Bán xôi thì có gì mà xấu hổ, thưa chị giảng viên?

Mấy hôm nay bạn bè của tôi chia sẻ bài viết của một giảng viên rằng “lương không đủ sống” nên rất có thể chị sẽ “chường mặt ra ngoài đường bán xôi”. Bởi chị thấy “bán xôi dễ quá, cứ nấu xôi lên, khách ra vào nườm nượp, thu tiền” mà thu nhập của người bán xôi lại gấp ba lần lương giảng viên của chị.

Thu nhập cao đấy nhưng với chị, đi bán xôi thì “rất tầm thường” làm mất hết thể diện nên chị lăn tăn quá!

Tôi nghĩ, những hoang mang, lo lắng ấy không là của riêng chị, mà rất nhiều trí thức khác, đang vùng vẫy trong mớ hỗn độn giữa thể diện và gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Tại sao chị lại lăn tăn? Là bởi, với chị, nghề bán xôi “tầm thường quá”, nó dành cho những người tri thức kém, ít nhất là không phải giảng viên như chị!

Tôi chẳng trách chị đâu, bởi trách chị thì tôi sẽ trách rất rất nhiều người, những người không coi trọng lao động tay chân, không coi trọng những công nhân, nông dân, những người trực tiếp sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Chúng ta nghĩ, lao động tay chân là thấp hèn, những người thợ là những người “tầm thường”…

Thế nên mới có chuyện, con trẻ từ khi sinh ra đã được bố mẹ kỳ vọng là bác sĩ, kỹ sư, lớn lên là bằng mọi cách phải thi đậu đại học, phải có được tấm bằng cử nhân, kỹ sư. Có bằng đại học, thạc sĩ thì phải có công việc nhẹ nhàng, văn phòng, phải làm thầy…

Nhưng thưa chị giảng viên, xã hội có sự phân công công việc rất rõ ràng. Xã hội sẽ chọn lọc và đưa con người về đúng vị trí của nó. Có bao giờ chị nghĩ, tại sao lại có hàng ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi đi làm công nhân, làm lao động tay chân không?

Đáng lẽ, họ phải ngồi ở đó từ lâu rồi, thay vì cố sống cố chết đi học đại học, có tấm bằng về cất đầu tủ thì ngay từ đầu, họ chọn một nghề phù hợp, đi học nghề phù hợp, ra trường kiếm việc, đi làm. Họ không mất thời gian vô ích mấy năm đại học, gia đình họ cũng không tốn tiền bạc, xã hội không mất công đào tạo rồi bỏ phí…

Chị nói giảng viên sao nghèo, có bao giờ chị tự hỏi tại sao cũng có người là giảng viên nhưng người ta lại giàu hoặc người ta sống tốt với nghề không?

Không có nghề nào là thấp hèn, không có nghề nào là tầm thường nếu nó tử tế và lương thiện.

Đừng coi thường những người bán xôi, những người đánh giày, những công nhân, nông dân… ngày đêm trong nhà máy, ruộng đồng bởi không có họ, những người trực tiếp tạo ra sản phẩm, của cải vật chất cho xã hội thì những trí thức như chúng ta, dù có tiền nhưng mỗi buổi sáng sẽ không có xôi mà ăn, không có áo mà mặc đâu!

Theo laodong.com.vn