“Quyền di cư được bảo đảm, giúp tăng cơ hội xuất khẩu lao động bền vững”

(Dân trí) - “Đồng thuận về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư giúp các nước thành viên Asean nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, làm cơ sở đảm bảo các chính sách về lương, bảo hiểm xã hội như lao động nước sở tại”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về Bản Đồng thuận Asean về di cư và thúc đẩy quyền của người lao động di cư

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với báo giới về kết quả của Bản Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư.

Đây là văn kiện duy nhất trong số 56 văn kiện được lãnh đạo các nước Asean tổ chức ký chính thức tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, diễn ra từ ngày 13-14/11/2017 tại Manila, Philippines.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc 10 nước Asean ký kết bản Đồng thuận chứng tỏ tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn đối với người lao động ASEAN nói chung và người lao động Việt Nam nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển lao động trong cộng đồng ASEAN đang gia tăng.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Hoàng Mạnh)

“Đồng thuận mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiết thực đối người lao động của các nước thành viên ASEAN nói chung và của người lao động Việt Nam nói riêng. Đồng thuận đã đề cập tới các quyền lợi cơ bản của người lao động di cư. Điều này giúp người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiểu rõ về các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước, trong và sau khi đi làm việc ở nước ngoài“ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bên cạnh đó, Bản Đồng thuận cũng đề cập tới các trách nhiệm cụ thể của nước phái cử cũng như nước tiếp nhận lao động trong ASEAN, như: Đảm bảo người lao động được tham gia các khóa đào tạo định hướng trước khi đi và sau khi tới quốc gia tiếp nhận; đảm bảo đưa ra các chi phí chuẩn và minh bạch; tạo điều kiện cho người lao động di cư tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, các cơ chế khiếu nại khi có tranh chấp xảy ra...

Đánh giá về điều này, đại diện ngành LĐ-TB&XH cho rằng: Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý của Việt Nam tham khảo trong quá trình rà soát, sửa đổi luật pháp, chính sách liên quan tới lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Ngoài ra, các nội dung của Đồng thuận cũng là căn cứ quan trọng để Việt Nam và các nước đối tác. Trước hết là những đối tác là quốc gia thành viên ASEAN, các tổ chức quốc tăng cường hợp tác trong việc bảo vệ tốt hơn nữa quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như thúc đẩy hiệu quả việc quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Năm 2016, Việt Nam đã ký kết và triển khai nhiều hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động mới với một số nước tiếp nhận lao động như: Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia; Hiệp định hợp tác lao động Việt - Lào; Thoả thuận phái cử và tiếp nhận lao động giữa Việt Nam và Thái Lan.

“Quyền di cư được bảo đảm, giúp tăng cơ hội xuất khẩu lao động bền vững” - 2

Đặc biệt là việc ký lại Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU) vào ngày 17.5.2016 sau gần 4 năm gián đoạn. Điều này đã mở ra cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cho nhiều người lao động Việt Nam.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016, vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015. Đây là năm thứ 3 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Một số thị trưởng lao động thu hút đông lao động VN, như: 68.244 lao động đi làm việc tại Đài Loan, 39.938 lao động tại Nhật Bản (tăng 47,86%), 8.482 lao động tại Hàn Quốc (tăng 40,92%)...

Năm 2017, với mục tiêu sẽ đưa được 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam sẽ triển khai ở các thị trường trọng điểm như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Rút giấy phép 4 công ty XKLĐ trong 10 tháng qua

Tới nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép cho tổng số 345 doanh nghiệp, trong đó, 302 doanh nghiệp đang hoạt động. Bộ đã thu hồi giấy phép của 43 doanh nghiệp, riêng trong 10 tháng qua, Bộ đã rút giấy phép 4 công ty XKLĐ.

“Quyền di cư được bảo đảm, giúp tăng cơ hội xuất khẩu lao động bền vững” - 3

Ngoài ra, còn có 17 doanh nghiệp đã được cấp phép theo Nghị định số 81/2003/NĐ-CP bị thu hồi giấy phép do không làm hồ sơ hoặc không được đổi giấy phép theo Luật. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên nhân chính của việc thu hồi giấy phép do nhiều công ty đã chuyển giao cho công ty con, Nộp lại giấy phép do chấm dứt hoạt động, bị thu bồi giấy phép do không đáp ứng đủ điều kiện cấp đổi giấy phép theo Luật, bị thu hồi giấy phép do vi phạm các quy định của Luật, bị thu hồi giấy phép do không làm hồ sơ đổi Giấy phép theo Luật. Đặc biệt trong năm 2017, có 4 doanh nghiệp bị rút giấy phép do vi phạm các quy định Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: Không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn…

V.H