Sự thật về chỉ số rating của bộ phim gây sốt “Người phán xử”
(Dân trí) - “Người phán xử” được xem là phim truyền hình Việt tạo ra nhiều hiệu ứng chưa từng có trên màn ảnh Việt, trên mạng xã hội lẫn ngoài đời sống thực. Đây cũng là phim có chỉ số rating gây bất ngờ với chính nhà sản xuất.
Rating Hà Nội cao hơn rating TP.HCM
“Người phán xử” là bộ phim được chuyển thể từ kịch bản gốc của bộ phim truyền hình của Israel - “The Arbitrator”. Bản phim gốc phim này từng đạt 6 tỷ lượt xem trong suốt 3 phần phim (tổng 4 phần), phá vỡ mọi kỷ lục về phim truyền hình, trở thành phim thương mại thành công nhất của Israel.
Theo nhà sản xuất, khi sửa lại kịch bản gốc, phim đã được Việt hóa tới 50%. Đây là kết quả của quá trình trao đổi rất kỹ với đơn vị nắm bản quyền để tạo nên được một bộ phim hấp dẫn, phù hợp người xem phim trong nước.
Trong kịch bản gốc, phim chỉ có 45 tập, cốt truyện chính kể về Barush Asulin - một ông trùm có tiếng tăm thuộc hàng bậc nhất trong thế giới xã hội đen tại Israel, lấy rất nhiều âm hưởng từ ông trùm huyền thoại Vito Corleone trong The GodFather. Còn “Người phán xử” sẽ kéo dài tới 60 tập và cũng xoay quanh nhân vật chính là “ông trùm” Phan Quân với những mối quan hệ phức tạp trong thế giới ngầm.
Ngay khi phát sóng 3 tập đầu tiên vào hồi tháng 3/2017, bộ phim đã trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Theo số liệu mà hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Vietnam-Tam cung cấp thì tập đầu tiên chỉ có 6%, sang đến tập thứ 3, phim đã trở thành phim truyền hình dài tập có rating cao nhất tại khu vực Hà Nội bình quân đạt 8.6%.
Không chỉ vậy, thị phần khán giả theo dõi bình quân mỗi lượt phát sóng của bộ phim này cũng lên đến con số 37.3%. Nghĩa là cứ 100 người xem truyền hình trong khoảng thời gian phát sóng “Người phán xử” thì có hơn 37 người đón xem bộ phim này.
Tại TP. HCM, do thị hiếu của người xem truyền hình có sự khác biệt so với khu vực Hà Nội nên “Người phán xử” phải mất một thời gian để vươn lên top đầu. Cuối tháng 3/2017, “Người phán xử” và “Nữ đặc công X” là hai bộ phim truyền hình dài tập thuộc thể loại hình sự, hành động, lịch sử, chiến tranh lọt top 10 bộ phim thu hút nhiều khán giả nhất tại TP.HCM.
Đến tập 15 tập, bộ phim đều đạt ngưỡng rating trên 50%, điều cực kỳ hiếm thấy ở bất cứ bộ phim truyền hình Việt Nam nào từng công chiếu. Và đây mới chỉ là số liệu thống kê người xem trên truyền hình, còn với những khán giả xem trên internet, lượng xem cũng “khủng” không thua kém. Dù số liệu này chưa được thống kê cụ thể nhưng với sức lan tỏa và độ phủ sóng trên mạng xã hội, nhà sản xuất cho rằng, rating trên internet của bộ phim này không hề thấp một chút nào.
Và để có thể chinh phục được khán giả phía Nam một cách trọn vẹn, phía đơn vị sản xuất đã quyết định tung bản lồng tiếng giọng miền Nam vào giữa tháng 5/2017. Theo ông Hà Nam - Trưởng Ban Thư ký biên tập của Đài THVN thì việc lồng tiếng giọng miền nam, miền bắc với các phim nước ngoài đã rất quen thuộc nhưng một phim Việt có hai thứ tiếng thì đây là lần đầu tiên, là sự thử nghiệm của VTV. Như vậy, khán giả muốn thưởng thức trọn vẹn bộ phim với giọng thật của các diễn viên có thể theo dõi trực tiếp bộ phim trên VTV3, còn nếu khán giả thích nghe giọng miền Nam có thể xem phim trên kênh SCTV, VTV3 HD.
Vì sao “cảnh nóng” bị lược bỏ gần như toàn bộ?
Trước nay, phim Việt trên rạp chiếu lẫn phim Việt trên truyền hình vẫn thường có “thói quen” đan xen các “cảnh nóng” để câu kéo rating. Thậm chí, còn có nhiều phim dựa vào “công cụ” này để lôi kéo khán giả, nhất là khán giả trẻ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào Việt hóa “Người phán xử”, đạo diễn và ê-kíp sản xuất phim đã cắt bỏ gần như toàn bộ các “cảnh nóng” trong phiên bản gốc.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài THVN) cho biết, trước khi bắt tay vào việc Việt hóa kịch bản, ê-kíp đã nghiên cứu khá kỹ vì văn hóa của Israel với Việt Nam có nhiều sự khác biệt. Quan niệm của người Israel rất thoáng về sex vì thế cảnh sex xuất hiện trong kịch bản gốc khá dày đặc. Tuy nhiên, khi chuyển thể sang kịch bản Việt, yếu tố này đã được gia giảm và lược bỏ gần như toàn bộ để phù hợp với văn hóa Việt hơn.
Thêm nữa, nhiều đoạn kịch bản, nhân vật được viết lại toàn bộ, nhằm phù hợp với tính cách và hành động của người Việt. Trong suốt quá trình triển khai bộ phim, hình ảnh, tính cách, cách tạo hình… của nhân vật tiếp tục được bồi đắp, bổ sung. Khác với những bộ phim cảnh sát hình sự trước đây lấy nhân vật cảnh sát là trung tâm, ở phim này, nhân vật, bối cảnh chính là là “ông trùm” xã hội đen và các mối quan hệ xoay quanh nhân vật này.
Thực tế, thời gian qua, có khá nhiều ý kiến cho rằng, “Người phán xử” hơi nhiều những cảnh hành động, bắn giết, đâm chém… khiến đối tượng xem là người trẻ dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phía đơn vị sản xuất khẳng định rằng, yếu tố hình sự và hành động đan xen nên phim sẽ có những cảnh mấu chốt gây cảm giác mạnh. Nhưng quan trọng hơn, phía sau những cảnh đó chính là những triết lý sâu sắc về tình cảm gia đình, tình cha con, nghĩa vợ chồng.
“Người phán xử” chứa đựng nhiều tính giải trí hấp dẫn chứ không có nhiều yếu tố bạo lực giật gân, không nhấn mạnh vào các pha đánh đấm bạo lực, mà đi sâu vào sự giằng xé trong đời sống nội tâm nhân vật và phân tích tâm lý tội phạm. Cũng bởi thế nên phim được chọn nối sóng khung giờ phim Việt trên VTV3 ngay sau khi bộ phim “Tuổi thanh xuân” khép lại”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
Hà Tùng Long