Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nâng chất nguồn nhân lực Ninh Bình từ giáo dục nghề nghiệp”
(Dân trí) - “Hai vấn đề lớn cần được tỉnh Ninh Bình chú trọng là thực hiện tốt hơn nữa chính sách người có công và quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định trong buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Bình chiều 27/2.
Hơn 17.000 lao động được đào tạo nghề
Đánh giá về công tác triển khai chính sách LĐ-TB&XH của tỉnh Ninh Bình, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Toàn tỉnh có 2.661 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 176.000 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 5.500.000 đồng/người/tháng. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được phát triển, trên địa bàn tỉnh hiện có 36 cơ sở dạy nghề”.
Cũng theo UBND tỉnh, năm 2017, Ninh Bình có trên 17.100 lao động được đào tạo nghề, đạt 100,58% kế hoạch; tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 46%, tăng 3% so với năm 2016; tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động.
Về công tác người có công, tỉnh đã tập trung xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách cho trên 13.000 lượt đối tượng, duy trì thực hiện chính sách ưu đãi cho 24.528 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 2.800 lượt đối đượng hưởng ưu đãi giáo dục đào tạo, trên 85.000 đối tượng hưởng ưu đãi bảo hiểm y tế...
“Do thực hiện tốt việc xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách người có công, đến nay Ninh Bình không có hồ sơ tồn đọng theo quy định tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ LĐ-TB&XH về ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận Người có công” - ông Tống Quang Thìn cho biết.
Bộ trưởng thăm hỏi thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: C.T
Trong triển khai chính sách người có công, đại diện UBND tỉnh cũng phản ánh một số khó khăn trong thực tế. Việc lập hồ sơ đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với những trường hợp thân nhân liệt sỹ đã được giải quyết chế độ ưu đãi trước ngày 01/01/1995 nhưng chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công theo quy định tại điều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH tại Tỉnh gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có hơn 400 trường hợp đang “vướng” trong việc cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Ông Tống Quang Thìn cho biết: “Nguyên nhân do đa số thân nhân chủ yếu của liệt sỹ đã mất, gia đình không lữu trữ được giấy tờ chứng minh hưởng trợ cấp trước ngày 01/01/1995”.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp còn gặp khó khăn do phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT chưa có hiệu quả. Trong khi đó, việc quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có đặc thù khó khăn bởi có nhiều trường nghề của các Bộ, ngành đang đặt trên địa bàn…
Xử lý dứt điểm tồn đọng
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các ban, ngành trong tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách LĐ-TB&XH của tỉnh.
Bên cạnh các lĩnh vực đang triển khai của ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Lĩnh vực người có công và giáo dục nghề nghiệp đã và sẽ tiếp tục là những trọng tâm nhiệm vụ của ngành trong năm 2018 và các năm sau.
Trả lời về thắc mắc trong quá trình cấp bằng Tổ quốc ghi công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết việc triển khai cấp bằng Tổ quốc ghi công cho những trường hợp tồn đọng tại Ninh Bình sẽ được thực hiện thí điểm trên cơ sở công khai và dứt điểm từng trường hợp.
Đoàn công tác trao tặng hoa tới cán bộ, bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng Người có công Nho Quan, nhân ngày Thầy thuốc VN. Ảnh: C.T
“Với 417 trường hợp chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công trong tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH giao cho Cục Người có công kết hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình rà soát danh sách và tìm hiểu những vướng mắc cụ thể. Trên cơ sở đó báo cáo trình lãnh đạo Bộ phương án xử lý trong tháng 4” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Việc xử lý cần dự theo tinh thần chung, theo đó, những trường hợp mất tích, nếu cơ quan chức năng không có kết luận chiêu hồi, đảo ngũ…thì cần phải công nhận. Còn nếu phát sinh thì nghiên cứu xử lý theo tình hướng thực tế. “Vì độc lập của dân tộc, bao nhiêu người đã tình nguyện ra chiến trường chiến đấu. Cả xã và cả làng đều chứng kiến điều đó. Vậy khi họ không trở về thì phải có trả lời rõ ràng…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu trong tháng 5, Cục Người có công nghiên cứu và trình lãnh đạo Bộ về dự thảo quy trình mới về xử lý các trường hợp chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công như ở Ninh Bình. Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có khoảng 20.000 trường hợp tương tự.
Về giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH xác định là một trong những điểm mấu chốt thúc đẩy chương trình nông thôn mới, qua đó đào tạo nghề và tại sinh kế lâu dài cho người dân.
Đánh giá về việc quy hoạch hệ thống 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Ninh Bình, đại diện Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ quan điểm: Trước hết, đây là nhiệm vụ do địa phương triển khai thực hiện và sau đó sẽ báo cáo với Bộ. Quan điểm của Bộ là ủng hộ các trường nghề của các bộ, ngành đang đặt tại Ninh Bình phát triển. Bởi các trường này có cơ chế tự chủ riêng.
Với các trường nghề thuộc địa phương quản lý, Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ việc sáp nhập các trường trung cấp hoạt động kém hiệu quả. Một số trường hợp, tỉnh Ninh Bình có thể nghiên cứu việc chuyển trường trung cấp hiệu quả hoạt động kém thành “điểm” trường vệ tinh cho trường Cao đẳng, để qua đó có thể đào tạo 3 cấp.
Nhấn mạnh định hướng phát triển trường cao đẳng trọng điểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển mô hình trường cao đẳng trọng điểm, chủ trương phát triển là cần bám sát yêu cầu của doanh nghiệp, tiếp cận với thị trường và hướng tới các ngành nghề tạo việc làm bền vững cho người học”.
Hoàng Mạnh