Lao động nữ ở nước ngoài mang thai sẽ bị trục xuất

Từ thực tế này, cần xem xét bổ sung chế độ thai sản cho nữ lao động nước ngoài để bảo đảm tối đa quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là nữ giới.


Ảnh có tính minh họa

Ảnh có tính minh họa

Đó là một trong những khuyến nghị được đưa ra tại hội thảo về pháp luật cho lao động ở nước ngoài diễn ra ngày 11/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo do Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (viết tắt là Unwomen) tổ chức.

Nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, qua rà soát pháp luật về lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, từ góc độ bình đẳng giới cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập.

Cụ thể như: luật quy định các doanh nghiệp phải thường xuyên cung cấp thông tin cho người lao động, nhưng nhiều công ty đã không thực hiện nghĩa vụ này, hoặc các doanh nghiệp chỉ cung cấp những thông tin có lợi cho mình. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước không thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức cho người lao động, mà phụ thuộc vào doanh nghiệp, để mặc doanh nghiệp. Vì vậy, người lao động thiếu thông tin về việc làm, những rủi ro nghề nghiệp liên quan và về sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng tại các nước sở tại…

Hiện nữ giới đi lao động phải đối mặt với việc bị quấy rối và xâm hại tình dục, tuy nhiên, chưa có bộ chương trình nhạy cảm giới đưa ra để cung cấp thông tin cho lao động nữ.

Từ những bất cập nêu trên, một số đại biểu cho rằng, cần phải xem xét bổ sung các điều khoản về quyền tiếp cận thông tin của người lao động, nhất là các cơ quan chức năng cần quy định cụ thể loại thông tin, cách thức, hình thức, nội dung thông tin và nguồn lực cần thiết. Tất cả những điều này, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về lao động đi làm việc ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp phải cung cấp và thực hiện. Bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, đặc biệt là nữ, không đơn thuần là trang bị kiến thức mà cần phải tăng quyền năng để họ bảo vệ mình tốt hơn, tối ưu hóa lợi ích từ quá trình lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về giới và lao động, việc mang thai trong quá trình lao động tại nước ngoài là vi phạm quy định và không khuyến khích. Vì vậy, lao động nữ bị trục xuất về nước là hợp lý, nhưng cũng cần phải có chế độ thai sản cho đối tượng lao động này.

Theo VOV.VN