1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vũ khí Nga kẹp chặt Baltic

Trong khi Kaliningrad là lưỡi dao thọc vào trái tim NATO ở Baltic thì Belarus được coi là gọng kìm thứ 2 của Nga kẹp chặt các nước này từ sườn Đông.

Hiện thực hóa kế hoạch

Theo cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Belarus, ngày 5/5, Trung đoàn tên lửa phòng không số 377 đóng tại quân khu Polotsk đã triển khai khẩu đội đầu tiên trong hệ thống tên lửa phòng không S-300 được Nga cung cấp.

Bộ Quốc phòng Belarus cho hay với quan điểm nhằm tăng cường và cải thiện hệ thống phòng không khu vực chung trong khuôn khổ hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Belarus và Nga, các khẩu đội hệ thống tên lửa S-300 đã được chuyển giao cho lực lượng trên không và phòng không của Belarus, trong đó 2 khẩu đội được cung cấp cho đơn vị quân sự ở Polotsk.

Trong khi đó, RIA Novosti cho biết việc triển khai khẩu đội đầu tiên của S-300 tại Belarus chính là việc hiện thực hóa kế hoạch đưa hệ thống phòng thủ chung giữa Moskva và Minsk chính thức đi vào hoạt động trước khi kết thúc năm 2016.

Trung tướng Pavel Kurachenko, Tổng tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh thứ nhất Lực lượng không quân vũ trụ Nga tuyên bố: "Việc thực hiện thỏa thuận đã được hoàn thành, những nỗ lực tiếp theo sẽ là tập trung vào nhiệm vụ chung trực chiến phòng không, tổ chức các hoạt động thực tiễn đào tạo đối phó nhanh và chiến đấu".

Hệ thống tên lửa phòng không S-300.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Trước khi chính thức hoạt động, Thiếu tướng Oleg Dvigalev, Tư lệnh trưởng Không quân và Lực lượng Phòng không quân đội Belarus được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng của Hệ thống phòng không khu vực hợp nhất.

Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, Tạp chí Defense One của Mỹ cho biết, Nga và Belarus đã có những bước đi chuẩn bị từ năm 2009. Tuy nhiên, phải đến giữa năm 2014, khi Nga quyết định chuyển giao miễn phí các tổ hợp S-300 cho Belarus kế hoạch này mới được biết đến một cách công khai.

Hồi tháng 10/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu đã công bố khả năng cung cấp cho Belarus 4 Tiểu đoàn tên lửa S-300. Việc chuyển giao trên được thực hiện theo khuôn khổ chương trình phát triển hệ thống phòng không hợp nhất. Tại thời điểm đó, chi tiết về việc chuyển giao S-300 cho Belarus không được hé lộ.

Để dọn đường kế hoạch này, ngay từ tháng 2/2009, Nga và Belarus cũng đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập hệ thống phòng không hợp nhất làm nền tảng cho khả năng phát triển hệ thống phòng không chung của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở Đông Âu.

Theo đó, Nga và Belarus đưa vào và sử dụng hệ thống chỉ huy hợp nhất chuẩn kỹ thuật số cho phép điều phối hoạt động phòng không chung của hai nước hoàn toàn tự động.

Dù nguồn tin không cho biết hệ thống phòng không hợp nhất này được trang bị những gì nhưng Tạp chí quốc phòng Defense One của Mỹ dẫn lời Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc phòng Liên bang Nga, Konstantin Biryulin cho biết hệ thống phòng không chung này gồm 4 tiểu đoàn S-300 đã được Nga chuyển giao.

Ngoài ra còn có hệ thống phòng thủ tầm cao thế hệ mới S-400 (số lượng không xác định) và hệ thống phòng không tầm thấp Tor-M2. Như vậy, với những trang bị này, hệ thống phòng không hợp nhất của Nga và Belarus sẽ tạo thành chiếc ô phòng thủ nhiều tầng đủ mạnh áp sát sườn Đông các nước Baltic.

Kaliningrad - mũi dao nhọn ngắm vào NATO

Trong khi liên minh Nga - Belarus kẹp chặt Baltic tại sườn Đông thì Kaliningrad lại được coi là lưỡi dao nhọn khiến trái tim NATO có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào. Kaliningrad nằm xen giữa và tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania, như một mũi dao đâm vào giữa 2 quốc gia thành viên NATO này, đồng thời là trọng điểm trấn giữ eo biển Baltic, có vị thế chiến lược hết sức quan trọng. Bất cứ một động thái quân sự nào ở khu vực này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nước xung quanh.

Hồi đầu năm 2015, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov tuyên bố: “Trong năm 2015, những nỗ lực chính của Bộ Quốc phòng sẽ tập trung vào việc tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang để đáp ứng với các kế hoạch xây dựng quân đội. Trong đó, trọng tâm sẽ là Crimea, Kaliningrad và Bắc Cực”.

Vị trí chiến lược quan trọng của Kanilingrad và Belarus đối với cả Nga và NATO
Vị trí chiến lược quan trọng của Kanilingrad và Belarus đối với cả Nga và NATO

Ba khu vực địa-chính trị quan trọng này mới xuất hiện lần đầu tiên trong Học thuyết quân sự mới của nước Nga, được Tổng thống Nga V. Putin phê duyệt vào ngày 26/12/2014, sau những biến động chính trị lớn ở Ukraine, khiến sức ép của Mỹ và NATO đối với Nga đang ngày một gia tăng.

Kaliningrad là nơi đồn trú của Hạm đội Baltic - một yếu tố cấu thành trọng yếu của Quân khu phía Tây, có Bộ tư lệnh đặt tại thành phố Baltiysk. Hạm đội này có khả năng khống chế hoàn toàn khu vực eo biển Baltic với lực lượng chủ chốt là Lữ đoàn tàu mặt nước 128, Lữ đoàn tàu đổ bộ 71, Lữ đoàn tàu tên lửa 36, Lữ đoàn tàu ngầm 123.

Lực lượng không quân Nga ở khu vực này có các căn cứ không quân Chernyakhovsk và Donskoye. Cả hai căn cứ không quân trên đều có vai trò rất quan trọng, là địa điểm xuất phát của lực lượng máy bay trinh sát, chiến đấu, ném bom, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra chiến đấu, ngăn chặn hoạt động theo dõi trên không ở vùng Baltic của NATO.

Vào năm 2012, phương Tây đã phát hiện các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander được triển khai ở Kaliningrad. Ngoài ra, có những báo cáo chưa rõ ràng về việc Nga “có thể đã triển khai vũ khí hạt nhân đến Kaliningrad”, sau khi Mỹ tuyên bố về kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Cezch và Ba Lan.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng nổ, Mỹ và NATO tăng cường binh lực đến khu vực Baltic và Ba Lan để kiềm chế Nga. Đáp trả lại, Moskva đã đơn phương chấm dứt một thỏa thuận với Lithuania vốn cho phép cả hai nước giám sát lực lượng vũ trang của nhau vào tháng 5/2014.

Thỏa thuận này là một phần trong những nỗ lực nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, theo đó Lithuania có thể tự do tiếp cận với tất cả các đơn vị vũ trang Nga ở Kaliningrad và ngược lại, Moscow được phép giám sát tất cả các lực lượng quân sự của Vilnius.

Như vậy, những cơ chế hợp tác và giám sát lẫn nhau giữa Nga và NATO đã bị hủy bỏ, dẫn tới những căng thẳng tiếp theo khi cả hai bên đều liên tiếp tăng cường các hoạt động diễn tập đáp trả lẫn nhau từ năm 2014.

Đặc biệt là Nga đã huy động tới đây cả máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 và máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, đồng thời tăng cường cho Hạm đội Baltic tới hơn 20 chiến hạm, lực lượng phòng không cũng được bổ sung sức mạnh với các hệ thống tên lửa tối tân S-300 và S-400.

Tuy các các quan chức quân sự và học giả Moskva nhiều lần khẳng định rằng Kaliningrad không phải là mối đe dọa với các quốc gia láng giềng (toàn bộ thuộc NATO), nhưng với những động thái mới nhất của phương Tây và cả của Nga, có thể khẳng định chắc chắn rằng Kanilingrad sẽ là mũi dao sắc nhọn dễ dàng khiến trái tim NATO tổn thương.

Mỹ Đức

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm