Thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine có nguy cơ đổ vỡ
Liên tục xuất hiện cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình miền Đông Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đối với thỏa thuận ngừng bắn vừa có hiệu lực.
Một lệnh ngừng bắn mới giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe đối lập miền Đông Ukraine chính thức có hiệu lực kể từ 12h trưa ngày 20/2 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên sau khi thỏa thuận ngừng bắn này được thực thi, vùng Donetsk vẫn ghi nhận 24 vụ việc vi phạm lệnh ngừng bắn trong đó có tới 12 vụ liên quan tới vũ khí hạng nặng.
Trước đó, thông báo tình hình ngay sau những giờ đầu tiên lệnh ngừng bắn có hiệu lực, người phát ngôn quân đội Ukraine, ông Oleksandr Motuzyanyk cho biết: “Nhìn chung các hoạt động quân sự quan sát được tại khu vực chống khủng bố đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến trưa (tức khoảng 10h GMT) chúng tôi đã ghi nhận ít nhất 15 vụ pháo kích dù chưa có dấu hiệu vũ khí hạng nặng được sử dụng.”
Trưởng nhóm giám sát an ninh ở Ukraine thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Alexander Hug cũng cảnh báo "những tác nhân gây bùng nổ chiến sự vẫn còn". Vị quan chức này đồng thời lưu ý rằng, vũ khí hạng nặng vẫn đang được hai bên tham chiến duy trì hiện diện ở vùng liên lạc, khiến xung đột có thể dễ dàng bùng phát.
Liên tiếp các động thái mới từ phía Nga được cho là đang làm gia tăng căng thẳng cũng khiến thỏa thuận ngừng bắn mới bị đặt vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đặc biệt là việc Tổng thống Putin ký một sắc lệnh công nhận một số giấy tờ tùy thân cấp cho người dân thường trú ở một số khu vực Donetsk và Lugansk thuộc miền Đông Ukraine có giá trị pháp lý tại Nga hôm 18/2 vừa qua càng khiến thỏa thuận ngừng bắn trở nên mong manh hơn.
Bộ trưởng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksandr Turchynov cho rằng sắc lệnh của nhà lãnh đạo Nga là “điềm xấu” cho số phận của thỏa thuận ngừng bắn Minsk vừa mới được thực thi.
Không chỉ Ukraine, các nước phương Tây dường như cũng đang tập trung chỉ trích vào Nga khi phản ứng gay gắt trước sắc lệnh của Tổng thống Nga với Ukraine.
Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, ông Lamberto Zannier nhận định, sắc lệnh của Tổng thống Putin có thể khiến tiến trình thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine trở nên khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh những tháng gần đây, tình trạng bạo lực không ngừng gia tăng giữa phe nổi dậy và quân chính phủ Ukraine tại miền Đông nước này.
Bộ Ngoại giao Đức thì cho rằng động thái này của Nga rõ ràng vi phạm tinh thần và mục tiêu của thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert nêu rõ lập trường của Đức coi sắc lệnh của ông Putin đã gây ảnh hưởng đến sự thống nhất của Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã "lấy làm tiếc về quyết định này" . Pháp bày tỏ mong muốn Nga chú trọng tới các điều khoản của Thỏa thuận hòa bình Minsk, coi đây là con đường duy nhất để đảm bảo một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào năm 2014, các bên tham chiến ở Ukraine đã hai lần ký kết thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Tuy nhiên, chưa lần nào, thỏa thuận ngừng bắn được thực thi một cách đầy đủ. Các bên liên tục đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm thỏa thuận. Hiện cũng chưa rõ số phận của thỏa thuận ngừng bắn lần này sẽ đi về đâu./.
Theo