Đắng lòng khi vợ làm sếp còn chồng chỉ là nhân viên bảo vệ
Nghe tin vợ mình thăng chức lên sếp mà tôi lại thấy rầu lòng mệt mỏi vì tôi chỉ là một nhân viên bảo vệ quèn.
Ngày còn trẻ, tôi điềm đạm, ít nói, còn em thì sôi nổi, hoạt bát. Tưởng đâu tính tình như vậy thì không hợp nhau vậy mà chúng tôi lại dính nhau như sam, đi đâu, làm gì cũng như hình với bóng, nhất là khi chúng tôi lại học chung lớp. Tôi thấy như chỉ có tôi mới kiên nhẫn chịu được tính tình đỏng đảnh của em, và dường như chỉ có em mới hiểu hết những suy nghĩ chững chạc đằng sau vẻ rụt rè, ít nói của tôi.
Rồi chúng tôi cũng trưởng thành. Tôi học không cao nên ra trường khó xin việc, đành làm bảo vệ trong ngôi trường cấp 3 ở trung tâm huyện. Ngoài giờ trực ở trường, tôi mở thêm cửa hàng buôn bán đồ gia dụng ở nhà. Em học sư phạm nhưng ra trường lúc ấy khó xin việc, tôi cậy cục, nhờ vả mãi mới xin được cho em chân văn thư trong ngôi trường tôi đang làm việc.
Chúng tôi kết hôn không lâu sau đó, tuy tình cảm không còn nồng cháy như thời đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng vẫn đủ để nuôi dưỡng một hạnh phúc gia đình nhỏ.
3 năm trôi đi, tôi vẫn chuyên cần làm chân bảo vệ trong trường, còn em đã xin chuyển sang làm giáo viên dạy Toán - công việc đúng chuyên môn của em.
7 năm trôi đi, tôi vẫn là chú bảo vệ được các em học sinh quý mến, còn em đã là một giáo viên trẻ đầy triển vọng.
Rồi 10 năm, tôi vẫn ngồi ở phòng bảo vệ cũ, mệt mỏi với những gương mặt quá quen trong trường, còn em đã là trưởng bộ môn và đang được quy hoạch làm Phó hiệu trưởng.
Từ ngày em có chức sắc, cuộc sống gia đình bỗng trở nên ngột ngạt, khó thở. Những câu chuyện dần dần không có sự kết nối, không có sự thấu hiểu, tiếng nói chung của chúng tôi cũng ít đi.
Khoảng cách của hai vợ chồng ở trên trường vẫn hiện hữu rõ trong ngôi nhà, dù rằng em và tôi đã cố gắng xóa bỏ nhưng không được. Cái vị trí độc tôn làm chủ ngôi nhà của tôi như đã lung lay, em đã không còn coi trọng những lời tôi nói – tựa như thái độ của lãnh đạo coi thường thằng nhân viên bé nhỏ.
Nhớ những ngày đầu, tôi còn chở em đi làm trên chiếc xe Honda cũ, nhưng giờ thì không bao giờ e muốn đi chung xe với tôi. Em viện lý do này, lý do kia, thực ra là e bắt đầu thấy ngại với những người xung quanh về chồng mình. Ba năm trước, em có bảo tôi nên chuyển sang trường khác làm cho “tiện” nhưng tôi thấy mệt mỏi nên không đồng ý, tôi muốn chuyên tâm vào công việc kinh doanh ở ngoài, còn chân bảo vệ với tôi cũng không mấy quan trọng. Nhưng em thì lại không nghĩ thế.
Em ngại với hiệu trưởng về tôi, ngại với mấy anh giáo viên đồng nghiệp về tôi, ngại cả với học sinh trong lớp trong trường.
Dạo gần đây, khi sắp lên chức Phó Hiệu trưởng, em cũng phải đi ngoại giao nhiều hơn, được thầy hiệu trưởng dắt đi đây đi đó giới thiệu là thành viên trẻ đầy triển vọng trong Ban giám hiệu nhà trường, hôm thì đi sớm, hôm thì về muộn, nhiều khi tan trường, họ vẫn ngang nhiên chở nhau đi “ngoại giao, công việc” qua ngay trước mặt tôi. Mà của đáng tội, thầy Hiệu trưởng cũng chỉ hơn vợ tôi có dăm bảy tuổi, nghe đồn cũng đang chán vợ.
Tôi lựa lời nhắc nhở vợ thì em quay ra gắt gỏng bảo tôi không biết gì, xã hội bây giờ phát triển mà cứ ngồi một chỗ phán thì suốt đời chỉ làm chân bảo vệ là đúng rồi. Nóng máu quá, tôi bạt tai vợ một cái. Không ngờ em không hề khóc lóc như tôi nghĩ, em ngẩng cao đầu nhìn tôi đầy thách thức rồi xách túi đi, không quên để lại cho tôi vài lời chua chát: "Tôi tưởng anh thế nào cơ, hóa ra cũng chỉ là 1 thằng bảo vệ hèn”.
Rồi em đi cả ngày không về, có người mách tôi là em đang ngồi trút bầu tâm sự với hiệu trưởng ở quán. Tôi nghe mà chán nản, lúc thì muốn “rũ” quách đi cho nhẹ người, lúc lại thương các con nên cứ nhịn. Nhưng ấm ức cứ mỗi ngày thêm chồng chất khi phải đối diện với “cô hiệu phó” đang sa đà vào vòng xoáy danh vọng.
Theo Đặng Nguyễn
Dân Việt