1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tên lửa bị chặn tại Hàn Quốc, Mỹ vẫn tự tin

Có nhiều tiếng nói nhằm chặn kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Thêm rào cản mới

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phát biểu tại một cuộc họp thường kỳ với các trợ lý hàng đầu của mình tổ chức ngày 18/4 tại Phủ Tổng thống, rằng Hàn Quốc đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc thử hạt nhân lần thứ 5.

Bà Park được dẫn lời nói: “Chúng ta đang ở trong tình hình mà chúng ta không biết liệu Triều Tiên có thực hiện hành động khiêu khích nào không để vượt qua tình trạng bị cô lập và củng cố đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã phát hiện những dấu hiệu chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân lần thứ 5”.

Tên lửa bị chặn tại Hàn Quốc, Mỹ vẫn tự tin - 1

Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân

Bà Park đã ra lệnh cho quân đội Hàn Quốc duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu để trả đũa mạnh mẽ trong trường hợp Triều Tiên thực hiện hành động khiêu khích.

Cùng ngày, Yonhap dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho rằng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thử đầu đạn hạt nhân dưới lòng đất trong vụ thử tiếp theo.

Quan chức trên phát biểu tại một cuộc họp báo: “Theo diễn tiến mới nhất, Triều Tiên có khả năng thực hiện một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ mọi việc”.

Bốn vụ thử hạt nhân trước đây do Triều Tiên tiến hành, trong đó có cả vụ gần đây nhất diễn ra vào tháng 1/2016 vừa qua, đều được thực hiện dưới lòng đất ở Punggye-ri thuộc khu vực Đông Bắc của Triều Tiên.

Có lẽ Mỹ đang “vui” nhất với những tuyên bố của phía Hàn Quốc bởi nước này sẽ có thêm cơ hội để triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, báo chí Hàn Quốc, trong đó có tờ “The Korea Times” dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng việc đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc thất bại trong cuộc tổng tuyển cử hồi giữa tuần trước có thể gây khó khăn cho các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Người dân Hàn Quốc biểu tình tại Seoul phản đối triển khai THAAD
Người dân Hàn Quốc biểu tình tại Seoul phản đối triển khai THAAD

Kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa vào ngày 7/2 vừa qua, Chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye và đảng Saenuri cầm quyền đã thúc đẩy việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc với lập luận rằng hệ thống này sẽ góp phần tăng cường an ninh quốc gia trong bối cảnh các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên đang gia tăng.

Trong khi đó, phe đối lập vẫn duy trì lập trường tiêu cực do lo ngại rằng việc triển khai THAAD sẽ làm phương hại đến mối quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc cũng như sẽ gây ra nhiều mối lo ngại về an toàn, sức khỏe con người và môi trường.

Trong tình hình hiện nay khi mà đảng cầm quyền Hàn Quốc đã mất thế đa số trong Quốc hội thì nỗ lực thúc đẩy triển khai THAAD sẽ gặp khó khăn.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh đảng cầm quyền đã thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội khóa 20, một số vấn đề mà đảng cầm quyền và phe đối lập vẫn đang tranh cãi sẽ lại nổi lên thành chủ đề của các cuộc tranh luận mang tính chính trị.

Việc triển khai hệ thống THAAD sẽ là một trong những chủ đề kể trên và tình hình chính trị có thể làm giảm đà của các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Chuyên gia về Đông Á thuộc hãng Park Strategies có trụ sở tại New York, ông Sean King thì cho rằng: “Nhiều lực lượng theo khuynh hướng tự do tại Hàn Quốc cũng không mấy mặn mà với việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ trên đất Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc rất không thích việc này”.

Mỹ vẫn tự tin

Lâu nay Trung Quốc vẫn kịch liệt phản đối việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc do lo ngại rằng hệ thống radar AN/TPY-2 của THAAD có thể kiểm soát hoạt động quân sự và khả năng tên lửa của Bắc Kinh.

Khi Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu các cuộc hội đàm vào ngày 4/3 để bàn về chi tiết của việc triển khai THAAD, như lựa chọn địa điểm triển khai, thì các mối quan ngại về những ảnh hưởng của sóng vô tuyến do hệ thống radar của THAAD phát ra đối với sức khỏe con người và môi trường đã được nêu ra.

Các chuyên gia còn cho rằng ngay cả khi hai nước đồng minh này quyết định triển khai THAAD tại Hàn Quốc, chính phủ nước này cũng sẽ vẫn phải đối mặt với một số rào cản trước khi việc triển khai được thực hiện vì có thể sẽ vấp phải những mâu thuẫn trong Quốc hội liên quan đến vấn đề chi phí.

Quốc hội khóa 20 của Hàn Quốc, với 171 nghị sỹ có lập trường tự do trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội, có thể sẽ nêu vấn đề triển khai THAAD trong một kỳ họp của Quốc hội liên quan đến việc hai nước đồng minh sẽ chia sẻ chi phí cho việc triển khai này như thế nào.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận

Một trong những ảnh hưởng mà kết quả của cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Hàn Quốc có thể gây ra đối với việc triển khai THAAD đã được nêu ra tại cuộc họp của Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ vào ngày 14/4.

Tại cuộc họp trên, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ Brian McKeon nhấn mạnh rằng mặc dù đảng Saenuri của Hàn Quốc đã mất thế đa số tại Quốc hội nhưng việc này sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của Seoul đối với vấn đề triển khai THAAD.

Ông nói: “Tôi không cho rằng điều này sẽ thay đổi mọi việc đối với Tổng thống Park cũng như cách tiếp cận của bà đối với việc triển khai THAAD. Do đó tôi cho rằng chúng ta có thể lạc quan rằng chúng ta sẽ đi tới một quyết định về việc này. Tôi chỉ không thể khẳng định với quý vị về thời điểm của việc này mà thôi”.

Quan chức này cũng cho biết tới nay đã có một số cuộc họp được tiến hành tại Hàn Quốc để xem xét các vấn đề về địa điểm triển khai và chi phí kể từ khi hai bên bắt đầu các cuộc thảo luận.

THAAD có thể vô hiệu hóa khả năng răn đe của Trung Quốc
THAAD có thể vô hiệu hóa khả năng răn đe của Trung Quốc

Liên quan đến việc Trung Quốc phản đối triển khai THAAD tại Hàn Quốc, ông Mckeon nói thêm: “Chúng ta có một quan điểm chắc chắn đã được bày tỏ trước đây rằng việc này là để bảo vệ các lực lượng của chúng ta được triển khai ở đây cũng như các đối tác Hàn Quốc của chúng ta. Việc này không liên quan gì đến Trung Quốc hay khả năng răn đe của Trung Quốc và họ không nên lo ngại về việc này”.

Phó Đô đốc James Syring, người đứng đầu Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ, cũng phát biểu tại cuộc họp trên rằng THAAD “có thể tạo ra khả năng che chắn tuyệt vời không chỉ cho các đồng minh mà còn cho cả các lực lượng Mỹ” được triển khai tại Hàn Quốc.

Ông James Syring nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng vào thiết kế của hệ thống này và khả năng đánh chặn của nó. Và nếu quyết định về việc này được đưa ra, tôi sẽ ủng hộ giải pháp đúng đắn này”.

Theo Minh Thành

Đất Việt