Đàn ông lấy vợ để làm gì?
(Dân trí) - Đó là câu hỏi của một người đàn ông đã có vợ.
Chuyện là, cô em gái của tôi có biên một cái status viết về chồng trên trang cá nhân của cô ấy, nguyên văn thế này: “Có một ông chồng chưa bao giờ quên những ngày kỉ niệm. Có một ông chồng vào mỗi bữa cơm, việc đầu tiên là chọn miếng thức ăn nào ngon gắp vào bát vợ. Có một ông chồng luôn tự tay mắc màn mỗi khi đi ngủ, sẵn sàng ra khỏi giường lấy nước khi vợ kêu khát lúc nửa khuya. Có một ông chồng có thể bật dậy giữa đêm bế con đi vệ sinh khi nghe con gọi “mẹ ơi cho con đi tè”…Một người như thế có được gọi là “soái ca” không?”
Chia sẻ của cô nhận được rất nhiều lời chúc mừng và ngưỡng mộ của bạn bè về một ông chồng lí tưởng. Nhưng có một người đàn ông đã có vợ, sau khi đọc xong đã chia sẻ bài về trang của mình kèm theo một dòng trạng thái: “Đọc xong, tôi tự hỏi, anh này lấy vợ về làm gì?”. Và tôi thực ra cũng muốn hỏi lại anh ấy: “Thế anh lấy vợ về làm gì?” Chả lẽ chỉ để có người sinh con đẻ cái và hầu hạ mình thôi sao?
Tôi vẫn nghĩ thời đại này khác nhiều lắm rồi, khác với thời ông bà cha mẹ mình. Thời mà các bà vợ lấy chồng về là phải cung phụng hầu hạ. Lúc nào các bà các mẹ chúng ta cũng đặt cao chữ “nhẫn nhịn, hi sinh” cho êm nhà êm cửa. Đó là thời mà các ông chồng đi làm về chỉ ngồi chờ vợ dọn cơm, ăn xong chờ vợ lấy tăm, rót nước… Đó là thời mà có những công việc đàn ông không bao giờ đụng tay bởi nó mang tên “việc đàn bà” như quét nhà, giặt giũ… Nhưng bây giờ, một người đàn ông thực thụ không chỉ giỏi kiếm tiền, mà còn là biết chia sẻ việc nhà với vợ, biết đi chợ và sẵn chăm con không kém gì phụ nữ.
Cạnh nhà tôi ở, có một anh chàng ăn chơi, phá phách có tiếng, đã từng “ngồi bóc lịch” 8 năm tù về tội cướp giật. Ra đường, nhắc đến tên, ai biết đều tránh đi cho lành, sợ nói chuyện vài câu lỡ nói gì hớ hênh lại được ăn “quả vả”. Sau khi ra tù, anh lấy một cô thợ cắt tóc, còn anh lái xe tải, chạy xe liên tỉnh thường mấy hôm mới về một lần. Mỗi lần về nhà, việc đầu tiên là anh ta cởi áo cởi giày rồi bắt đầu hùng hục dọn nhà từ trong ra ngoài, sau đó đi đón 3 đứa con ở nhà trẻ, tắm táp cho từng đứa một, rồi nấu cơm xay cháo cho con. Đến khi vợ về, con cái đã no say sạch sẽ, nhà cửa tươm tất gọn gàng. Nhiều người trêu anh: “Làm hết phần vợ, vợ nó mắng cho giờ”. Nghe xong anh ta phân bua: “Em không làm thì con vợ em về nó cũng làm được hết. Chỉ là múa phụ họa tí cho vợ đỡ mệt thôi”. Tôi chẳng cần biết anh ta từng tù tội ra sao, ngoài đường “hổ báo” cỡ nào, nhưng về nhà anh ta là một người chồng, người cha tận tâm và chu đáo. Những công việc nhỏ nhặt không làm người đàn ông trở nên thấp hèn và bé nhỏ, mà ngược lại nó nuôi dưỡng tình cảm của người vợ dành cho chồng ngày một nhiều và lớn lên. Điều đó chẳng lẽ không đáng?
Bản thân tôi luôn cảm kích chồng từ những điều nhỏ nhặt như thế. Tôi không biết ở công ty anh đối đãi với cấp dưới thế nào. Nhưng về nhà, anh sẵn sàng vào bếp, dọn nhà, chăm con cho vợ. Ngay cả những bữa ăn, chẳng may con tè dầm ra nhà anh cũng vội vàng đứng dậy cầm giẻ lau để con khỏi trượt ngã. Đôi dép của con bẩn anh cũng ngồi kì cọ, những lúc rảnh còn ngồi gấp quần áo cho con vào tủ gọn gàng. Một lần anh giặt đồ, giặt xong bảo tôi: “Hôm nay giặt đồ, thấy mấy cái quần bò của anh nặng quá, mới biết em giặt thật vất vả.” Chỉ là một câu nói thôi mà khiến tôi xúc động. Vậy nên khi tôi làm việc gì đó cho anh, hoặc là tự tôi làm, hoặc là anh nhờ cậy, tôi đều thấy vui. Và tôi nghĩ rằng, hạnh phúc không phải là được người khác hầu hạ, cung phụng. Hạnh phúc là khi ta biết chăm sóc nhau. Và sự chăm sốc ấy xuất phát từ tình cảm, từ thái độ chân thành.
Tôi từng hỏi một cậu bạn: Tại sao người ta phải cưới nhau? Cậu ấy trả lời: Vì người ta chán cứ phải gặp nhau xong rồi lại ai về nhà nấy. Và tôi nghĩ câu trả lời ấy thú vị. Người ta lấy nhau đa phần là vì yêu, muốn được ở bên nhau, được yêu thương và chia sẻ. Đó là khi cả hai cùng góp sức mình xây dựng tổ ấm. Mà khi xây dựng một ngôi nhà thì người bưng gạch, người phụ hồ, người trét tường đều bỏ công sức như nhau, chẳng ai phân bì tị nạnh.
Chưa bao giờ việc thể hiện mình là một người chồng, người cha tốt lại dễ như hiện nay. Khi mà anh chỉ cần một vài bức ảnh chụp anh đang đội nón ngồi rửa bát giữa trời nắng, hay đeo tạp dề một tay cầm đũa, một tay bế con thơ rồi đăng lên facebook là ngay lập tức được cộng đồng mạng phong cho danh hiệu “ông chồng của năm”, “ông bố của năm”. Nhưng chị em phụ nữ thực tâm không cần những nút like ảo tưởng ấy. Họ cần chồng làm cho họ thấy họ là một người mẹ, một người vợ đúng nghĩa chứ không phải là một “người giúp việc” trong chính ngôi nhà của mình.
Vậy nên, quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng, khi một người đàn ông thi thoảng làm chút việc nhà rồi đặt câu hỏi: Quần áo tôi cũng phải giặt, cơm tôi cũng phải nấu, nhà tôi cũng phải dọn. Vậy tôi còn lấy vợ để làm gì, thì người bất hạnh không phải là ông chồng, người đáng cảm thấy buồn chính là vợ anh ta.
Lê Giang