1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao phần lớn người Nhật Bản vẫn chào đón Tổng thống Obama tới Hiroshima?

(Dân trí) - Ngày 27/5, ông Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima, nơi Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống hồi gần cuối Thế chiến thứ 2.. Mặc dù khẳng định sẽ không nói lời xin lỗi, nhưng ông Obama vẫn được chào đón đến Hiroshima.


Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP)

Trước chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thành phố Hiroshima của Nhật Bản, tờ Huffington Post đã đăng tải bài viết về đánh giá của phụ trách báo này ở Nhật Bản, ông Ryan Takesita, về chuyến thăm.

Ngày 27/5, Tổng thống Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm thành phố Hiroshima, nơi Mỹ từng thả một quả bom nguyên tử trong giai đoạn gần kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Quả bom này đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng nghìn người phải khác sống với nhiều di chứng sau chiến tranh. Ba ngày sau vụ ném bom ở Hiroshima, Mỹ cũng thả mọt quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki. Theo ước tính, hơn 200.000 người đã thiệt mạng trong hai vụ ném bom này.

Trước chuyến thăm Hiroshima của ông Obama, đã có nhiều ý kiến từ Mỹ cho rằng liệu người Nhật Bản có còn giận dữ về vụ việc nêu trên hay không. Tuy nhiên, nhà báo Takesita cho biết: "Không. Người dân ở Hiroshima và Nagakasi sẽ không giận dữ".

Ít nhất ba nạn nhân còn sống sót sau vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima sẽ tới dự một sự kiện tổ chức vào ngày 27/5 khi Tổng thống Obama tới thăm thành phố này. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết thêm, cùng tham dự sự kiện với Tổng thống Obama còn có Thủ tướng Shinzo Abe. Trước đó, Tổng thống Obama từng cho biết ông sẽ không đưa ra lời xin lỗi hay tham gia vào cuộc tranh luận xem liệu vụ ném bom vào ngày 6/8/1945 xuống thành phố Hiroshima, thay vào đó, người đứng đầu chính phủ Mỹ sẽ có bài phát biểu và hành động tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2..

Theo số liệu thăm dò được một trong những tờ báo lớn nhất của Nhật Bản vừa công bố - tờ Asahi Shimbun, có tới 89% số người tham gia cho biết họ trân trọng chuyến thăm của Tổng thống Obama sắp tới. Và theo lý giải của nhà báo Takesita, Mỹ và Nhật Bản không còn là kẻ thù như thời chiến, thay vào đó quan hệ đồng minh giữa hai nước ngày càng được gắn kết. Ngoài ra, nhiều thế hệ sau chiến tranh ở Nhật Bản đã quen thuộc với văn hoá Mỹ, như những bộ phim Hollywood, âm nhạc của Michael Jackson, đồ uống Starbucks hay các sản phẩm công nghệ của Apple.

Dù người Nhật Bản sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra và những hệ lụy mà họ phải gánh chịu sau khi hai quả bom nguyên tử thả xuống, song người dân ở đất nước "Mặt trời mọc" này luôn tin rằng điều quan trọng nhất chính là cùng với Mỹ hướng tới một thế giới không có vũ khi hạt nhân.

Người Nhật Bản cũng đánh giá cao bài phát biểu của Tổng thống Obama ở Prague hồi năm 2009. Khi đó, ông nói: "Với việc là cường quốc duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ có trách nhiệm đạo đức trước khi tiến hành một vụ việc như thế". Theo nhà báo Takesita, Nhật Bản tin tưởng Mỹ và người dân nước này vượt qua sự giận dữ để hướng về phía trước. Một thế giới phi hạt nhân rất có ý nghĩa với người dân Nhật Bản. Trong khi nhiều người Mỹ cho rằng hai vụ ném bom hạt nhân đã giúp chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ 2 và cứu nhiều mạng sống, nhiều người Nhật Bản vẫn coi đó là một thảm hoạ kinh hoàng.

Trẻ em tại Nhật Bản được dạy về hai vụ ném bom qua các lớp học và chúng được tới thăm các di tích chiến tranh ở Hiroshima hay Nagasaki. Học sinh và sinh viên được học về những thành phố từng bị tàn phá bởi những quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng trong lịch sử loài người. Khi Tổng thống Obama tới thăm Hiroshima cùng với Thủ tướng Shinzo Abe, người dân Nhật Bản rõ ràng sẽ không đòi hỏi lời xin lỗi và chỉ trích Mỹ.

Chuyến thăm tới Hiroshima sẽ chỉ là bước khởi đầu trong nhiều bước tiến hướng tới một thế giới phi hạt nhân. Và chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ không cản trở vai trò của Nhật Bản trong việc trở thành một quốc gia bảo trợ cho một thế giới không vũ khí hạt nhân. Tổng thống Obama được kỳ vọng sẽ đưa ra hành động cụ thể cho mục tiêu đó. Không chỉ vậy, Thủ tướng Abe và người dân Nhật Bản sẽ cùng lãnh đạo các nước trên thế giới đưa ra hành động. Hành động có nhiều giá trị hơn lời xin lỗi và là cách tốt nhất để tránh lập lại bất cứ "cơn ác mộng" nào như trong quá khứ.

Ngọc Anh

Tổng hợp