Cà Mau: Hỗ trợ 13,8 triệu đồng/lao động khi tham gia xuất khẩu lao động

(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau sẽ dùng nguồn ngân sách để bảo đảm cho người lao động không thuộc diện chính sách được vay tín chấp khi tham gia xuất khẩu lao động.

Còn khó khăn nên e ngại đi lao động nước ngoài

Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt kết quả rất khiêm tốn. Mỗi năm, tỉnh chỉ đưa được khoảng 25 - 30 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đặt ra.

Các nguyên nhân được tỉnh Cà Mau đưa nêu ra là: Tâm lý của người dân chưa quen với đi lao động ở nơi xa, nhất là ở các thị trường lao động phát triển nên vẫn còn e ngại; khả năng về ngoại ngữ của người dân Cà Mau khi đi lao động nước ngoài còn hạn chế; những người hiện nay chưa có việc làm muốn đi làm việc ở nước ngoài thì hầu hết là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các chi phí để đi làm việc ở nước ngoài là khá lớn như học ngoại ngữ, học nghề, khám sức khỏe, visa, ký quỹ...

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, việc triển khai “Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” có những chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ điều kiện tốt nhất cho người lao động được đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường lao động tiên tiến, có thu nhập cao.

UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, hiệu quả của đề án là tạo nguồn thu nhập chính đáng cho người lao động, là nguồn thu nhập ổn định và khá cao, nhất là cho các hộ cận nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; nguồn ngoại tệ chuyển về địa phương sẽ là nguồn vốn đáng kể để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, người lao động sau khoảng thời gian làm việc ở nước ngoài, khi về nước sẽ có kỹ năng lao động tốt hơn, dễ dàng tìm được việc làm, thu nhập ổn định và cao, đây cũng chính là nguồn nhân lực để mở ra các cơ sở sản xuất kinh doanh của địa phương và thu hút sự hỗ trợ, đầu tư tư nước ngoài.

Người lao động đi tìm việc. (Ảnh minh họa)
Người lao động đi tìm việc. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ vay 100% từ các ngân hàng

Vấn đề đáng chú ý trong đề án này là tỉnh Cà Mau sẽ hỗ trợ không hoàn lại chi phí ban đầu tối đa không quá 13,8 triệu đồng/lao động; người lao động sẽ được vay tại ngân hàng 100% chi phí trước khi xuất cảnh, trong đó: Đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách sẽ vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương; đối với người lao động không thuộc diện chính sách sẽ được vay tín chấp từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn dưới sự bảo đảm của ngân sách tỉnh.

Do đó, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động đề xuất với Hội sở tính toán lãi suất ưu đãi cho người lao động được vay với mức lãi suất thấp hơn so với các chương trình khác, cũng như phương thức vay, thủ tục vay đơn giản.

UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, việc tham gia cho vay trong đề án này sẽ là cơ hội kinh doanh cho các ngân hàng thương mại, bởi vì việc kinh doanh này đảm bảo an toàn do người lao động khi vay là vay tín chấp dưới sự bảo đảm của ngân sách tỉnh. Ngoài ra, khi tham gia triển khai, còn có nguồn ngoại tệ của người lao động chuyển về thông qua các ngân hàng.

Trước sự bảo đảm trên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh này trong quá trình triển khai đề án phát triển càng nhiều thị trường lao động càng tốt; trong đó, lưu ý lựa chọn các thị trường lao động, nhóm ngành nghề phù hợp với điều kiện và khả năng lao động của người lao động trên địa bàn tỉnh và các ngành nghề sau khi người lao động trở về nước dễ dàng tìm kiếm được việc làm như: Nông nghiệp, chế biến thủy sản,…

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu phải đảm bảo hoạt động hiệu quả, đồng thời có cam kết rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi pháp lý theo hợp đồng đã ký kết.

Huỳnh Hải