1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu sân bay Trung Quốc: Liệu người Mỹ có cần bận tâm?

(Dân trí) - Trung Quốc đã phục chế thành công tàu sân bay Liêu Ninh và đang có tham vọng tự đóng mới nhiều tàu sân bay khác nữa. Liệu đây có là thách thức cho sự thống trị của Hải quân Mỹ?

 

Tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ (Ảnh: NT)
Tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ (Ảnh: NT)

Nhiều thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các hạm đội tàu sân bay của Mỹ luôn là lực lượng chiếm thế thượng phong trên thế giới. Ngay cả Hải quân thời Liên Xô trong thời cực thịnh cũng không thể sánh. Nhưng giờ đây, mối đe doạ mới mang tên Trung Quốc có thể sẽ là một thách thức nặng kí cho vị thế số một của Mỹ.

Trước kia, giới chức Xô Viết luôn bám lấy chiến lược “xua đuổi trên biển”, trong đó kết hợp các lực lượng máy bay ném bom, tàu ngầm, các đơn vị tác chiến mặt biển cùng với hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa để ngăn chặn kẻ thù xâm nhập vùng lãnh hải. Trung Quốc có vẻ đang đi những bước đi tương tự. Điểm khác ở chỗ Trung Quốc có tham vọng lớn hơn nhiều khi họ dự định phát triển một hạm đội hùng mạnh để một ngày nào đó đủ sức đối đầu sòng phẳng với đối thủ phương Tây.

Thời điểm Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã mua lại chiếc hàng không mẫu hạm mục nát Varyag - cùng với thời chiến hạm Kuznetsov của Nga - sau đó cải tạo và biên chế nó vào Hải quân với tên gọi Liêu Ninh. Nhưng Liêu Ninh mới chỉ là điểm khởi đầu, quân đội Trung Quốc (PLA) dường như chỉ muốn dùng nó làm công cụ huấn luyện nhằm hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để vận hành một chiếc tàu sân bay. Cần nói thêm rằng Mỹ đã mất nhiều thập niên để có thể hoàn thiện các kỹ năng này.

Để phục vụ cho việc tập luyện trong quân đội, Trung Quốc đã sử dụng chiến đấu cơ Su-33. Thế hệ máy bay này chính là tiền đề để Trung Quốc chế tạo ra loại phi cơ J-15. Xa hơn nữa, Trung Quốc sẽ phát triển một loạt các thế hệ máy bay sử dụng cho các hàng không mẫu hạm trong tương lai. Hiện Trung Quốc đang sở hữu 24 chiếc J-15, 6 chiếc trực thăng chống ngầm Z-18F, 4 trực thăng hoa tiêu Z-18J và 2 chiếc trực thăng cứu hộ Z-9C.

Trong báo cáo năm 2015, Lầu Năm Góc cho biết tàu Liêu Ninh và phi đội hiện chưa đủ sức để thực hiện các nhiệm vụ viễn chinh mà chỉ phù hợp để phòng thủ hoặc cung cấp các lớp bảo vệ trên không cho các hạm đội đang làm nhiệm vụ ngoài khơi. Báo cáo nêu rõ: “Liêu Ninh sẽ không thể tiến hành các nhiệm vụ ở các vùng xa xôi như tàu các tàu lớp U.S Nimitz đang làm”.

Tiêm kích J-15 của Trung Quốc mặc dù được đánh giá cao về góc độ khí động học nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế như trọng thấp và lượng nhiên liệu ít ỏi có thể mang theo nếu so với thế hệ chiến đấu cơ tối tân F/A-18 của Mỹ. “Chính kích thước khiêm tốn của Liêu Ninh đã giới hạn số lượng chiến đấu cơ có thể hạ cánh, trong khi yêu cầu về cấu tạo gọn gàng của J-15 khiến nó bị hạn chế về lượng nhiên liệu và khí tài có thể mang theo”, bản báo cáo viết. Đây không chỉ là đánh giá của Mỹ, phía Trung Quốc cũng đã nhận thức được vấn đề này và đang tìm cách khắc phục.

Trung Quốc được dự đoán sẽ chế tạo thế hệ hàng không mẫu hạm tiếp theo và lần này sẽ là vài chiếc lớn hơn có thể chuyên chở loại máy bay J-15 với đầy đủ các tính năng ưu việt. Trong kịch bản thuận lợi nhất, Bắc Kinh sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể hình thành được một hạm đội có tầm hoạt động rộng khắp toàn cầu. Để dễ hình dung, nhà máy đóng tàu Newport News với bề dày kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại hơn bất cứ nhà máy nào của Trung Quốc cũng mất tới 10 năm để đóng một chiếc USS Nimitz. Trong khi đó các nhà máy Trung Quốc chưa một lần thử sức với việc đóng một chiếc hàng không mẫu hạm, kể cả là một chiếc trung bình như Liêu Ninh.

Ngay cả khi Trung Quốc hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo tàu sân bay hoàn chỉnh với đầy đủ các tính năng hiện đại cần thiết, thì đó vẫn chưa phải là vấn đề đáng bận tâm nhất. Cho dù những chiếc F-18 của Mỹ không phải là những phi cơ nhanh nhất và cơ động nhất, chúng lại mang trong mình những kỹ thuật hàng không xuất sắc nhất với những hệ thống cảm biến tối tân. Quan trọng hơn, chúng không phải hoạt động đơn độc. Phương pháp tác chiến hiện đại cho phép chúng phối hợp hoạt động trong một đội, điều mà có lẽ còn lâu nữa Trung Quốc mới thực hiện được.

Sở hữu đội hình bao gồm những chiến đấu cơ F/A-18, EA-18G, máy bay cảnh báo chiến thuật E-2D, tàu khu trục lớp Aegis, tàu vận tải và các phương tiện hậu cần khác, hải quân Mỹ có thể thống nhất mục tiêu tấn công. Một ví dụ tiêu biểu là tàu khu trục lớp Aegis có thể bắn một quả tên lửa Standard SM-6 vượt xa cả tầm quan sát của nó nhờ sử dụng dữ liệu của máy bay E-2D.

Điều lo lắng nhất là nếu Trung Quốc đủ khả năng chế tạo một chiếc hàng không mẫu hạm thì họ sẽ có thể phát triển một phi đội, hay thậm chí là cả một lực lượng gắn với hàm không mẫu hạm. Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu nữa - có thể trong nhiều thập niên nữa - PLA mới có thể đạt tới trình độ trên để có thể đối đầu một cách sòng phẳng với Hải quân Mỹ trên vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Khánh Trần

Theo National Interest

 

Tàu sân bay Trung Quốc: Liệu người Mỹ có cần bận tâm? - 2