Tân cử nhân ngành tài chính ngân hàng thất nghiệp nhưng ngân hàng vẫn đang khát nhân lực

Ngày 30/10/2015, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin thị trường lao động quý II/2015. Bản tin ghi nhận so với đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng, đại học tiếp tục tăng lên 22.000 người.

Riêng đối với ngành tài chính ngân hàng, có đến 12.000 tân cử nhân thất nghiệp trong tổng số khoảng 29.000 tân cử nhân của ngành này. Đây thực sự là một con số đáng báo động và đặt ra nhiều suy ngẫm.

Tân cử nhân ngành tài chính ngân hàng thất nghiệp nhưng ngân hàng vẫn đang khát nhân lực - 1

Thống kê nhân lực của ngành ngân hàng, giai đoạn năm 2014 – 2015 được xem là giai đoạn đánh dấu sự hồi phục trở lại của lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kéo theo số lượng nhân lực ngành ngân hàng tuyển dụng tiếp tục gia tăng. Một kết quả khảo sát cho thấy, năm 2015, dù đã có 52% tổ chức tín dụng cho biết đã tăng lao động so với cuối năm 2014 nhưng vẫn có 29,6% cho rằng họ đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại. Vậy nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu?

Ông Vũ Việt Hưng – Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiệp vụ Ngân hàng – Tài chính UB Academy đồng thời cũng là nhân sự cấp cao tại Ngân hàng Tiên Phong, chia sẻ quan điểm: “Nhiều bạn ứng viên khi viết CV gửi ngân hàng vẫn bỏ trống phần kinh nghiệm làm việc vì lí do không có gì để ghi cùng với suy nghĩ, chỉ cần học kiến thức là có thể thi đỗ. Tuy vậy, khi kiểm tra kiến thức nghiệp vụ của các bạn, các bạn lại cũng không thể trả lời ở những câu hỏi được xem là cơ bản nhất.” Thực tế cho thấy chất lượng đầu ra của các sinh viên ngành tài chính ngân hàng những năm gần đây đang có dấu hiệu đi xuống.

Thăm dò ý kiến các bạn sinh viên ngành tài chính ngân hàng hiện đang là sinh viên năm 3, năm 4 tại các trường ĐH thuộc khối ngành kinh tế trên địa bàn TP. Hà Nội, điều khá bất ngờ là cứ 10 bạn thì có đến 6 bạn không định hướng được công việc tương lai với chính chuyên ngành của mình, thiếu sự định hướng cùng với suy nghĩ lệch lạc về ngành nghề mình đang theo học.

Bạn Lê A, sinh viên năm 3, Học viện Tài chính cho hay: “Em không dám mơ tưởng đến ngân hàng, Tiền ... “bạc” lắm chị ơi (cười). Vài trăm triệu mới xin vào được, ra trường chắc em nhờ người nhà xin làm hành chính ở đâu đó thôi.” Bạn H sinh viên năm cuối, ĐH Kinh Tế Quốc Dân lại chia sẻ: “Em thấy mấy anh chị ngân hàng suốt ngày đi mở thẻ thôi, vất vả lắm. Chắc em không làm ngân hàng đâu.”

Như vậy, có thể thấy, sự thiếu định hướng có lẽ là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự thất bại của các bạn tân cử nhân.

Tân cử nhân ngành tài chính ngân hàng thất nghiệp nhưng ngân hàng vẫn đang khát nhân lực - 2

Sự hồi phục trở lại của lĩnh vực tài chính ngân hàng trong hai năm trở lại đây đã kéo theo “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao tại hầu khắp các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên cả nước. Ngày nay ngoài trình độ học vấn và bằng cấp, ngân hàng còn căn cứ vào các yếu tố cá nhân của ứng viên như kỹ năng, sự nhạy bén trong xử lý công việc và giao tiếp để đưa ra quyết định tuyển dụng. Do vậy, sinh viên cần phải mở rộng không chỉ là kiến thức về ngành, nghề, công việc, đơn vị ứng tuyển, mà còn cần trang bị thêm nhiều kiến thức kỹ năng mềm song hành.

Đứng trước thực trạng ngày càng khắt khe của thị trường nhân lực ngành ngân hàng, nhiều bạn sinh viên sắp ra trường, ngoài việc củng cố cho mình kiến thức nghiệp vụ lí thuyết được học tại trường đại học thì cũng đã bắt đầu tìm kiếm cho mình những cơ hội được học tập, tiếp xúc với công việc thực tế tại ngân hàng thông qua các chương trình đào tạo nghiệp vụ ngoại khóa ở các Trung tâm. Tại đây, các bạn không chỉ được học những kiến thức thực tế về ngân hàng tài chính mà còn được học cả những kĩ năng giao tiếp, xử lí các tình huống khó trong công việc do chính những cán bộ trong ngành chia sẻ lại.

Tân cử nhân ngành tài chính ngân hàng thất nghiệp nhưng ngân hàng vẫn đang khát nhân lực - 3

Với những gì đã chia sẻ ở trên, có thể nhận thấy, các bạn sinh viên sắp và mới tốt nghiệp nói chung cũng như sinh viên ngành tài chính ngân hàng nói riêng, cần có sự nhìn nhận sâu sắc lại về định hướng công việc trong tương lai. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần có sự chuẩn bị nghiêm túc và bài bản cho kế hoạch công việc của mình. Có như vậy, cung mới gặp cầu. Bài toán “khát nhân lực” nhưng vẫn “thừa lao động” mới phần nào được giải quyết. Sự mất cân bằng về lao động trong xã hội sẽ sớm được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn.

Lê Thủy