1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bất ngờ qua eo biển Malacca

(Dân trí) - Đài Metro TV của Indonesia ngày 25/6 cho biết, một hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đã đi qua eo biển Malacca. Hạm đội này gồm các tàu ngầm tấn công, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Yuncheng, tàu cứu hộ.


Tàu ngầm tấn công của Trung Quốc. (Ảnh: Metro TV)

Tàu ngầm tấn công của Trung Quốc. (Ảnh: Metro TV)

Trong đó, tàu ngầm mang số hiệu 409, được cho là tàu ngầm hạt nhân lớp 093A, đã nổi lên, treo cờ và ở vùng đường hàng hải quốc tế khi đi qua eo biển Malacca. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm hạt nhân này xuất hiện ở eo biển Malacca.

Người phát ngôn Hải quân Indonesia Suji Tuo cho biết, đây có thể là một phần trong hoạt động của biên đội tàu hộ tống. Ông Tuo nói thêm: “Chỉ cần Hải quân Trung Quốc chấp hành việc lưu thông vô hại thì không có vấn đề gì. Cũng giống như tàu chiến của các nước khác, chỉ cần tàu Trung Quốc không vi phạm quy định thì không cần phải điều tra”.

Trong khi đó, truyền thông Indonesia cho rằng, động thái trên của Trung Quốc có thể là hành động “nắn gân” sau các vụ việc căng thẳng giữa tàu tuần tra Indonesia và tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Natuna của Indonesia mới đây.

Biên đội tàu ngầm tấn công của Trung Quốc bất ngờ vượt qua eo biển Malacca không lâu sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo đích thân lên chiếm hạm thị sát quần đảo Natuna trong một động thái được cho là nhằm “răn đe” Trung Quốc sau loạt vụ việc căng thẳng.

Eo biển Malacca (phiên âm tiếng Việt: Ma-lắc-ca) là eo biển nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương. Eo biển Malacca là tuyến hải trình ngắn nhất giữa Trung Đông với châu Á nói chung và các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương nói riêng.

Eo biển Malacca chủ yếu do ba nước Indonesia, Malaysia, Singapore kiểm soát và cả ba quốc gia nói trên không đồng ý để các nước khác trực tiếp tham gia quản lý an ninh hàng hải nơi đây. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa ra lập luận eo biển Malacca có tính quyết định với nền kinh tế của Trung Quốc nên Bắc Kinh phải được tham gia quản lý trực tiếp để tăng cường an ninh, nhưng điều này không được các quốc gia trong vùng quan tâm.

Tình hình Biển Đông căng thẳng thì eo biển Malacca càng thêm quan trọng, vị trí chiến lược của nó đang là tâm điểm chú ý của các nước mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hải trình này.

Minh Phương

Theo Metro TV