1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỳ 1:

Tòa trọng tài PCA mà Trung Quốc ra sức đối phó là gì?

Trước yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines đã kiện nước này lên tòa trọng tài quốc tế. Tòa do PCA thành lập để xử vụ này là gì?

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là một tổ chức liên chính phủ của 121 quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore.

Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại La Hay, Hà Lan. Ảnh: territoriojuridico.
Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại La Hay, Hà Lan. Ảnh: territoriojuridico.

PCA được lập vào năm 1899 để hỗ trợ việc làm trọng tài phân xử và hỗ trợ các hình thức giải quyết tranh chấp khác giữa các nước. PCA giờ đã trở thành một thể chế trọng tài hiện đại, đa diện nằm giữa công pháp và tư pháp quốc tế, đáp ứng nhu cầu giải quyết nhanh chóng các tranh chấp trong cộng đồng quốc tế.

Ngày nay tổ chức PCA tham gia hỗ trợ giải quyết tranh chấp liên quan đến các hình thức liên kết quốc gia, thực thể quốc gia, các tổ chức liên chính phủ và các bên tư nhân.

Ban thư ký của PCA do một vị Tổng thư ký đứng đầu. Ban này gồm một nhóm các chuyên viên pháp lý và hành chính mang các quốc tịch khác nhau. Đội ngũ của ban phản ánh mức độ tham gia sâu rộng của PCA vào việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm tranh chấp về lãnh thổ, hiệp ước, nhân quyền giữa các quốc gia, cũng như các tranh chấp thương mại và đầu tư, bao gồm tranh chấp liên quan đến các hiệp định đầu tư song phương và đa phương.

Tổ chức PCA có thể hỗ trợ bằng việc lựa chọn các trọng tài viên hoặc được nhờ chỉ định trọng tài viên.

Giải pháp hòa bình sau khi ngoại giao đã thất bại

PCA là tổ chức liên chính phủ thường trực đầu tiên cung cấp diễn đàn cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua phương thức trọng tài và các biện pháp hòa bình khác.

PCA được thành lập bằng Hiệp ước Giải quyết Hòa bình các Tranh chấp Quốc tế đạt được tại La Hay (Hà Lan) vào năm 1899 trong Hội nghị Hòa bình La Hay đầu tiên.

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn trên Biển Đông. Ảnh: AP.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn trên Biển Đông. Ảnh: AP.

Hội nghị nói trên được triệu tập theo sáng kiến của Sa hoàng Nicolas II của Nga “với mục đích tìm kiếm phương tiện khách quan nhất để bảo đảm cho tất cả các dân tộc được hưởng lợi ích của một nền hòa bình thực sự và dài lâu, và trên tất cả là hạn chế quá trình vũ trang hóa đang ngày càng gia tăng”.

Một trong các mục đích của Hội nghị là tăng cường hệ thống giải quyết tranh chấp quốc tế, đặc biệt là trọng tài quốc tế. Các đại biểu dự Hội nghị ý thức được rằng trong 100 năm trước đó đã có nhiều vụ phân xử quốc tế thành công.

Phong trào ủng hộ việc phân xử bằng trọng tài như phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế tiếp tục trong năm 1899. Thành tựu cụ thể nhất của Hội nghị 1899 là việc thành lập PCA với tư cách là cơ chế toàn cầu để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.

Điều 16 của Công ước 1899 ghi nhận rằng, trong các vấn đề pháp lý và đặc biệt là trong việc diễn giải hoặc áp dụng các công ước quốc tế, phương thức phân xử bằng trọng tài là “hiệu quả nhất, công bằng nhất để giải quyết các tranh chấp mà phương thức ngoại giao không giải quyết được”.

Theo đó, Điều 20 của Công ước 1899 chính thức thiết lập tổ chức Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) – một tổ chức “mà các bên có thể tiếp cận mọi lúc” và hoạt động theo các quy trình quy định rõ trong Công ước hiện tại.

Công ước 1899 được sửa đổi tại Hội nghị Hòa bình La Hay lần thứ 2 vào năm 1907.

121 quốc gia thành viên của PCA tán thành một trong hoặc cả hai công ước thành lập của PCA.

Các thành viên của “Tòa”

“Các thành viên của Tòa” là các trọng tài tiềm năng do các quốc gia thành viên chỉ định. Mỗi nước thành viên có quyền giới thiệu tới 4 người “có năng lực rõ ràng trong lĩnh vực luật quốc tế, có danh tiếng đạo đức cao nhất, và sẵn sàng chấp nhận các nghĩa vụ của trọng tài” với tư cách là “thành viên của Tòa”.

Bên trong trụ sở PCA, vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc. Ảnh: Sydney Morning Herald.
Bên trong trụ sở PCA, vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc. Ảnh: Sydney Morning Herald.

Các thành viên của Tòa này được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ 6 năm và nhiệm kỳ này có thể được gia hạn.

Ngoài việc tạo thành một ban trọng tài tiềm năng, các “thành viên của Tòa” đến từ mỗi nước thành viên còn tạo thành một “nhóm quốc gia” – mỗi nhóm như thế được quyền đề cử ứng viên để bầu vào Tòa Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc.

Đối với các tranh chấp về môi trường, PCA duy trì một danh sách các trọng tài chuyên về các tranh chấp liên quan đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cũng như danh sách các chuyên gia khoa học và kỹ thuật được bổ nhiệm làm nhân chứng theo các quy tắc của PCA về môi trường.

Vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Vụ kiện này bắt đầu vào ngày 22/1/2013 khi Philippines gửi cho Trung Quốc một bản thông cáo và tuyên bố yêu sách theo các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) về giải quyết tranh chấp và tiến trình trọng tài được quy định trong Phụ lục VII của Công ước này.


Hình ảnh vệ tinh ghi lại cảnh Trung Quốc cải tạo trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Sydney Morning Herald.

Hình ảnh vệ tinh ghi lại cảnh Trung Quốc cải tạo trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Sydney Morning Herald.

Ngày 19/2/2013, Trung Quốc bác bỏ và gửi trả lại thông báo của phía Philippines. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc tiếp tục khẳng định quan điểm của họ không chấp nhận và không tham gia vào vụ xử bằng trọng tài này.

Tuy nhiên Phụ lục VII của UNCLOS cho phép thành lập tòa phân xử bất kể sự không tham gia của một bên nào đó và quy định rằng “sự thiếu vắng của một bên nào đó trong việc phản biện sẽ không cản trợ tiến trình của tòa”.

Tòa phân xử về Biển Đông (trong vụ kiện do Philippines khởi xướng) được thành lập vào ngày 21/6/2013 theo các thủ tục đề ra tại Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nhằm phân xử vụ kiện này. Tòa này gồm các trọng tài viên là Thẩm phán Thomas A. Mensah của Ghana, Thẩm phán Jean-Pierre Cot của Pháp, Thẩm phán Stanislaw Pawlak của Ba Lan, Giáo sư Alfred H. A. Soons của Hà Lan, và Thẩm phán Rudiger Wolfrum của Đức. Thẩm phán Mensah đóng vai trò Chủ tịch Tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông và yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.

(Như vậy tòa chính thức xử vụ kiện này nếu nói một cách chặt chẽ sẽ không phải là PCA, mà là Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS để xét xử vụ kiện của Philippines. PCA là cơ chế trung gian hỗ trợ tổ chức các tòa như thế này. PCA là một tổ chức liên chính phủ như đã nêu ở phần đầu, tự nó không phải là tòa, không có quyền phán quyết trực tiếp. Nếu báo chí nói “tòa PCA ra phán quyết” thì đây nên được hiểu là cách nói tắt, không đầy đủ - PV ).

Ngày 29/6/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (trụ sở ở Cung Hòa bình, thành phố La Hay, Hà Lan) đã thông báo rằng tòa xử vụ trên sẽ ra phán quyết phân xử trong vụ kiện trên vào trưa ngày 12/7/2016 (giờ Hà Lan)./.

(Đón xem Kỳ 2 về vụ kiện thông qua PCA).

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/Tổ chức PCA