1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump thích chơi bài “Thượng đỉnh“?

Dường như ông Trump thích đưa ra lời mời gặp thượng đỉnh giữa những lúc căng thẳng nhất và ít ai ngờ nhất nhưng Iran sẽ không như Nga hay Triều Tiên.

Giữa cuộc khẩu chiến với lãnh đạo Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ gợi ý gặp trực tiếp Tổng thống Hassan Rouhani, một nước cờ đến nay có thể bị coi là đã quen thuộc sau các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump rõ ràng là đã bị mê hoặc bởi những cuộc gặp thu hút mọi ánh nhìn của dư luận thế giới.


Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Nhưng trong khi sự thành - bại của Thượng đỉnh Mỹ - Triều và Nga - Mỹ vẫn còn là chủ đề tranh cãi của giới phân tích thì Tổng thống Donald Trump có lẽ cần phải rút ra một số bài học từ đó nếu muốn có được “quả ngọt” từ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Iran.

Làm cho các cuộc thượng đỉnh “vĩ đại trở lại”

Đến lúc này dư luận đã nhận ra rằng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Tổng thống Iran Hassan Rouhani trên Twitter về một hậu quả hiếm thấy trong lịch sử thì đó chỉ là phần đầu của thông điệp. Phần sau, quan trọng hơn, là lời khẳng định “chắc chắn sẽ gặp Iran nếu họ muốn” mà “ không có điều kiện tiên quyết nào ”.

Có lẽ nhiều người chẳng còn bất ngờ về bước đi đó nữa sau khi ông Trump tiến hành các cuộc gặp “một đối một” với nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Nga giữa lúc khủng hoảng quan hệ với 2 nước này.

Một vài người khác thì vẫn không thể tin Tổng thống Trump lại chọn cách tiếp cận giống ông Barack Obama, người tiền nhiệm mà ông thường chỉ trích vì đã ký “thỏa thuận tồi” với Iran nói riêng và thường "quá mềm yếu" trước các đối thủ của Washington nói chung. Năm 2007, khi ông Obama bày tỏ sẵn sàng gặp lãnh đạo các nước đối đầu, như Iran hay Triều Tiên, thì đã bị phe Cộng hòa của ông Trump cười nhạo vì “ngây thơ một cách vô vọng”.

Nhưng ở đâu đó trong quá khứ, ông Trump thực sự chưa bao giờ bác bỏ khả năng tiến hành những cuộc gặp “khó tin” như vậy. Đó là khi ông Trump bày tỏ mong muốn cùng ăn hamburger với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi còn tranh cử Tổng thống.

“Tôi sẽ gặp bất cứ ai” - ông Trump tuyên bố ngày 30/7. “Tôi tin vào các cuộc gặp, đặc biệt là khi bạn đang nói đến nguy cơ chiến tranh, chết người hay nạn đói và rất nhiều thứ khác”.

Ông Trump có thể đã gợi ý gặp lãnh đạo Iran trước cả lãnh đạo Nga và Triều Tiên. Mùa thu năm ngoái, Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng tiết lộ ông đã từ chối 1 cuộc gặp với ông Trump.

Và rõ ràng ông Trump đã tạo được ánh hào quang chiến thắng cho mình bằng những tuyên bố như Triều Tiên “không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa” hay quan hệ Nga-Mỹ vốn “chưa bao giờ tồi tệ hơn nhưng đã thay đổi” sau cuộc gặp với ông Putin.

Chiến thuật của Tổng thống Trump là đẩy những căng thẳng lên cao rồi xoa dịu chúng và tuyên bố đó là một chiến thắng của cá nhân ông cũng như cho cả nước Mỹ.

“Đe dọa những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng rồi gặp gỡ phía bên kia, lùi bước và tuyên bố long trọng rằng bạn đã cứu thế giới khỏi một cuộc khủng hoảng mà chính những tuyên bố hùng hồn và manh động của bạn đã gây ra ngay từ đầu” - nhà phân tích Fareed Zakaria bình luận trên Washington Post.

Nếu như khẩu hiệu tranh cử của ông Trump là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) thì có lẽ trong ngoại giao, ông Trump muốn làm cho các cuộc thượng đỉnh “vĩ đại trở lại”.

Điều kiện tiên quyết

Điểm yếu của cách tiếp cận này là đến cuối cùng, các cuộc thượng đỉnh vẫn chỉ là những cuộc gặp gỡ, không phải là một giải pháp.

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể đã hóa giải căng thẳng giữa 2 bên nhưng đến nay vẫn chưa tạo ra một kết quả cụ thể nào cho thấy Triều Tiên thực sự có những nhượng bộ đáng kể liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, ít nhất là trong tương lai gần.

Cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Mỹ thậm chí còn thổi bùng lên một cuộc khủng hoảng tín nhiệm đối với ông Trump khi Tổng thống Mỹ bày tỏ tin tưởng Nga không can thiệp bầu cử Mỹ thay vì các báo cáo của cộng đồng tình báo trong nước.

Có lẽ sau khi rút ra một chút kinh nghiệm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hạ bớt kỳ vọng về Thượng đỉnh Mỹ - Iran khi đưa ra một dạng điều kiện đối với Tehran , thậm chí có thể coi là những điều kiện khá cao cho cuộc gặp này.

“Nếu Iran chứng minh cam kết có những thay đổi cơ bản trong cách mà họ đối xử với người dân, giảm những hành vi xấu xa và có thể nhất trí tham gia vào một thỏa thuận hạt nhân thực sự ngăn chặn được việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì Tổng thống đã sẵn sàng để ngồi xuống đối thoại với họ” - ông Pompeo chia sẻ với kênh CNBC.

Điều hiện nay vẫn chưa rõ là liệu nếu Iran không đáp ứng được các điều kiện đó mà cuộc gặp Thượng đỉnh Trump - Rouhani vẫn diễn ra thì các mục tiêu trên có thể đạt được chỉ bằng phương pháp đối thoại hay không.

Theo Diệu Hương

VOV