y tế công cộng, giảng viên đại học cũng như bao ngành nghề lao động trí óc khác, làm thêm để cải thiện thu nhập trong điều kiện kinh tế khó khăn là bình thường. Lý tưởng thì thu nhập từ hoạt động chuyên môn chân chính đem lại mức thu nhập đủ sống để giảng viên có thể dành thời gian tối đa cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

Tuy nhiên, với mức lương thấp thì tìm kiếm việc làm thêm phù hợp với khả năng và sở thích của mình là chuyện hết sức bình thường và nhiều khi nhờ những việc làm thêm này lại giúp các thầy cô giáo tiếp tục nuôi sống ước mơ đứng trên bục giảng của mình.

“Thực tế những năm mới ra trường, buổi tối và cuối tuần tôi thường dành thời gian dịch và biên tập tài liệu tiếng Anh. Mặc dù công việc này không liên quan đến chuyên ngành Sức khoẻ môi trường của tôi, nhưng giúp tôi tiếp tục có đủ thu nhập trang trải cuộc sống và tiếp tục giấc mơ góp phần phát triển chuyên ngành này ở Việt Nam. Bây giờ chuyên môn vững hơn, tôi có thể cải thiện thu nhập thông qua một số hoạt động tư vấn chuyên môn”, cô Hạnh nói.

Với ý kiến cho rằng, việc giảng viên đại học đi bán xôi, làm các công việc chân tay sẽ làm “ô uế” hình ảnh cao quý của nghề giáo, cô Hạnh bộc bạch: “Hình ảnh cao quý của nhà giáo là hình ảnh người thầy, người cô luôn trau dồi chuyên môn vững vàng, thực hiện các nghiên cứu có ý nghĩa, có tính ứng dụng trong thực tế và hết lòng trong công tác giảng dạy, khơi gợi sự sáng tạo và đam mê cho sinh viên, học viên.

Nếu thu nhập từ chuyên môn không đủ sống và giảng viên vẫn rất yêu nghề giáo thì nên chủ động tự tìm kiếm thêm những việc làm phù hợp. Việc gì cũng được, miễn là công việc chân chính đem lại thu nhập cho gia đình. Điều này còn cho thấy hình ảnh thầy cô năng động và thích nghi tốt với cuộc sống, không ỷ lại và không đổ lỗi cho hoàn cảnh”.

Cô Hạnh cũng chia sẻ rằng, có một thực tế khá phổ biến ở người Việt là hay đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài như nhà cửa, đi ô tô hay xe đạp, dùng điện thoại gì…, qua công việc mà họ đang làm, suy nghĩ này cần sớm thay đổi.

“Riêng tôi thì ngoài thời gian tập trung trau dồi chuyên môn, nhờ những công việc làm thêm đã giúp tôi tự lập, chủ động xây dựng một cuộc sống tạm ổn định và tiếp tục với ước mơ đứng trên bục giảng, chia sẻ những kiến thức và kỹ năng mình học được từ nước ngoài cho các thế hệ học viên, sinh viên”, cô Hạnh nói.

Nữ giảng viên trường y cũng bộc bạch rằng, không chỉ giảng viên đại học mà nhiều ngành nghề khác, nếu chỉ tính riêng tiền lương thì hiện khó đảm bảo đủ để trang trải cuộc sống ở mức tiết kiệm.

Do đó, giảng viên hay là ai thì cũng cần chủ động tìm việc làm thêm phù hợp với sở thích và chuyên môn của mình sẽ vừa giúp cải thiện thu nhập vừa giúp các thầy cô giáo tiếp tục với đam mê nghề nghiệp và giữ được hình ảnh đẹp trong mắt học viên, sinh viên và cộng đồng. Không có gì phải ngại, miễn là mình bỏ sức lao động chân chính.

“Tôi mong là trong tương lai không quá xa thì giảng viên nói riêng và các ngành khác nói chung, người lao động có thể có mức lương tốt hơn, đủ đảm bảo cuộc sống để có thể dành thời gian tối đa cho công tác chuyên môn, đúng với chuyên ngành được đào tạo. Như vậy, năng suất lao động sẽ tốt hơn và mỗi người sẽ đóng góp được cho xã hội nhiều hơn”, cô Hạnh chia sẻ.

Theo Vietnamnet.vn