Ukraine dồn sức vào miền Đông, kêu gọi viện trợ
Ukraine cáo buộc phe ly khai đã bắt đầu nã đạn vào phe chính phủ làm 3 binh sỹ thiệt mạng, cựu Thủ tướng Yatseniuk kêu gọi NATO tăng cường viện trợ.
Hôm 18/8, tờ Ukraine Today dẫn lời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko công bố rằng ông không loại trừ việc thực hiện thiết quân luật và tổng huy động toàn dân.
"Thật không may, tình hình suy thoái ở phía Đông và Crimea không loại trừ khả năng rằng trong trường hợp leo thang hơn nữa, chúng tôi sẽ buộc phải áp đặt thiết quân luật và tuyên bố huy động lực lượng toàn dân", ông Poroshenko nói khi đến thăm một trong những khu vực phía Tây.
Phát biểu tại khu vực Lviv, Tổng thống Poroshenko không loại trừ trường hợp một cuộc tổng tấn công trên quy mô lớn và toàn diện của sự xâm lược Nga.
Ông Poroshenko cáo buộc "kẻ thù" cố gắng phá hoại tiến trình hòa bình Minsk nhằm giải quyết cuộc xung đột và thực hiện các "báo cáo hoàn toàn vô trách nhiệm" về việc rút khỏi định dạng Normandy của cuộc đàm phán.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới hôm 18/8, phát ngôn quân đội Ukraine Oleksandr Motuzyanyk cho hay, vụ tấn công của lực lượng nổi dậy đã tăng lên gấp đôi so với trước đó 1 ngày.
Ông Motuzyanyk nói: “Lực lượng nổi dậy đã nã hơn 500 quả đạn cối và hơn 300 quả đạn pháo vào các cứ điểm của chúng tôi. Lần gần nhất chúng tôi chứng kiến cường độ sử dụng hỏa lực hạng nặng ác liệt như vậy là một năm trước.”
Theo ông, các vụ đụng độ nêu trên xảy ra khắp vùng đệm rộng 30km ngăn cách giữa các lực lượng của hai bên, làm 3 binh sỹ Ukraine thiệt mạng và 6 người bị thương.
Tại khu vực Donetsk, lực lượng do Nga kiểm soát đã bắn súng cối vào khu vực Svitlodarsk, làng Novoselivka Druha, thành phố Avdiyivka, đại diện quân đội Ukraine cho hay.
Phía Ukraine cáo buộc, có tổng cộng 45 hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn được ghi nhận, gồm cả 34 vũ khí hạng nặng ghi nhận tại đây của lực lượng ủng hộ Nga.
Tại khu vực Mariupol, 40 quả đạn pháo hạng nặng loại 152mm đã được bắn vào các vị trí quân đội Ukraine ở làng Hranitne trong vòng hai giờ, ông Motuzianyk nói.
Tình trạng chiến tranh ở khu vực Lugansk được ghi nhận tại quận Popasna và dọc theo tuyến đường Bakhmutska. Phía Ukraine ghi nhận, các loại xe chiến đấu bộ binh được sử dụng vào ban đêm.
Trong một phát biểu liên quan tới tình hình nóng Ukraine- Nga, cựu Thủ tướng Ukraine lâu nay vẫn biệt tích bỗng dưng lên tiếng yêu cầu NATO cung cấp vũ khí phòng thủ cho quốc gia này.
Ông Arseniy Yatseniuk cho rằng, thứ mà Ukraine cần lúc này là vũ khí phòng thủ, và hy vọng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đáp ứng yêu cầu này của chính quyền Kiev.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, cựu Thủ tướng Yatsenyuk thừa nhận tầm quan trọng của viện trợ quân sự mà NATO dành cho Ukraine. Tuy nhiên cựu Thủ tướng Ukraine cho biết, “Kiev cần nhiều hơn một gói hỗ trợ trọn gói”.
“Chúng tôi rất biết ơn và đánh giá cao quyết định của NATO, nhưng tôi tin chắc rằng Ukraine cần vũ khí phòng thủ”, ông Yatseniuk nói.
Ông Yatseniuk cho hay, khi chính quyền Kiev từ hai năm trước đã tuyên bố sự cần thiết phải bổ sung vũ khí phòng thủ nhưng các thành viên NATO "không giải quyết triệt để vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine".
Người đã từng đứng đầu Chính phủ Ukraine cũng thừa nhận rằng, việc gia hạn lệnh trừng phạt chống lại nước Nga “có thể là quyết định khó khăn” cho châu Âu, và quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có thể ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về biện pháp trừng phạt.
Nhưng việc nới lỏng biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ "phản bội các quy chuẩn theo khuôn khổ Liên minh châu Âu”.
Dù tỏ ra gay gắt, nhưng Ukraine không quên thể hiện thái độ mang tinh thần ngoại giao với Nga khi Đại sứ Ukraine tại Anh khẳng định quốc gia này sẽ không để bị vướng vào một cuộc chiến tranh vì bán đảo đã mất.
Bà Natalia Galibarenko, đại sứ Ukraine tại Anh đã tuyên bố rằng chính phủ Kiev sẽ nỗ lực để giành lấy niềm tin của người dân Crimea thay vì dùng vũ lực.
Trả lời trên kênh truyền hình BBC (Anh), bà Galibarenko cho biết: “Chúng ta không thể nói chắc chắn rằng những người dân sống ở Crimea đang hài lòng với chính quyền do Nga thiết lập”.
“Chúng tôi nhận được thông tin rằng đã có nhiều vụ việc vi phạm nhân quyền đã xảy ra tại Crimea. Chúng tôi cho rằng người dân ở đó đang phải chịu đựng những cấm đoán của chính quyền Nga. Vì vậy chúng tôi không muốn biến Crimea thành một bãi chiến trường, mà sẽ cố gắng để chứng minh cho người dân Crimea rằng họ nên đứng về phía chính phủ Ukraine”, bà Galibarenko nói thêm.
Theo Đông Phong/UAToday, Sputnik
Đất Việt