1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cần “đảo ngược tình thế” trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay

Cần nghiêm khắc phân luồng ngay từ trường phổ thông, để làm sao 80% học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề, 20% học đại học.

Nhiều người có trình độ đại học vẫn thất nghiệp, trong khi nguồn cung về lao động phổ thông, lao động có trình độ tay nghề cao lại không đủ đáp ứng cầu của thị trường lao động. Đây là hệ quả của việc phân luồng người học không căn cứ theo nhu cầu thực tiễn.

Phóng viên đã phỏng vấn ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về nội dung này:

PV: Thưa ông, hiện nay, chúng ta đang xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn chú trọng vào việc chọn các trường đại học. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Cao Văn Sâm: Chúng ta có bộ giải pháp có các công cụ tương đối toàn diện, nhưng bản chất vẫn chưa thực sự thiết thực trong việc phân luồng người học. Vì lẽ ra việc phân luồng người học phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn trong sản xuất và trong thị trường lao động. Khi nhu cầu thực tiễn hình thành thì lẽ ra các cơ quan quản lý nhà nước phải có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện phân luồng đáp ứng giữa cung và cầu.

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề
Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề

Khi không đáp ứng được cung và cầu thì chúng ta đang tạo ra tình trạng ảo. “Ảo” ngày càng lớn thì chính là hậu quả của việc chúng ta không đáp ứng được nhu cầu.

PV: Vậy theo ông, cần phải có những giải pháp gì trong việc sử dụng và đãi ngộ lao động đã qua đào tạo nghề?

Ông Cao Văn Sâm: Theo tôi, cần có 3 giải pháp hữu hiệu, căn bản mà các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp, ngành, đặc biệt là cơ quan truyền thông phải vào cuộc.

Thứ nhất, phải có hạn ngạch cho các trình độ khác nhau ở những nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Giải pháp thứ hai chúng ta đã làm nhưng phải làm mạnh hơn, đó là yêu cầu khi tham gia vào thị trường lao động ở những nghề nhất định, người học nghề phải có những kỹ năng nghề.

Việc này khuyến khích người lao động có kỹ năng nghề để tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh cao; giúp lao động Việt Nam và năng lực cạnh tranh của quốc gia có vị trí, vai trò cao hơn trong thị trường lao động sôi động toàn cầu hiện nay.

Thứ ba, nghiêm khắc phân luồng ngay từ trường phổ thông, để làm sao 80% học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề, 20% học đại học. Khi chúng ta làm được như thế cộng với hạn ngạch đặt ra thì sẽ có nhiều người chọn học nghề. Khi học nghề, các em có nhiều cơ hội, điều kiện vì thời gian học nghề ngắn, được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề ngay, ra trường có thể làm việc được ngay, chi phí thấp nhưng nhu cầu làm việc lớn.

Hiện nay, tỷ lệ lao động trực tiếp trong các các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm đến 95% (có kỹ năng nghề qua các trình độ đào tạo nghề) và chỉ 5% gián tiếp làm quản lý (trình độ đại học). Rõ ràng, chúng ta phải căn cứ vào cầu thực tiễn để đào tạo cung đáp ứng và tránh được lãng phí, hiệu quả phân luồng sẽ rõ hơn.

Có nghĩa, chúng ta phải làm được bài toán đảo ngược tình thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta cũng cần tránh hiện tượng chạy ảo theo bằng cấp.

Lao động Việt Nam đang ở tình trạng thừa thầy thiếu thợ (Ảnh minh họa)
Lao động Việt Nam đang ở tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" (Ảnh minh họa)

PV: Thực tế cho thấy, một số trường nghề có sự liên kết với các doanh nghiệp, còn lại phần lớn chưa đạt hiệu quả trong việc kết nối với các doanh nghiệp. Vậy điều này có gây lãng phí đầu tư chất lượng đào tạo nghề không, thưa ông?

Ông Cao Văn Sâm: Chúng tôi đánh giá thấp những trường không kết nối được với doanh nghiệp trong đào tạo, các em học sinh cũng không muốn vào học những trường này. Suy cho cùng, khi học nghề, người ta cần 3 thứ, đó là kiến thức nghề; kỹ năng nghề; trang bị thái độ, trách nhiệm trong kỹ năng của mình.

Mà để trang bị kỹ năng nghề thật cho người học, không cách nào khác trường nghề phải gắn kết với doanh nghiệp để rèn luyện trên cơ sở các kỹ năng cơ bản đã học ở nhà trường. Khi các em làm được như vậy thì thị trường lao động cũng như các doanh nghiệp đều cần.

Còn cơ sở dạy nghề không gắn kết được doanh nghiệp là bỏ phí các điều kiện, lợi thế của doanh nghiệp và không có cơ hội nâng cao được kỹ năng cho người học.

Theo đánh giá của chúng tôi, có khoảng 70% cơ sở đào tạo đã gắn kết được với doanh nghiệp. Về mặt nguyên tắc, chúng ta khuyến khích các cơ sở dạy nghề phải liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào năng lực của các cơ sở dạy nghề.

Theo tôi, những trường đang tuyển sinh tốt thì gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Vì chỉ làm như vậy mới nâng cao được chất lượng.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Theo Kim Thanh/VOV.VN