1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu chiến Trung Quốc “hẹn gặp lại” tàu chiến Mỹ trên Biển Đông

(Dân trí) - Mới đây, các sỹ quan trên khu trục hạm tên lửa USS Lassen của Hải quân Mỹ đã có tiết lộ thú vị về cuộc chạm trán với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông, trong đợt thực thi nhiệm vụ tự do đi lại vừa qua.

Chiến hạm Mỹ USS Lassen (Ảnh: Navy)
Chiến hạm Mỹ USS Lassen (Ảnh: Navy)

Theo một sỹ quan hải quân Mỹ, ngay khi USS Lassen đi vào khu vực bên trong vùng nước 12 hải lý bao quanh một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, một tàu chiến Trung Quốc đã bám theo và phát loa phóng thanh cảnh báo.

“Này, các anh đang đi vào vùng nước của Trung Quốc. Ý đồ của các anh là gì?” Robert Francis, chỉ huy tàu Lassen thuật lại đoạn điện đàm của phía tàu Trung Quốc.

Các thủy thủ của ông Francis lúc đó đáp lại rằng họ đang hoạt động theo đúng luật pháp quốc tế, và có ý định đi ngang qua hòn đảo. Đây là nhiệm vụ được giới chức Mỹ khẳng định nhằm thực thi tự do đi lại, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với tuyến hàng hải chiến lược trên Biển Đông.

Ông Francis cho biết, sau trả lời của USS Lassen, phía tàu Trung Quốc “vẫn hỏi câu hỏi cũ, lặp đi lặp lại”.

Trong ngày thứ Năm, tàu sân bay Theodore Roosevelt đã di chuyển trên Biển Đông, cách mũi phía Nam của quần đảo Trường Sa chừng 150 - 200 hải lý. Đây là khu vực Trung Quốc đã bồi đắp 7 đảo nhân tạo chỉ trong vòng 2 năm qua.

USS Lassen cũng gia nhập nhóm tàu sân bay này, ngay đêm trước khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter lên thăm tàu Theodore Roosevelt.

Trong một bình luận cho thấy mức độ thường xuyên các chiến hạm Mỹ găp tàu Trung Quốc tại các vùng biển châu Á, ông Francis tiết lộ kể từ tháng 5 đến nay, USS Lassen đã có 50 lần “đối đáp” với các tàu quân sự và máy bay Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông.

“Bất cứ ngày nào có tàu Mỹ tới đây, chúng tôi đều đối đáp với phía Trung Quốc”, Francis nói.

Các chuyên gia cho biết Trung Quốc luôn triển khai hàng chục tàu hải quân và tuần tra bờ biển tại Biển Đông, và có khả năng những cuộc chạm trán với tàu Mỹ còn tăng. Tuần này giới chức Mỹ tuyên bố mỗi quý sẽ thực hiện 2 lần tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp.

Tàu khu trục Trung Quốc đã bám theo Lassen trong suốt 10 ngày trước và sau cuộc áp sát ngày 27/10, vị sỹ quan cho biết thêm. Trong đợt tuần tra này, Lassen đã đi vào khu vực cách cấu trúc nhân tạo gần nhất do Trung Quốc bồi đắp chừng 6-7 hải lý.

Nhưng không phải mọi cuộc tiếp xúc giữa hải quân Mỹ - Trung đều căng thẳng.

“Một vài tuần trước, chúng tôi đã nói chuyện với một trong những tàu Trung Quốc đi theo chúng tôi. Chúng tôi nhấc điện đàm và nói với họ đại thể như: “Này, các anh sẽ làm gì thứ Bảy này? Chúng tôi có bánh pizza và cánh gà đấy. Các anh sẽ ăn gì? Chúng tôi sẽ làm việc này việc kia. Này, chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho Halloween đấy”.

Ý định của những cuộc điện đàm như vậy, Francis lí giải, là để “cho họ thấy…chúng tôi cũng là những thủy thủ bình thường như họ, có gia đình, cũng giống họ”.

Các thủy thủ Trung Quốc, nói tiếng Anh, đáp lại bằng cách trả lời họ từ đâu tới, gia đình họ, những nơi họ đã ghé qua, Francis cho biết thêm. Và cuối cùng chiếc tàu khu trục Trung Quốc đã bám theo Lassen trong nhiệm vụ áp sát đảo nhân tạo cũng bỏ đi.

“Họ luôn rất thân mật suốt thời gian đó… ngay cả trước và sau khi đi qua quần đảo Trường Sa”, vị sỹ quan khẳng định. “Khi họ rời chúng tôi, họ nói "này, chúng tôi sẽ không đi cùng các anh nữa. Chúc các anh một hành trình tốt đẹp. Hy vọng sẽ gặp lại các anh".

Còn với Francis và 300 thành viên thủy thủ đoàn, họ không bận tâm tới những nội dung đầy căng thẳng truyền thông thế giới đăng tải về chiến dịch tuần tra rất được chú ý này. “Đó đơn giản là một ngày bình thường như bao ngày khác trên Biển Đông”, chỉ huy tàu Lassen cho biết.

Thanh Tùng

Tổng hợp