Vì sao Mỹ ồ ạt triển khai tàu sân bay?
Hải quân Mỹ đã triển khai thêm 4 tàu sân bay làm nhiệm vụ tham chiến, nâng tổng số tàu được điều đi lên 6 chiếc, mức cao nhất kể từ năm 2012, Defense News đưa tin.
Ngày 1/6, tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower được triển khai từ bờ biển phía đông nước này tới Địa Trung Hải để hỗ trợ cho chiếc USS Harry Truman. Ngày 4/6, chiếc USS Ronald Raegan cũng được phái từ một căn cứ hải quân ở Nhật tới Biển Đông. Hai chiếc hàng không mẫu hạm khác là USS Carl Vinson và USS George Washington cũng rời căn cứ để tham gia các cuộc diễn tập.
Ngoài ra, tàu sân bay thứ bảy, chiếc USS George Bush, cũng được triển khai trong tương lai gần để tuần tra.
Tàu sân bay hiện là lực lượng tấn công chính của hải quân Mỹ. Tính trung bình, một tàu sân bay có thể đem theo 30 tới 40 chiếc chiến đấu cơ F/A-18 Hornet. Loại máy bay này có khả năng tham chiến ở xa tới 800km.
Bình luận về việc trên, một đại diện của hải quân Mỹ nhấn mạnh rằng, việc triển khai tàu sân bay không phải để đáp trả một thách thức nào.
"Thông thường, 50% số tàu chiến của Mỹ có mặt trên biển. Đó là lý do tại sao gần đây hải quân Mỹ triển khai 6 trong tổng số 9 chiếc tàu sân bay như một thông lệ. Duy trì sự hiện diện của hải quân trên khắp thế giới là chiến lược Mỹ sẽ vận dụng lâu dài", ông Konstantin Sivkov, lãnh đạo Học viện các vấn đề địa chính trị nói với Svobodnaya Pressa.
Việc Mỹ triển khai chiếc USS Dwight D. Eisenhower tới Địa Trung Hải là một tin xấu với khủng bố IS vì nó đồng nghĩa rằng số máy bay Mỹ tại khu vực này sẽ tăng lên 120 chiếc.
Cũng theo ông Sivkov, tàu sân bay Mỹ tới Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
"Tàu sân bay là một lực lượng mạnh. Một chiếc tàu sân bay không bao giờ hoạt động một mình. Một nhóm tàu sân bay Mỹ thường gồm một tới hai chiếc tàu ngầm và 6-8 tàu chiến. Ngoài ra, trên tàu sân bay còn có vài chục chiến đấu cơ. Một lực lượng như vậy có thể châm ngòi căng thẳng cho bất cứ khu vực nào trên biển", tướng hải quân Nga là Vladimir Romaneko nhận xét.
Tuy nhiên, một hoặc hai chiếc tàu sân bay không thể gây ra những đe dọa về địa chính trị một cách nghiêm trọng. Mỹ có thể tăng cường không kích IS hoặc làm tăng căng thẳng với Trung Quốc, song không làm sự cân bằng sức mạnh toàn cầu thay đổi.
Mikhail Alexandrov, một nhà phân tích chính trị tại Học viện quan hệ quốc tế Moscow cho rằng, việc Mỹ triển khai ồ ạt các tàu sân bay có thể do bầu cử Tổng thống sắp tới ở nước này. Ngoài ra, cũng có thể đó là nỗ lực củng cố vị thế của đảng Dân chủ, ông này cho hay.
Chuyên gia quân sự Nga Ivan Konovalov nói với Sputnik: "Đội tàu sân bay cũng là công cụ thể hiện sức mạnh. Mỹ đang phát đi tín hiệu tới các đồng minh rằng nước này sẵn sàng phát động các cuộc chiến ở xa biên giới của mình. Điều này là rất quan trọng do các đồng minh Mỹ hiện đang nghi ngờ về sức mạnh quân sự của nước này".
Theo Hoài Linh
Vietnamnet