“Người phán xử” phiên bản gốc từng “làm mưa làm gió” như thế nào?
(Dân trí) - Bộ phim truyền hình đang gây sốt trên màn ảnh nhỏ Việt Nam - “Người phán xử” - được chuyển thể từ loạt phim truyền hình “Ha-Borer” của Israel. Loạt phim gốc của Israel khi lên sóng cũng từng “làm mưa làm gió” và là đỉnh cao của phim truyền hình Israel.
“Ha-Borer” có 4 phần phim, lần lượt lên sóng vào các năm từ 2007-2013. Trong suốt nhiều năm, người xem truyền hình Israel đã bị lôi cuốn bởi loạt phim truyền hình làm về đề tài tội phạm có nhiều nét đột phá. “Ha-Borer” là tên phim trong tiếng Hebrew của người Do Thái, dịch ra có nghĩa là “Người phán xử”.
Loạt phim pha trộn giữa những cảnh hành động gay cấn của một thế giới ngầm nguy hiểm và những khoảnh khắc hài hước giúp làm giãn mạch căng thẳng của phim. “Ha-Borer” kể về một ông trùm và người con trai riêng đã thất lạc từ lâu.
Đối với người xem truyền hình Israel, họ thường ví “Ha-Borer” như loạt phim truyền hình Mỹ nổi tiếng, cũng làm về đề tài tội phạm - “The Sopranos” (Gia đình Soprano, 1999-2007). Mặc dù vậy, “Ha-Borer” được người Israel yêu thích bởi loạt phim có những nét khác biệt đặc trưng, “đánh trúng” tâm lý người Israel.
“Ha-Borer” sử dụng thế giới tội phạm như một cái nền để từ đó khai thác những đề tài muôn thuở khiến người Israel quan tâm, như đạo đức, tính cộng đồng, và ý nghĩa nguồn cội. Loạt phim còn đề cập tới những vấn đề nóng đương đại, như sự giàu lên nhanh chóng của một số người, sự bất bình đẳng trong xã hội và những biến động thời cuộc.
“Ha-Borer” gây sốt với người Israel và thậm chí được cho là loạt phim “bắt buộc phải xem” đối với những ai muốn hiểu về con người Israel đương thời, về cách người Israel nhìn nhận chính mình và thế giới xung quanh. Loạt phim được thực hiện phụ đề tiếng Anh để hành khách trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Israel - El Al - có thể thưởng thức.
“Ha-Borer” xoay quanh gia đình ông trùm Baruch Asulin, một trùm mafia thường được gọi với biệt danh “Ha-Borer” (người phán xử) bởi ông thường đứng ra dàn xếp, phân xử những cuộc đối đầu trong thế giới ngầm. Baruch cũng là một kẻ giết người tàn độc, nhưng con người này cũng đồng thời có những cách nhìn nhận, ứng xử rất truyền thống.
Điều này được thể hiện qua lối sống khi Baruch ở bên ngoài thế giới ngầm, cũng như khi Baruch dùng những lời lẽ triết lý để dàn xếp các băng nhóm xã hội đen.
Trong phần 1 của “Ha-Borer”, Baruch bất ngờ nhận được liên lạc của người con trai riêng đã thất lạc từ lâu. Người con trai này đã bị đem đi cho làm con nuôi sau khi chào đời. Tên của người thanh niên là Nadav. Anh được nuôi lớn bởi gia đình trung lưu Feldman và đang học tập để trở thành một nhân viên xã hội.
Sau khi hai cha con gặp nhau, Nadav bị cuốn hút bởi cuộc sống trong thế giới ngầm của Baruch. Anh bộc lộ sự nhạy bén đáng kinh ngạc trong cách tư duy xử lý vấn đề không khoan nhượng, nhờ đó, Nadav nhanh chóng trở thành người bạn tâm tình đáng tin cậy của ông trùm Baruch trong cuộc chiến chống lại những kẻ thù nguy hiểm nhất.
Trong những cuộc chuyện trò, hai cha con thường tranh luận những câu hỏi mang tính triết lý về đúng sai, thiện tà, về gia đình và đạo lý.
Trong phim có một phân cảnh, đồng minh lâu năm của ông trùm đề nghị ông cùng thực hiện phi vụ vận chuyển ma túy vào lãnh thổ Israel, nhưng ông trùm đã từ chối bởi ông ta luôn chống lại việc buôn bán chất cấm, do không muốn làm suy thoái giống nòi của những con người cùng một dân tộc với mình.
Sử dụng thế giới tội phạm để đề cập tới những câu hỏi muôn thuở của triết lý là một ý tưởng đầy thách thức. Nếu làm không tới, chuyện phim sẽ trở nên khiên cưỡng và ngớ ngẩn. Nhưng “Ha-Borer” được người dân Israel yêu thích bởi đã xử lý rất khéo léo hai mảng nội dung tưởng như khó lòng hòa nhập, với lời thoại thuyết phục và diễn xuất ấn tượng.
Chia sẻ về lý do thành công của “Ha-Borer”, đạo diễn Shay Kanot và biên kịch Reshef Levy cho rằng những tình tiết kịch tính trong phim diễn ra với tốc độ giãn cách hợp lý. Do đoàn phim chỉ có kinh phí eo hẹp, nên mỗi tập đều chỉ quay số lượng cảnh hạn chế. Điều này cho phép họ đầu tư nhiều hơn cho mỗi cảnh phim, để mỗi cảnh đều trở nên có sức nặng.
“Chúng tôi cố gắng để mỗi cảnh phim đều có một dạng sức nặng nào đó, có cảnh chứa đựng những lời nói thông thái, có cảnh chứa đựng chi tiết hài vui vẻ, và sau cùng là để lại một chút gì đó cho người xem suy nghĩ sau khi tập phim kết thúc”, đạo diễn Shay Kanot cho biết.
“Ha-Borer” còn phản ánh tâm lý thời đại của người dân Israel khi họ chứng kiến những tăng trưởng kinh tế vượt bậc, sự bền bỉ vượt lên trên những biến động thời cuộc, nhưng đồng thời cũng luôn lo sợ mất đi những gì tinh túy của đời sống tinh thần khi đứng trước cơn bão kinh tế. Loạt phim đã “bắt mạch” đúng những nét chính trong tâm lý con người Israel.
Sau 4 phần phim lên sóng, các diễn viên của “Ha-Borer” chia sẻ rằng khi đi trên phố, họ thường được người dân gọi bằng tên của nhân vật trong phim. “Ha-Borer” không hình tượng hóa cũng không kết tội thế giới ngầm mà phim khắc họa.
Hơn thế, phim đưa ra những con người thực hiện những quyết định quan trọng trong cuộc đời giữa một bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều nguy cơ, để từ đó khái quát lên một thông điệp “nức lòng” rằng, từng con người Israel đều có ý chí mạnh mẽ để tiếp tục đương đầu với cả khó khăn thách thức từ bên ngoài và những vật lộn nội tâm ngay bên trong chính mình.
Với những thông điệp đẹp đẽ như vậy, được thể hiện một cách mới lạ, sinh động và hấp dẫn, không có gì khó hiểu khi “Ha-Borer” đã từng tạo nên cơn sốt không hạ nhiệt đối với người Israel trong suốt thời kỳ phim lên sóng màn ảnh nhỏ.
Trailer phim “Người phán xử” (phim Việt)
Trailer phim “Ha-Borer” (phim Israel)
Bích Ngọc
Theo Tablet Magazine