1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ "hạ" Mỹ trên chiến trường Syria

Quan hệ Ankara-Washington vốn hục hặc sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, nay lại thêm căng thẳng khi Thổ Nhĩ Kỳ đem quân đánh đồng minh của Mỹ tại Syria.

Danh không chính thì ngôn chẳng thuận, Mỹ chỉ còn biết nhịn một bước để mong sau này có... cơ hội trả đũa.

Mượn Lá chắn Euphrates “vỗ mặt anh cả”

Từ 4 giờ sáng ngày 23-8, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã mở màn chiến dịch mang tên Lá chắn Euphrates nhằm “tăng cường an ninh biên giới và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Syria”. Chỉ ít giờ sau, Ankara tiếp tục đưa vũ khí hạng nặng, xe tăng, pháo và 1.500 lính đặc nhiệm tràn sang Syria. Đương nhiên, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ được Nga và chính quyền Damascus bật đèn xanh.

Hai mục tiêu tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lần này tại Syria là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và phiến quân người Kurd (YPG). Thực tế IS chỉ là bình phong để Ankara đánh YPG bởi lẽ theo nhiều chuyên gia quân sự, nếu thực sự chỉ đánh IS thì Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải huy động nhiều quân lực như thế. Ankara chỉ đóng cửa biên giới là IS sẽ như cá trong rọ.

Thực sự Thổ Nhĩ Kỳ muốn diệt mầm họa YPG vì đây là lực lượng người Kurd ở Syria nhưng lại có quan hệ với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà nhóm người này lại thường chống chính quyền trung ương, đòi tự trị... Chưa kể YPG đang áp sát biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cho nên tên gọi của chiến dịch này là Lá chắn Euphrates, tức là Thổ Nhĩ Kỳ muốn đẩy lùi lực lượng YPG trở lại bờ đông sông Euphrates, tạo hành lang an toàn ở biên giới.

Phó Tổng thống Mỹ Biden gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 25-8 tại Ankara.
Phó Tổng thống Mỹ Biden gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 25-8 tại Ankara.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ ngầm chủ đích đánh YPG chẳng khác nào vỗ vào mặt Mỹ vì đây là lực lượng được Mỹ hỗ trợ cả về vũ khí lẫn chuyên gia tư vấn quân sự để chống lại Damascus. Sở dĩ Ankara phải sử dụng tới biện pháp mạnh này vì Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cảnh cáo đồng minh Mỹ nhưng Washington đều phớt lờ. Kể từ khi lực lượng YPG đánh chiếm thị trấn Manbij từ tay IS thì đối với Thổ Nhĩ Kỳ là giới hạn “vượt quá sức chịu đựng”.

Trong động thái mới nhất, Mỹ dường như “mềm nắn rắn buông” và tuyên bố hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, Mỹ cũng cảnh cáo YPG không được “đụng chạm” gì tới Thổ Nhĩ Kỳ. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24-8 tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ để hàn gắn quan hệ, đã buộc phải lên tiếng ủng hộ Ankara, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ mang tiếng... “phản bội” YPG. Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố ý lựa chọn thời điểm ông Biden tới Ankara để tấn công người Kurd và buộc Mỹ phải nêu quan điểm.

Sở dĩ Mỹ không thể bán đứng Thổ Nhĩ Kỳ để ủng hộ YPG vì dù sao Ankara cũng là một “đồng minh”, một thành viên của NATO, trong khi YPG lại bị Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Nga coi là phiến quân khủng bố. Ở đây, YPG không danh chính ngôn thuận trước cộng đồng quốc tế.

Tại Ankara, ông Biden tuyên bố: “Nếu người Kurd (YPG) không rút khỏi bờ đông sông Euphrates thì họ sẽ mất sự ủng hộ của Mỹ”. Đây là sự xuống nước “cay đắng” của Mỹ khi buộc phải đứng về Thổ Nhĩ Kỳ và “phản bội” lại YPG. Thử tưởng tượng YPG đã dành 73 ngày để giải phóng thị trấn Manbij, hy sinh hàng trăm mạng, vậy mà nay Mỹ lại kêu gọi họ phải rút đi và nhường chỗ cho Thổ Nhĩ Kỳ hay chính xác hơn là cho phiến quân “ôn hòa” FSA do Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Tuy nhiên, YPG không có lựa chọn nào.

Quân YPG rút khỏi thị trấn Manbij theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Quân YPG rút khỏi thị trấn Manbij theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Bất chấp sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, người Kurd ban đầu vẫn tỏ ra cứng rắn. Phát ngôn lực lượng tự vệ YPG, Redur Xelil ngày 25-8 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào thị trấn biên giới Jarablus (nhằm nẫng tay trên YPG) là hành động thù địch và không phải để diệt IS mà là để chống lại người Kurd. Theo ông Redur Xelil thì YPG sẽ tiếp tục bảo vệ các vị trí đang chiếm giữ ở tây Euphates (bao gồm cả thị trấn Manbij mới chiếm gần đây).

“Chúng tôi đang ở bờ tây sông Euphrates. Đó là đất của chúng tôi giành được (từ IS). Chúng tôi sẽ chẳng đi đâu cả, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ hay siêu cường nào yêu cầu” - Redur Xelil tuyên bố với kênh CNN.

Tuy nhiên, liệu YPG sẽ cứng rắn tới đâu? Theo các phân tích, nếu bị Mỹ quay lưng thì YPG nhanh chóng quay trở về con số 0 to đùng. Và đúng như vậy, sau khi cân nhắc kỹ thiệt hơn, chiều 25-8, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin YPG đã bắt đầu rút quân khỏi thị trấn Manbij (thuộc bờ tây sông Euphrates) chỉ 2 tuần sau khi đánh chiếm (từ tay phiến quân IS). Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cho YPG thời hạn một tuần để triệt thoái hoàn toàn lực lượng khỏi bờ tây sông Euphrates.

Tính đến thời điểm này, tạm thời Thổ Nhĩ Kỳ đã tự mình thiết lập một hành lang an toàn dài 90 km kéo từ Azaz tới Jarablus. Ankara đã tạm ngăn chặn người Kurd đánh chiếm toàn bộ biên giới. Nhưng cuộc chiến vẫn còn dài và người Thổ Nhĩ Kỳ nên đề phòng Mỹ trả đòn.

Một số nhận định nói để “phản công Mỹ”, Thổ Nhĩ Kỳ đã bí mật “đi đêm” với chính quyền Syria, với mục tiêu cao nhất là tìm cách “khóa” người Kurd và lực lượng YPG. Bề ngoài thì Ankara tiếp tục lên án Syria nhưng lại nhờ vả Iran đứng ra làm trung gian các cuộc gặp gỡ giữa giới chức quân sự Thổ - Syria. Thậm chí có tin quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tới Damascus 5 lần chỉ trong vòng vài tháng qua.

Quan hệ giữa Ankara và Damascus được cải thiện rõ rệt sau các cuộc không kích của không quân Syria nhằm vào các vị trí của người Kurd đêm 19 rạng sáng 20-8. “Rõ ràng Damascus đã hiểu ra rằng lực lượng người Kurd ở phía bắc bắt đầu trở thành mối đe dọa cho Syria”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố hôm 20-8.

Ông Binali Yildirim nói thêm rằng, trong 3 tuần tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “năng động” hơn tại Syria. Kể từ khi lực lượng YPG đánh chiếm thị trấn Manbij từ tay IS thì đối với Thổ Nhĩ Kỳ giới hạn đỏ đã bị vượt qua. Mọi cảnh cáo của Ankara dành cho Mỹ đều... vô vọng. Đó là lý do Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải vào cuộc, nhằm tránh viễn cảnh người Kurd sẽ làm chủ hoàn toàn biên giới Thổ - Syria.

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ không kích IS và YPG ở Syria.
Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ không kích IS và YPG ở Syria.

Trai cò tranh ăn, ai đắc lợi?

Việc Mỹ bất ngờ xuống nước trước Thổ Nhĩ Kỳ khiến YPG đang chịu... mất mặt và có lẽ họ buộc phải nhìn nhận lại việc hợp tác với Mỹ, bởi vì các lợi ích của mình, Mỹ sẵn sàng “bán đứng” YPG bất kỳ lúc nào, theo đúng kiểu “nuôi được thì thịt được”.

Phía Mỹ trong thông báo nói “muốn YPG rút về bờ đông sông Euphrates để dồn lực lượng... chuẩn bị chiến dịch đánh chiếm Raqaa - thủ phủ của IS”. Nhưng nay liệu YPG có còn hào hứng, khi có thể sẽ thêm một lần nữa “cốc mò cò xơi”, đổ xương đổ máu để giành đất rồi người khác cuỗm mất...

Nhưng người Kurd cứ nhìn người Palestine thì biết. Sẽ chẳng bao giờ có nhà nước độc lập mà chỉ dựa trên lời hứa của Mỹ. Và trên hết, người Kurd cũng nên nhìn lại chiến lược của mình, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran đều xa lánh họ? Thân cô thế cô thì ít nhất phải tìm một đồng minh ở gần. Và lẽ ra Syria là nơi thiết lập mối liên hệ lý tưởng nhất thì họ cũng vứt bỏ cơ hội, đi hợp tác với Mỹ để rồi bây giờ bị nhục mặt. Sự thật đã rõ, với người Kurd, Mỹ chỉ xem là công cụ, là loại đánh thuê không hơn không kém.

Liên quan tới Nga trong cuộc đấu Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, Điện Kremlin hiện chưa có phản ứng gì nhưng truyền thông Nga đưa tin có vẻ khá “hào hứng” như thể ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào Syria. Thực ra, ai cũng thấy là Nga muốn khoét sâu mâu thuẫn Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong suốt 5 năm nội chiến tại Syria, Mỹ luôn miệng nói rằng họ chỉ đấu tranh ngoại giao nhằm kiến thiết hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. Mỹ công khai ủng hộ (về phương diện ngoại giao) một số nhóm phiến quân ở Syria, trong đó có lực lượng YPG, và nhiều lần yêu cầu chính quyền Tổng thống Al-Assad phải từ chức.

Mỹ từng thề thốt không đặt dấu giày lên đất Syria, nhưng năm ngoái đã bí mật triển khai hàng trăm cố vấn để hỗ trợ cho lực lượng YPG. Mỹ cũng bị cáo buộc đang tính xây dựng căn cứ không quân, pháo binh trên lãnh thổ Syria, bất chấp Syria là quốc gia có chủ quyền và là thành viên Liên Hiệp Quốc.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích IS và các lực lượng đối lập tại Syria (trong đó bao gồm cả YPG) theo lời đề nghị của chính quyền Damascus hồi tháng 9-2015, Mỹ la ó và khởi động cỗ máy truyền thông đả kích những vụ giết hại dân thường của không quân Nga.

Hình ảnh về một cậu bé người Syria bị thương khi vùng Qaterji ở thành phố Aleppo, phía bắc Syria, bị không kích của không quân Nga hoặc Syria (theo cáo buộc của Mỹ), được truyền thông phương Tây liên tục đăng tải trong tuần trước là minh chứng mới nhất cho cỗ máy tuyên truyền này của Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga sau đó lên tiếng tố cáo các phương tiện truyền thông phương Tây khi lợi dụng tình trạng bi thảm của trẻ em Syria tại Aleppo (Syria), để tuyên truyền chống Nga...

Nhưng những tuyên truyền của Mỹ về “tội ác” của chính quyền al-Assad và Nga tại Syria không khiến tình hình quốc gia Trung Đông này được cải thiện và khi đó Mỹ nhận thấy cục diện chiến trường sẽ quyết định người có tiếng nói quyết định trên bàn đàm phán. Đây cũng là lúc Mỹ bí mật gửi vũ khí và chuyên viên quân sự sang Syria.

Sau khi oanh kích hết IS tới các lực lượng đối lập của chính quyền Damascus, không quân Nga và Syria bắt đầu “sờ” tới YPG. Đây là lúc Mỹ bắt đầu lộ diện. Cuối tuần trước, một ngày sau khi đưa không quân xua đuổi máy bay của quân đội chính phủ Damascus ở ngay Syria, Mỹ lên tiếng cảnh cáo Nga và chính quyền Damacus sẽ trả giá nếu tiếp cận lãnh địa của họ tại Syria. Đó là khu vực mà lực lượng YPG đang kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự lớn nhằm vào IS và YPG ở Syria từ ngày 23-8.
Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự lớn nhằm vào IS và YPG ở Syria từ ngày 23-8.

“Tôi đã thông báo cho người Nga biết chúng tôi (Mỹ) đang ở đâu. Tôi cũng cho họ biết chúng tôi sẽ có biện pháp tự vệ nếu thấy bị đe dọa”. Đó là tuyên bố của Tướng Stephen Townsend - chỉ huy lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh CNN qua điện thoại ngày 21-8.

Trước đó, Mỹ cáo buộc không quân Syria (SyAAF) ném bom vào gần khu vực có sự hiện diện của lính Mỹ ở tỉnh Hasakah (thuộc đông bắc Syria). Không quân Mỹ đã triển khai chiến đấu cơ để ngăn máy bay Syria tiếp cận khu vực mà Mỹ nói là nơi lính Mỹ đang đồn trú (để phục vụ cuộc chiến chống khủng bố).

Theo giải thích của Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, đại úy Jeff Davis, tại khu vực này có các đơn vị đặc nhiệm đang hoạt động, đó là lực lượng đặc biệt mà liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu cử tới. Davis “chân tình khuyên răn” Chính phủ Syria kiềm chế các hoạt động quân sự gần các lực lượng Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại Al-Hasaka.

Quân đội Syria giải thích rằng sở dĩ không quân chính phủ buộc phải hành động như vậy là vì các nhóm vũ trang Asayish của đảng Công nhân người Kurd (PKK) vi phạm thô bạo các thỏa thuận ngưng bắn. Trong một tuyên bố, các chỉ huy quân đội của quốc gia lưu ý rằng các chiến binh người Kurd đã liên tục tấn công trụ sở các cơ quan nhà nước, ăn cắp dầu và bắt cóc thường dân để tạo ra tình trạng bất ổn ở Al-Hasaka.

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ được cải thiện sau gần một năm căng thẳng đã khiến Mỹ thêm khó khăn.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới