Những ngày tháng cuối đời đơn độc và bệnh tật của vợ danh hoạ Trần Văn Cẩn

(Dân trí) - Nhắc đến danh hoạ Trần Văn Cẩn, người ta không chỉ nhắc đến những tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất đã góp phần đưa mỹ thuật Việt Nam vượt xa bờ cõi mà còn nhắc đến một chuyện tình chứa đầy sự bí ẩn diệu kỳ của tình yêu. Chỉ tiếc rằng, người hoạ sĩ ấy giờ đã đi xa, còn người phụ nữ của ông lại đang phải sống những ngày tháng cuối đời trong đơn độc và bệnh tật.

Đã có lúc không muốn sống tiếp…

Cách đây hơn 6 năm, tôi được họa sĩ Trần Thị Hồng hẹn gặp tại căn phòng tập thể ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) để tìm hiểu thông tin viết bài. Thời điểm đó, cố họa sĩ Trần Văn Cẩn vừa rời cõi tạm được hơn 16 năm, còn họa sĩ Trần Thị Hồng thì vừa ngấp nghé tuổi 64. Ở tuổi 64 ngày đó, bà Hồng vẫn không đổi thay là mấy so với những bức ký họa mà cố họa sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ về bà trước đó. Vẫn mái tóc ngắn gấp nếp quá vai. Vẫn đôi mắt đượm buồn lúc nào cũng ngân ngấn lệ. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng pha trộn giữa âm sắc Bắc Bộ với giọng Quảng Ngãi. Và vẫn nghẹn ngào mỗi lần nhắc đến danh họa Trần Văn Cẩn - người thầy, người bạn đời mà bà vô cùng yêu quý.

Bà Trần Thị Hồng và danh họa Trần Văn Cẩn lúc ông còn tại thế. Ảnh: HTL.
Bà Trần Thị Hồng và danh họa Trần Văn Cẩn lúc ông còn tại thế. Ảnh: HTL.

Tuy nhiên, trong lần gặp lại gần đây, tôi đã không thể nào nhận ra người nữ họa sĩ năm xưa bởi vẻ ngoài của bà quá đổi khác. Trông bà ốm yếu, tiều tụy và có phần già nua hơn trước rất nhiều. Giờ đây bà cũng không còn ở trên căn hộ tầng 4 của khu tập thể Nguyễn Thượng Hiền nữa mà đã chuyển về sống trong một ngôi nhà 6 tầng ở khu Hồ Tây.

Nhà mới của họa sĩ Hồng nằm sâu trong một con ngõ. Bà dành tầng 2 và tầng 3 của ngôi nhà là phòng trưng bày tranh của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Bà Hồng cho biết, dù chuyển qua đây sống nhưng căn tập thể tầng 4 ở Nguyễn Thượng Hiền bà vẫn để nguyên. Trước đây, khi còn khoẻ, tuần nào bà cũng về đó quét dọn, lau chùi để nhà có hơi người… còn từ khi đổ bệnh đến giờ thỉnh thoảng bà mới về đó. Lí do bà không muốn bán căn hộ tập thể đó bởi đó là căn phòng đầy ắp kỷ niệm, nơi bà và cố danh họa Trần Văn Cẩn đã sống với nhau những ngày tháng hạnh phúc. Trong thâm tâm của bà, đó mới là tổ ấm thật sự của mình chứ không phải bất kỳ nơi nào khác. Vì lẽ đó mà dù có khốn khó đến mấy bà cũng không bao giờ chịu bán “kỷ vật” thiêng liêng ấy.

Bà Hồng chia sẻ thêm, khoảng tháng 10/2010 bà phát hiện mình bị ung thư vú sau nhiều trận ốm kéo dài. Tuy nhiên, vì thời điểm đó bà đang làm Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nên chờ xong đại hội bầu Ban chấp hành mới bà mới đi chữa bệnh. Năm 2011, khi sức khỏe có dấu hiệu kiệt quệ bà Hồng bay vào TPHCM chữa trị theo lời khuyên của các em.

“Đầu năm 2011, tôi về quê giỗ bố, các em tôi thấy sức khỏe của tôi không tốt cứ khuyên tôi đi khám nhưng tôi vẫn giấu mọi người. Hồi đó, tôi cứ nghĩ: “Thôi để chết quách đi cho rồi, chồng không còn, con cũng không, cần gì đâu mà sống (nghẹn ngào) nhưng các em cứ thuyết phục mãi bảo tôi phải đi chữa. Tôi liền bay vào TP. Hồ Chí Minh để chữa ở một bệnh viện khá có tiếng về ung thư vú. Vì bệnh ung thư của tôi đã ở cấp độ 4 nên bệnh viện cho chữa bằng hóa trị, xạ trị. Tôi phải qua hóa trị 4 lần xong mới được mổ, mổ xong lại hóa trị 4 lần, rồi xạ trị 25 tia. Bác sĩ bảo: “Chị là tri thức, chị đi giảng dạy mà chị để bệnh nặng như vậy là không được rồi”. Cũng may hồi tôi mới phát bệnh, tôi hay mua thuốc nam trị ung thư vú uống nên khối u không di căn mà khu trú ở một chỗ”, bà Hồng nghẹn ngào kể lại.

Bà Trần Thị Hồng 6 năm về trước. Ảnh: HTL.
Bà Trần Thị Hồng 6 năm về trước. Ảnh: HTL.

Sau một thời gian đi đi lại lại giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phải tốn khá nhiều tiền bệnh ung thư vú của bà mới có dấu hiệu khả quan hơn. Trong thời gian này, có một người bạn của bà Hồng ở Mỹ về thấy căn hộ tập thể ở Nguyễn Thượng Hiền hơi ẩm thấp mà bác sỹ khuyên bệnh này phải ở những nơi có môi trường trong lành nên bà quyết định mua căn hộ 6 tầng ở gần Hồ Tây để thay đổi môi trường sống.

Mục đích của bà Hồng khi mua căn hộ tiền tỷ này không chỉ vì để chữa bệnh mà còn để có không gian trưng bày cũng như phục chế tranh của cố danh họa Trần Văn Cẩn, điều mà bà mong mỏi từ lâu, khi chồng bà vừa nằm xuống.

Bây giờ, hàng ngày, bà Hồng vẫn phải uống cả nắm thuốc. Sau đợt xạ trị sức khỏe của bà có đỡ hơn nhưng tình trạng ốm đau vẫn diễn ra thường xuyên.

Tuổi già, bệnh tật và đơn độc…

Hướng đôi mắt buồn vào khoảng không vô định, bà Hồng tâm sự rằng, bà ở đây, dù nhà rộng, đầy đủ tiện nghi, khí hậu trong lành nhưng lại khá đơn độc. Bà đã trải qua mấy chục năm sống một mình kể từ khi cố danh họa rời xa cõi tạm nhưng cái cảm giác đơn độc vẫn xâm chiếm bà mỗi khi bóng tối tràn đến.

Những ngày đầu mới dọn đến ngôi nhà này, cứ ngày nào bà cũng bật tivi 24/24 để nhà có tiếng người cho bớt phần quạnh hiu, đơn lẻ… Tuy nhiên, những khi cơn đau ập đến, nằm một mình trên giường bệnh thì cái nỗi đơn độc như bao vây lấy mọi suy nghĩ của bà. Đã có lúc bà nghĩ mình buông xuôi tất cả để sớm được đoàn tụ với ông nhưng nghĩ đến những “đứa con tinh thần” của ông đang không có ai chăm lo bà lại gượng sống tiếp.

Bà Hồng bên tượng danh họa Trần Văn Cẩn tại nhà riêng. Ảnh: HTL.
Bà Hồng bên tượng danh họa Trần Văn Cẩn tại nhà riêng. Ảnh: HTL.

Cố họa sỹ Trần Văn Cẩn ra đi để lại cho bà Hồng hơn 1000 bức tranh thuộc nhiều thể loại ký hoạ, trực hoạ, sơn dầu... Đó là những “đứa con tinh thần” mà lúc sinh thời ông miệt mài lao động và sáng tạo. “Những đứa con đó”, bao năm qua vẫn được người bạn đời của ông gìn giữ như những kỷ vật tình yêu. Bà Hồng từng có tâm nguyện muốn làm một bảo tàng nhỏ để trưng bày những tác phẩm đó cho người dân có cơ hội chiêm ngưỡng nhưng nhiều năm qua tâm nguyện đó vẫn chỉ là tâm nguyện.

Chỉ có điều, nếu trước đây bà phải thường trực với nỗi lo lắng tranh ông sẽ bị hư hỏng nếu cứ để thành chồng trong căn hộ tập thể ẩm thấp thì nay bà đã cho chúng được môi trường sống mới. Trong hơn 1 năm ròng rã, bà Hồng kiên nhẫn mỗi ngày đi taxii từ Hồ Tây về Nguyễn Thượng Hiền mang từng bức tranh của danh họa Trần Văn Cẩn đi bo khung rồi lại mang về ngôi nhà 6 tầng của mình để trưng bày, gìn giữ....

“Ngày xưa, lúc nào tôi cũng canh cánh nỗi lo để tranh của ông mãi như thế sẽ bị hỏng nhưng bây giờ thì an toàn rồi. Tôi cũng mừng vì khách Việt Nam bây giờ nhiều người biết chơi tranh lắm, không cứ phải người nước ngoài. Từ lúc tôi chuyển về đây đến giờ cũng có nhiều người ngỏ ý đến xem tranh để mua nhưng tôi không muốn vì thực sự mỗi lần bán đi một bức tranh là như bán đi một “đứa con” của mình, tiếc nuối và buồn thương lắm.

Bà Hồng đang phải trải qua những ngày tháng tuổi già trong cô đơn và bệnh tật. Ảnh: HTL.
Bà Hồng đang phải trải qua những ngày tháng tuổi già trong cô đơn và bệnh tật. Ảnh: HTL.

Bây giờ, chỉ còn phần tranh giấy chưa lên khung nữa thôi vì tôi đang ốm nên chưa làm được. Còn căn hộ tập thể ở Nguyễn Thượng Hiền tôi sẽ không bán vì tôi muốn để lại sau này làm nhà lưu niệm cho chồng tôi. Kể cả ốm đau mà vẫn phải đi lại để quét dọn căn hộ đó tôi vẫn chấp nhận. Đó là ngôi nhà lúc ông sống, bao nhiêu kỷ niệm ở đó, ai trả đắt mấy tôi cũng không bán. Nơi đấy mới chính là nhà của mình. Đi đi về mệt chút nhưng vẫn vui”, bà Hồng nói.

Bà Hồng chia sẻ rằng, phần tranh của danh họa Trần Văn Cẩn đã được bà bảo quản xong, giờ còn phần in sách. Bà sẽ cố gắng tập hợp tất cả các tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn để làm thành cuốn sách nhưng vì luật bảo hộ bản quyền ở Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa chặt chẽ nên bà chưa muốn làm.

(Còn tiếp)

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm