1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản phô diễn sức mạnh chung với Hải quân Mỹ

(Dân trí) - Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận mang tên Malabar với Hải quân Mỹ và Ấn Độ vào mùa hè này, đánh dấu màn phô diễn sức mạnh hiếm hoi của Hải quân Nhật Bản, trong bối cảnh tình hình khu vực châu Á vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn.


Tàu sân bay trực thăng Izumo (Ảnh: SCMP)

Tàu sân bay trực thăng Izumo (Ảnh: SCMP)

CNN dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13/3 xác nhận tàu sân bay trực thăng Izumo, tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản hiện nay, sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar với Hải quân Ấn Độ và Mỹ vào mùa hè tới. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ từ chối đưa ra bình luận về việc Izumo có được triển khai tới Biển Đông hay không.

“Hải quân Mỹ sẽ không bình luận về sự di chuyển của Hải quân Nhật Bản”, một quan chức Hải quân Mỹ cho biết.

Trước đó, Reuters đưa tin tàu sân bay trực thăng Izumo sẽ đi qua khu vực Biển Đông và có các điểm “dừng chân” ở Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận Malabar vào tháng 7, sau đó sẽ trở về Nhật Bản vào tháng 8. Đây được coi là hoạt động phô diễn sức mạnh hải quân lớn nhất của Tokyo trong khu vực kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Malabar là cuộc tập trận quy mô lớn và được giới quân sự của nhiều nước chú ý. Kể từ khi Nhật Bản chính thức tham gia vào cuộc tập trận thường kỳ này vào năm 2007, Malabar được tổ chức theo cơ chế luân phiên ở các vùng biển phía Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Do những giới hạn trong hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, trong đó quy định chặt chẽ về việc triển khai các trang thiết bị và vũ khí tấn công, nên sự xuất hiện của tàu sân bay trực thăng Izumo trong cuộc tập trận Malabar năm nay nhận được sự quan tâm của dư luận. Izumo là một trong số ít những phương tiện quân sự của Nhật Bản được phép phô diễn sức mạnh ngoài chức năng bảo vệ quốc phòng vốn có.

Màn phô diễn sức mạnh hiếm hoi

Theo một số chuyên gia phân tích, việc bổ sung tàu sân bay trực thăng Izumo, vốn được thiết kế để thực hiện các sứ mệnh chống tàu ngầm, vào cuộc tập trận quy mô lớn như Malabar cho thấy năng lực tác chiến chống tàu ngầm của Nhật Bản là nhân tố quan trọng để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

“Việc dò tìm và ứng phó với các tàu ngầm là thế mạnh của Nhật Bản, xét cả về công nghệ kỹ thuật lẫn năng lực tác chiến, nhưng lại là điểm yếu của Trung Quốc, ngay cả khi (Trung Quốc) có một hạm đội tàu ngầm vượt trội hơn về số lượng”, Corey Wallace, chuyên gia phân tích an ninh tại Đại học Freie ở Berlin, Đức nhận định.

Cũng theo chuyên gia Wallace, Nhật Bản có đội tàu săn ngầm, tàu sân bay trực thăng và máy bay săn ngầm xuất sắc. Ngoài ra, Tokyo còn có bề dày kinh nghiệm trong việc triển khai các tàu chiến và máy bay này.

Việc điều tàu sân bay trực thăng Izumo tham gia cuộc tập trận Malabar năm nay đánh dấu màn phô diễn sức mạnh hiếm hoi của Hải quân Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng vẫn liên tục gia tăng tại châu Á và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang tìm cách duy trì sự hiện diện quân sự mang tính hợp tác ở khu vực.

Tuần trước, Triều Tiên đã phóng liên tiếp 4 tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản và Bình Nhưỡng tuyên bố vụ phóng thử này do quân đội tiến hành nhằm kiểm tra khả năng tấn công tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản. Trong khi đó, tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại khu vực quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư vẫn đang gây ra nhiều căng thẳng trong quan hệ song phương. Ngoài ra, bất đồng giữa các nước ở Biển Đông, đặc biệt liên quan tới các hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc cũng được xem là nguy cơ gây bất ổn cho khu vực.

Thành Đạt

Tổng hợp