Lương tối thiểu 2019: Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị hạn chế tăng

(Dân trí) - Liên quan tới đàm phán tăng lương tối thiểu vùng 2019, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản vừa bày tỏ quan điểm với Bộ LĐ-TB&XH và nhiều cơ quan chức năng. Theo đó nên hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp…


Khoảng cách giữa đề xuất tăng lương tối thiểu 2019 của Tổng LĐLĐ VN và VCCI là 8%

Khoảng cách giữa đề xuất tăng lương tối thiểu 2019 của Tổng LĐLĐ VN và VCCI là 8%

Lo tăng lương ảnh hưởng kinh tế

Trong Công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, ông Koji Ito - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) - bày tỏ quan điểm không phản đối việc người lao động được hưởng cuộc sống đầy đủ và mức lương tối thiểu là yếu tố cần thiết đối với việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, đại diện JCCI cho biết, tương lai của ngành công nghiệp may, giày dép và ngành sản xuất chế tạo công nghiệp xuất khẩu tại VN sẽ bị ảnh hưởng lớn về chi phí lao động.

Đại diện JCCI cũng đưa ra dẫn chứng về phiếu điều tra dành cho đối tượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Châu Á, theo đó: 75,2 % doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng tăng lương gây ảnh hưởng đến kinh tế. Mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện chỉ sau Campuchia, Indonesia và Trung Quốc đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất. Điều này có nguy cơ khiến doanh nghiệp cắt giảm lao động trong tương lai.

Năm 2017, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 lên 6,5 % so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017, tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của hàng chục triệu người lao động và doanh nghiệp.

Dù không đề xuất cụ thể mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019, nhưng ông Koji Ito đưa ra khuyến nghị hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp.

“Việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cần dựa vào tình hình thực tế của kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời cần cân nhắc các yếu tố để có thể xây dựng tiêu chuẩn hợp lý không làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…” - trích quan điểm của đại diện JCCI.

Cần tính lại về mức sinh hoạt tối thiểu

Bên cạnh việc khuyến nghị về điều chỉnh lương tối thiểu, đại diện JCCI cũng đề nghị, định nghĩa lương tối thiểu để đảm tiêu chuẩn sinh hoạt tối thiểu cần thiết nên được tính là “lương cơ bản + trợ cấp” và kỳ vọng được nêu trong dự án sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012.

Để tránh tình trạng đình công, tranh chấp lao động không cần thiết, ông Koji Ito hy vọng Chính phủ sẽ thông báo rộng rãi thông qua một nghị định về nội dung: “Mức lương tối thiểu chỉ quy định mức sàn với giá trị tuyệt đối, trong trường hợp đã thoả mãn mức lương tối thiểu, mức tiền lương tăng sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định trên tình hình kinh doanh”.

Về phương pháp điều tra tiêu chuẩn sinh hoạt cần thiết, JCCI cũng bày tỏ quan điểm với Hội đồng tiền lương Quốc gia: Việc điều tra tiêu chuẩn sinh hoạt trên đã thực hiện tới năm 2018, nhưng tổng quan điều tra chưa được công khai đầy đủ.

“Chúng tôi hy vọng việc tính toán tiêu chuẩn sinh hoạt tối thiểu cần loại trừ đối tượng điều tra là người lao động có tiêu chuẩn sinh hoạt cao, loại bỏ đối tượng điều tra là những người làm việc ở các doanh nghiệp lớn. Đồng thời cần sử dụng dữ liệu thu nhập theo ngành công nghiệp với đối tượng là người lao động của doanh nghiệp vừa và nhỏ” - quan điểm của đại diện JCCI.

Phiên đàm phán lần thứ 2 về lương tối thiểu vào cuối tháng 7 tại Hà Nội

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Phiên đàm phán lần đầu về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019 được Hội đồng tiền lương Quốc gia tổ chức. Quan điểm của các bên còn khá xa nhau. Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đề nghị chưa tăng lương tối thiểu. Tổng LĐLĐ VN đề nghị mức tăng lương 8 % so với mức lương tối thiểu vùng 2018 (tương đương từ 220.000-330.000 đồng trên 4 vùng lương).

Dự kiến, Phiên đàm phán lần thứ 2 sẽ được tổ chức cuối tháng 7 tại Hà Nội.

Hoàng Mạnh