1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc âm thầm cản trở "kế hoạch châu Á" của Mỹ

(Dân trí) - Một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng bậc nhất của Trung Quốc là loại bỏ ý định "tái cân bằng" - xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, tạp chí National Interest nhận định.

 
Nguyên thủ nhóm BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh Ufa. (Ảnh:

Nguyên thủ nhóm BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh Ufa. (Ảnh: Global Research)

Tại hai cuộc họp thượng đỉnh của nhóm BRICS (gồm các nước Brazil,Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Ufa (Nga) mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến khái niệm “3 tiếp cận” mà Bắc Kinh sẽ sử dụng, với mục tiêu loại bỏ ý định cân bằng lại quyền lực và chi phối khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Ngăn cản sự suy giảm sức mạnh Nga

National Interest dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ nhận định rằng, hiện tại Nga đang được coi là mối đe dọa chủ yếu đối với Mỹ và điều này được các chiến lược gia Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Gần đây, Mỹ thông báo sẽ cắt giảm qui mô quân đội trong 2 năm tới, động thái được cho là sẽ khiến sự hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương suy giảm. Bên cạnh đó, trọng tâm của Mỹ sẽ phải xoay trở lại châu Âu nhằm bọc lót cho phần phía đông đang bất ổn của khu vực này. 

Theo tính toán chiến lược của Trung Quốc, việc Nga chống Mỹ sẽ đem lại lợi ích quan trọng cho Bắc Kinh trong việc đảm bảo an ninh của vùng lãnh thổ phía tây khi có Mátxcơva canh gác cho "sân sau". 

Dù vậy, trước đây Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có các hoạt động lôi kéo, nhằm tạo quan hệ đối tác chiến lược với phương Tây, trong đó có đề xuất hậu 11/9 nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đông Á. Các hoạt động này gây bất lợi cho Trung Quốc - nước luôn lo sợ bị ảnh hưởng của Mỹ bao vây. Trong bối cảnh đó, khủng hoảng ở Ukraine đã chia rẽ quan hệ giữa Nga với phương Tây trong dài hạn và đẩy Mátxcơva tới gần Bắc Kinh hơn.

Với tính toán nhằm tăng sức mạnh của Nga để phân tán trọng tâm sức mạnh của Mỹ, Trung Quốc đã hỗ trợ cho kinh tế Nga bằng những thỏa thuận thương mại, khí đốt mới. Đồng thời, các tổ chức tài chính Trung Quốc còn mua lại trái phiếu của Nga, giúp cho chính quyền Putin giảm bớt được ảnh hưởng của lệnh cấm vận từ phương Tây và tiếp tục duy trì các hoạt động với Ukraine.

Giữ Ấn Độ trung lập

Mỹ dù xoay trục sang châu Á nhưng cũng không đủ để kìm hãm được Trung Quốc. Để làm được điều này cần phải có một liên minh hiệu quả giữa các đối tác lớn trong khu vực. Nhật Bản tuy là đối tác chiến lược hàng đầu của Washington trong khu vực nhưng tự thân không thể là ứng cử viên cho vai trò đối tác chống Trung Quốc. Trong số một loạt các quốc gia (bao gồm Việt Nam, Philippines và Úc) thì Ấn Độ được coi là con át chủ bài có thể đáp ứng được việc cùng Mỹ cân bằng lại Trung Quốc.

Dù hiểu rõ mối đe dọa chiến lược từ phía Bắc Kinh, New Delhi đủ khôn ngoan để tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng ra sức làm nhẹ bớt những vấn đề tồn tại trong quan hệ Trung - Ấn như tranh chấp lãnh thổ ở Himalaya, hay việc Bắc Kinh hậu thuẫn Pakistan. 

Bắc Kinh muốn cho New Delhi thấy rằng hai bên có thể cùng nhau đưa ra một bản tạm ước thích hợp mà không cần sự tham gia của Mỹ, đồng thời cũng cảnh báo về những rủi ro nếu Ấn Độ bị Mỹ lôi kéo tham gia vào các tranh chấp không phải là "lợi ích thiết thân".

Lôi kéo sự tham gia của các quốc gia 
 
Liệu sức mạnh kinh tế có thể giúp Trung Quốc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. (Ảnh:

Liệu sức mạnh kinh tế có thể giúp Trung Quốc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. (Ảnh: Indian Express)

Nếu Trung Quốc có thể khởi động một “tiến trình Thượng Hải” với Ấn Độ - giống như những nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Nga - điều này cũng sẽ hỗ trợ cho mục tiêu thứ 3. Mục tiêu đó là thuyết phục các quốc gia châu Á khác, những nước có tranh chấp biển và lãnh thổ với Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẵn sàng dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp mà không cần sự hiện diện của Mỹ. 

Mục tiêu xa hơn của Bắc Kinh là thuyết phục tất cả các quốc gia khu vực Âu - Á khởi động các mục tiêu tăng trưởng, thịnh vượng và gắn những các mục tiêu này với kế hoạch “Con đường tơ lụa mới” (cả trên đất liền và trên biển) mà Trung Quốc đang ấp ủ. Điều này sẽ gắn kết cả khu vực và chống lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ.

Cuộc gặp thượng đỉnh ở Ufa vừa diễn ra đã tạo thuận lợi cho những lý lẽ của cả Trung Quốc và Nga về sự chuyển hướng địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho Tổng thống Nga Putin đẩy lùi những lập luận của phương Tây cho rằng Nga đang bị cô lập. 

Mặc dù có lệnh cấm vận đối với Nga, cuộc họp tại Ufa đã kết nối các thành viên, các bên đối thoại, các quan sát viên của BRICS và SCO cùng với nhiều quốc gia Trung Á khác như Armenia hay Azerbaijan. Hội nghị cũng cho rằng SCO đã tạo ra nền tảng hợp tác kinh tế rộng lớn hơn giữa các quốc gia Đông, Nam và Trung Á mà không cần dựa vào đầu tư của châu Âu hay Mỹ.

National Interest cho rằng, Trung Quốc luôn kiểm soát được những lý lẽ của họ tại Ufa. Với bối cảnh Đức đang trở thành quốc gia trụ cột giữ vững Liên minh châu Âu. Trung Quốc đã rất khôn khéo khi sử dụng vai trò kiểu Berlin trong việc ban phát và cứu giúp các quốc gia thành viên của của BRICS và SCO. 

Mặc dù vậy, giới quan sát cũng nhận định rằng Trung Quốc không dễ để có thể thông qua các khoản vốn lớn để hỗ trợ nền kinh tế Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không mặn mà gì với việc biến AIIB (Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á - được thành lập bởi Trung Quốc và Ấn Độ) thành ngân hàng tài trợ cho các dự án của các quốc gia khác. Bằng chứng cả NDB (Ngân hàng phát triển mới của nhóm BRISC) và AIIB không rót vốn cho bất kỳ dự án hạ tầng cơ sở lớn nào, dù Ấn Độ đã đưa ra một số cam kết về việc mở rộng hành lang Bắc-Nam nối Nam Á qua Iran và Azerbaijan đến Nga và Kazakhstan.

Không có gì chắc chắn được đưa ra tại Ufa, nhưng với những gì đã mà hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Putin đã thể hiện thì có những dấu hiệu manh nha của một sự chuyển dịch cơ bản về cân bằng quyền lực ở châu Á. 

Hoài My
Theo National Interest