1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao hội nghị quốc phòng ASEAN không ra được tuyên bố chung?

(Dân trí) - Kế hoạch ra tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cùng 8 đối tác khu vực (ADMM+) lần thứ ba tại Malaysia đã không thực hiện được, thay vào đó hội nghị chỉ ra được ra tuyên bố của Malaysia, nước chủ tọa hội nghị lần này.

 


Lãnh đạo quốc phòng các nước chụp ảnh tại Malaysia (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo quốc phòng các nước chụp ảnh tại Malaysia (Ảnh: Reuters)

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cùng 8 đối tác khu vực (ADMM+) thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi cuối năm 2015 là thời điểm đánh dấu hoàn tất quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây được đánh giá là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới quá trình xây dựng cộng đồng duy nhất trong lĩnh vực an ninh và xã hội.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng AEC nêu trên đang đối diện với nhiều thách thức trong thời gian qua. Ông Viktor Sumsky, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Học viện Ngoại giao Nga (MGIMO), cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay với các quốc gia ASEAN có liên quan tới bùng phát căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Mặc dù tranh chấp lãnh thổ không được đưa ra thảo luận tại hội nghị nêu trên nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein từng nói tới việc nước này mong muốn nhận được lời giải thích từ Mỹ và Trung Quốc rằng tàu chiến của hai nước "đang làm gì" ở các khu vực tại Biển Đông.

Đài tiếng nói nước Nga (Sputnik) dẫn lời chuyên gia Viktor Sumsky đánh giá: "Lập trường của Malaysia, nước chủ tọa hội nghị ADMM+ lần này, cũng như một số nước ASEAN khác muốn tránh quốc tế hóa quá mức các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Malaysia cũng giữ lập trường tương tự trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, họ lại không đưa ra được giải pháp cụ thể và đồng bộ cho các tranh chấp lãnh thổ”.

Trong khi đó, Philippines lại có quan điểm khác khi nước này đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Toà án Trọng tài Quốc tế. Ngoài ra, Manila, một đồng minh lâu năm của Mỹ, cũng đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch triển khai tàu tới tuần tra tại một số khu vực ở Biển Đông của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, sự hiện diện ngày một tăng của Mỹ trong khu vực có thể sẽ đẩy khối ASEAN vào thế khó xử, nhất là nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.

Bất đồng là có nhưng đụng độ quân sự khó có khả năng xảy ra. Đây là lời khẳng định của chuyên gia Viktor Sumsky. Theo ông, hội nghị ADMM+ là nơi bộ trưởng quốc phòng các nước trong khu vực có thể thảo luận về một cơ chế hợp tác nhằm giảm nguy cơ xung đột song dường như Mỹ và Trung Quốc không bên nào muốn có sự nhượng bộ, điều được thể hiện rõ qua việc hội nghị không thể ra tuyên bố chung.

“Người ta không nên phóng đại mối đe dọa xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai nước đều không muốn viễn cảnh này xảy ra. Tuy nhiên, không bên nào muốn thể hiện sự nhượng bộ. Tình hình căng thẳng, nhưng không có mối đe dọa trực tiếp về chiến tranh”, chuyên gia Viktor Sumsky nhận định.

Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông báo bày tỏ sự tiếc nuối khi các bên không thể đạt được tuyên bố chung, cũng như ám chỉ các nhân tố bên ngoài như Mỹ đã ảnh hưởng tới vấn đề này. "Bất chấp những hậu quả, các quốc gia bên ngoài khu vực đã tìm cách đưa vào tuyên bố chung những nội dung không thích hợp. Cách làm này đã đi chệch so với mục tiêu và nguyên tắc của ADMM+. Họ cần phải chịu trách nhiệm cho việc hội nghị không thể ra tuyên bố chung", thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết.

Trong khi đó, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ tại hội nghị cho biết Trung Quốc đã phản đối việc đề cập các hoạt động cải tạo đảo mà nước này đang tiến hành ở Biển Đông vào tuyên bố chung, trong khi "nhiều quốc gia ASEAN cảm thấy bỏ qua vấn đề này trong tuyên bố chung là điều khó có thể chấp nhận".

"Theo quan điểm của chúng tôi, không đạt được tuyên bố chung đôi khi có ý nghĩa tích cực hơn việc ra được một tuyên bố mà không đề cập tới vấn đề Trung Quốc cải tạo đảo và quân sự hóa một số khu vực ở Biển Đông", quan chức Mỹ đánh giá.

Ngọc Anh

Tổng hợp

 

Vì sao hội nghị quốc phòng ASEAN không ra được tuyên bố chung? - 2