1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Số phận người con trai út của Stalin

Người ta vẫn thường hay đặt ra câu hỏi: Liệu Vasily, người con trai thứ của Joshef Stalin có phải là vật hy sinh của thời đại?

Ông phải trả giá cho những sai lầm của ai? Sinh ra vào ngày 21/3/1921 và mất ngày 19/3/1962, chỉ thiếu 2 ngày nữa là tròn tuổi 41. Ông là người mà hình như các nhà nghiên cứu lịch sử còn băn khoăn, chưa biết phải đánh giá thế nào cho phải.

Một cuộc đời có quá nhiều tai tiếng, thêm vào đó là tên tuổi nổi tiếng thế kỷ XX của người cha…Song, câu chuyện về số phận cũng như cuộc đời ông vẫn tiếp tục gây được sự quan tâm chú ý của nhiều người.

I.V. Stalin với các con - Svetlana và Vasily những năm 1930. Ảnh từ kho lưu trữ cá nhân của E. Kovalenko / RIA Novosti
I.V. Stalin với các con - Svetlana và Vasily những năm 1930. Ảnh từ kho lưu trữ cá nhân của E. Kovalenko / RIA Novosti

Người con trai út

Cái họ "Stalin" trong các thời kỳ khác nhau đã gợi cho người dân Xô Viết những cảm xúc trái ngược – đó là nỗi sợ hãi, sự tôn kính, lòng căm thù và sự trân trọng. Tất cả những cảm xúc này chỉ dành cho một người duy nhất mang họ Stalin - Đó là Ioseph Vissarionovich Stalin – Lãnh tụ Liên Xô (Để cho bạn đọc dễ phân biệt chúng tôi gọi là Stalin cha- ND).

Người con trai thứ Vasily Stalin luôn sống dưới cái bóng của cha mình. Thỉnh thoảng ông nói với những người bạn thân nhất của mình rằng: "Tôi chỉ được sống khi bố tôi còn sống". Và tất cả đều đúng như anh linh cảm - sau cái chết của người cha, cuộc đời anh xuống dốc không phanh.

Vasily Stalin sinh trong một gia đình có bố là một nhà lãnh đạo Liên Xô và mẹ là bà Nadezhda Allilueva- người vợ thứ hai của Stalin cha.

Nadezhda Allilueva và con trai Vasily. Ảnh: RIA Novosti / Svishev Paolo
Nadezhda Allilueva và con trai Vasily. Ảnh: RIA Novosti / Svishev Paolo

Những người quen biết gia đình Stalin vào những năm 1920 đều nói họ sống rất hạnh phúc. Năm 1926, người em gái Svetlana của Vasily chào đời. Ngoài hai đứa con đẻ ra, gia đình còn nhận nuôi thêm Artem Sergeev - con trai của nhà cách mạng Fyodor Sergeyev có bí danh trong đảng là "Artem” đã hy sinh. Artem Sergeev trở thành con nuôi của Stalin cha.

Theo hồi ức của Artem Sergeev, Stalin cha luôn chú ý dành thời gian cho con cái và gia đình. Ông rất yêu cô con gái Svetlana, nhưng hai cậu con trai cũng được quan tâm không kém.

Đứa con của đội bảo vệ điện Kremlin

Ngày 09/11/1932, bà Nadezhda Allilueva đột nhiên tự sát, làm cho mọi thứ trong gia đình bị đảo lộn. Sau cú sốc tinh thần này, I.V. Stalin vùi đầu vào công việc, con cái trong nhà phải nhờ những người phục vụ và cảnh vệ trông nom.

Cách giáo dục này đã gây ảnh hưởng xấu tới Vasily. Cậu bé nghịch ngợm và hiếu động rất cần có người cha bên cạnh, vì đối với Vasily thì bố cậu là người có uy tín nhất.

Sau này khi lớn lên, Vasily Stalin có viết: "Khi còn nhỏ, tôi đã sống thiếu tình thương của mẹ, và không được bố chăm sóc thường xuyên. Tôi thực chất cứ thế lớn lên và nhận được sự giáo dục từ những người đàn ông (những chiến sỹ cảnh vệ), vì thế về phẩm hạnh không có gì đặc biệt và xử sự thì cũng không biết chừng mực. Điều này đã để lại dấu ấn trong suốt quãng đời sau này và ảnh hưởng đến tính cách của tôi. Tôi đã sớm bắt đầu hút thuốc và uống rượu”.

Mấy người con của lãnh tụ Stalin học ở Trường trung học № 25 Matxcơva, cùng với con cái của các nhà lãnh đạo Xô viết khác. Vasily học kém, hay quậy phá, nhưng lại rất tốt bụng, dễ hòa đồng, cảm thông, ân cần và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Đích thân tướng cảnh vệ của I.V. Nikolai Vlasic cùng với cấp dưới của ông lo việc giám sát Vasily. Vlasic thường xuyên báo cáo Stalin cha về kết quả học tập của con trai và làm theo ý kiến chỉ đạo của ông. Lãnh tụ yêu cầu mọi người không được nương nhẹ đối với Vasily và phải sát sao chuyện học tập của cậu. Hai bố con phần lớn trao đổi với nhau qua những mẩu thư.

Vasily, tướng cảnh vệ N.S Vlasic và I.V. Stalin tại nhà nghỉ ở ngoại ô. Nguồn: PublicDomain
Vasily, tướng cảnh vệ N.S Vlasic và I.V. Stalin tại nhà nghỉ ở ngoại ô. Nguồn: PublicDomain

Chỉ ước được bay trên trời

Vasily đã sớm nhận ra cái tên "Stalin" có tác động ma thuật và gây ảnh hưởng đến mọi người như thế nào, cho nên anh ta đã cố gắng để tận dụng điều đó. Mọi người luôn sẵn sàng đáp ứng những mong muốn của con trai nhà lãnh đạo, nhưng nếu chẳng may ông bố phát hiện ra thì không chỉ Vasily bị trách mắng, mà cả những người nuông chiều cậu bé láu cá đó cũng bị trừng phạt.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Vasily và Artem Sergeev- vừa là anh nuôi vừa là bạn thân, dự định thi vào trường pháo binh. Nhưng sau đó anh đã thay đổi ý định và quyết định theo học nghề phi công, một nghề mốt nhất thời bấy giờ.

Vasily Stalin muốn học ở Trường Hàng không Quân sự Kachin danh tiếng tại Crimea. Nhưng bảng điểm của anh không đạt yêu cầu để tiếp nhận vào trường. Cuối cùng thì người ta cũng chiếu cố đến trường hợp này.

Anh chàng học viên mới đã ngay lập tức thể hiện khả năng biến báo của mình. Bóng gió rằng sắp tới ông bố sẽ đến thăm Crimea, Vasily đã kiếm ngay được một phòng riêng và tổ chức ở đó một cuộc sống vương giả.

Chuyện đến tai Stalin cha. Ông liền ra lệnh: đưa học viên Vasily Stalin trở lại sống chung với các học viên khác trong doanh trại, phải quản lý nghiêm ngặt, bắt buộc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chương trình học tập.

Bị tước bỏ những điều kiện ưu tiên đặc biệt, Vasily không vì thế mà buồn phiền. Anh kết thân với các bạn học viên khác cùng lớp và nhanh chóng trở thành linh hồn của nhóm.

Và, tất nhiên là anh cũng là người đầu têu trong các trò nghịch ngợm càn quấy của học viên.

Joseph Stalin (2 bên trái) cùng các con Vasily (trái), Svetlana (đứng) và Jacov (phải), người thứ hai bên phải là Andrei Zhdanov. Ảnh: RIA Novosti
Joseph Stalin (2 bên trái) cùng các con Vasily (trái), Svetlana (đứng) và Jacov (phải), người thứ hai bên phải là Andrei Zhdanov. Ảnh: RIA Novosti

Về chuyện học hành của Vasily tại trường Không quân có thể nói ngắn gọn là về mặt lý thuyết anh ta chỉ học lớt phớt và rất khó khăn trong thi cử, kiểm tra nhưng bù lại về thực hành bay thì lại rất tốt. Dường như Thượng đế đã ban tặng cho anh ta tài năng của một phi công vậy.

Sau khi tốt nghiệp trường Không quân, chàng sĩ quan trẻ Vasily được điều về Phòng Kiểm soát bay thuộc Bộ tham mưu Quân chủng Không quân của Hồng quân Liên xô. Vasily không thích công việc này, và sau khi chiến tranh nổ ra, anh nằng nặc xin đi chiến đấu ngoài mặt trận. Mùa hè năm 1942 nguyện vọng của anh đã được đáp ứng.

Thời bấy giờ, con cái của các lãnh đạo không ngồi ở hậu phương mà phải chiến đấu ngoài tiền tuyến. Con trai cả của Stalin bị bắt làm tù binh, con trai của Khrushev là phi công quân sự bị mất tích, con trai độc nhất của Nguyên soái Frunze hy sinh v.v... Vasily Stalin cũng không có ý nghĩ nấp sau lưng những người khác.

Có nhiều thông tin khác nhau về số máy bay địch do phi công chiến đấu Vasily Stalin bắn hạ, con số dao động trong khoảng từ 2-5 chiếc. Anh hùng Liên Xô Sergei Dolgushin nhớ lại: "Trong thời gian từ tháng 2-Tháng 3/1943, đơn vị chúng tôi đã bắn rơi 10 máy bay địch. Vasily tham gia bắn hạ 3 chiếc.

Và cần lưu ý rằng về nguyên tắc, Vasily là người tấn công đầu tiên, sau đó khi máy bay địch mất phương hướng, chúng tôi mới lao vào dứt điểm. Theo quy định của bên Không quân thì những chiếc máy bay bị bắn hạ này có thể tính riêng cho Vasily, nhưng anh ấy vẫn tính là thành tích của cả nhóm.

Có lần tôi đã nói với anh ấy, nhưng anh ấy phẩy tay và ném một câu gọn lỏn: "Chả cần đâu!".

Vào thời điểm đó, Vasily Stalin đã là chỉ huy Trung đoàn Không quân tiêm kích cận vệ № 32. Các cựu chiến binh của trung đoàn này nhiều năm sau vẫn còn nhắc: Vasily Stalin là một phi công rất giỏi và cực kỳ dũng cảm.

Một phi công Trung đoàn №32 tên là Fyodor Prokopenko nhớ lại: nhiều lần, trong chiến đấu, trung đoàn trưởng V. Stalin mải truy đuổi máy bay địch, nên đã trở thành mục tiêu cho các máy bay Đức bám đuôi. May nhờ có đồng đội kịp đến để giải cứu.

Sau chiến tranh, Vasily Stalin có tặng cho Fyodor Prokopenko tấm ảnh với dòng đề tặng: "Cuộc sống - chính là Tổ quốc. Xin cảm ơn cuộc sống. Tôi nợ bạn cuộc sống của mình."

Các học viên tốt nghiệp Trường Không quân Kachin (V.I. Stalin - 2 trái). Năm 1939. Nguồn: Public Domain
Các học viên tốt nghiệp Trường Không quân Kachin (V.I. Stalin - 2 trái). Năm 1939. Nguồn: Public Domain

Trò bắt cá đắt giá

Chỉ tiếc rằng người sỹ quan phi công đẳng cấp và dũng cảm Vasily Stalin đã bị hủy hoại bởi 2 thứ: rượu vodka và tính vô kỷ luật.

Anh hùng Liên Xô Vitaliy Popkov, một phi công tài hoa, nguyên mẫu của nhân vật trong bộ phim huyền thoại "Chỉ còn có những ông già đi chiến đấu", đã nhớ lại chuyện Đại tá V. Stalin mắc nạn như thế nào. Mùa xuân năm 1943, trong thời gian nghỉ giữa hai chiến dịch, Vasily Stalin rủ Popkov, chỉ huy phi đội, đi kiếm cá. Viên phi công này không phản đối, nhưng nói: "Làm thế nào để bắt cá? Cần câu thì không có, lưới cũng không".

Sau đó, một kỹ sư vũ khí đề nghị sử dụng một loại tên lửa dùng cho máy bay Il-2, đặt lại hẹn giờ cho thiết bị nổ để bắt cá . Hậu quả là thiết bị đã nổ trên tay khiến 1 người chết ngay tại chỗ, nhiều người khác bị thương, trong đó có cả Vasily Stalin.

Khi tin này được báo cáo lên Tổng tư lệnh Stalin, ông đã hết sức tức giận vì đang lúc chiến tranh mà cậu con trai đã vô tình gây thương vong cho các sĩ quan bởi những trò càn quấy.

Thế là Vasily bị giáng chức và bị điều động xuống làm phi công huấn luyện cho một trung đoàn Không quân dự bị và cấm không được bay nữa.

"Nhiệt tình, nóng tính, thần kinh yếu"

Vasily được xóa kỷ luật vào giữa năm 1944, được bổ nhiệm làm chỉ huy Sư đoàn Không quân tiêm kích Cận vệ №3 thuộc Quân đoàn Cận vệ № 1 của Trung tướng Beletsky.

Chiến tranh kết thúc, Vasily Stalin là chỉ huy của Sư đoàn Không quân tiêm kích 286, Tập đoàn Không quân 16 Phương diện quân Belorussia-1. Mặc dù có nhiều nhược điểm và thiếu sót, nhưng có thể thấy không quân và bầu trời mới chính là đất sống của anh. Được sống với những người lính phi công anh mới cảm thấy hạnh phúc thực sự.

Tháng 3/1946, khi mới gần 26 tuổi, Vasily Stalin đã được phong quân hàm Thiếu tướng Không quân.

Sự nghiệp của anh nhanh chóng đi lên, đạt đỉnh điểm vào năm 1948, khi đó Vasily Stalin đã là Trung tướng, được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng không quân Quân khu Matxcơva.

Trong lý lịch cán bộ của phi công Vasily Stalin vẫn ghi những nhận xét như cũ: "Nóng tính, thần kinh yếu, có những trường hợp hành hung cấp dưới".

Và đó là sự thật: có cả những vụ hành hung, xỉ nhục, xúc phạm người khác, có những vụ rượu chè say xỉn làm ầm ỹ cả Matxcơva.

Vasily càng ngày càng nát rượu và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những rắc rối trong cuộc sống gia đình anh. Anh có bốn người vợ và bốn đứa con, nhưng không ai trong số những người phụ nữ đó có thể chịu được tính nóng nảy cục cằn cũng như bệnh rượu chè của anh.

Vasily Stalin trong buồng lái của chiếc Yak-9, có dòng chữ Vì Volodya! (để tưởng nhớ Vladimir Mikoyan đã mất), 1940. Nguồn: Public Domain
Vasily Stalin trong buồng lái của chiếc Yak-9, có dòng chữ "Vì Volodya!" (để tưởng nhớ Vladimir Mikoyan đã mất), 1940. Nguồn: Public Domain

Niềm say mê thể thao

Còn có một Vasily Stalin hoàn toàn khác hẳn. Chính anh là người đã tìm kiếm nguồn cung cấp những căn hộ cho cấp dưới của mình, giải quyết tất cả những vấn đề thường ngày của họ. Cũng chính anh đích thân kiểm tra kỹ thuật máy bay mới, quyết định vấn đề đào tạo các phi công trẻ. Theo sáng kiến của anh, người ta đã xây một tòa nhà mới trong khu vực sân bay Trung tâm dành cho Bộ tham mưu của Lực lượng Không quân Quân khu Matxcơva.

Cũng cần nói thêm về niềm đam mê thể thao của Vasily Stalin. Anh quản lý câu lạc bộ thể thao không quân, quy tụ được những vận động viên xuất sắc nhất cả nước ở mọi bộ môn khác nhau. Đội khúc côn cầu Không quân đã ba lần vô địch toàn Liên Xô, các vận động viên của Hiệp hội đã dành được thắng lợi trong rất nhiều bộ môn. Điều duy nhất mà Vasily Stalin không đạt được đó là không làm cho đội bóng đá Không quân trở thành vô địch.

Mọi người có những nhận xét khác nhau về niềm đam mê thể thao cuồng nhiệt của Stalin – có người nói ông luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên, mua căn hộ cho họ và trả lương hậu hĩnh. Người khác thì cho rằng con trai của lãnh tụ Stalin đã “trấn lột” những Hiệp hội thể thao khác.

Nhờ có Vasily Stalin mà một số công trình thể thao đã được xây dựng tại Matxcơva. Ngoài ra, ông còn quản lý việc xây dựng bể bơi của Câu lạc bộ thể thao Quân đội mà cho đến bây giờ vẫn hoạt động trên đại lộ Leningrad. Vasily Stalin kết bạn với một trong những vận động viên huyền thoại của Liên Xô là Vsevolod Bobrov và Capitolina Vasilyeva, người vợ thứ ba của ông cũng là nhà vô địch môn bơi lội của Liên Xô.

“Cha tôi bị sát hại”

Vasily Stalin còn bị “phốt” một lần nữa khi cha ông đang còn sống. Ngày 1/5/1952 sau cuộc duyệt binh của lực lượng không quân do Trung tướng Vasily Stalin chỉ huy, trong khi hạ cánh, hai chiếc máy bay ném bom phản lực mới Il-28 đã gặp nạn do những đám mây thấp.

Tháng 7/1952, cuộc duyệt binh của Không quân tại Tusino đã diễn ra thành công. Lãnh tụ Stalin rất hài lòng và cho mời con trai đến dự buổi tiệc chiêu đãi của chính phủ. Nhưng hôm đó Vasily đã kịp “chào mừng” thành công trước và đến dự tiệc trong tình trạng say khướt. Stalin cha đã nổi giận và đuổi Vasily về, và ngay sau đó anh đã bị cách chức. Lý do chính thức cho quyết định kỷ luật này là vụ tai nạn xảy ra hôm 1/5.

Tướng Vasily Stalin được cử đi học tại Học viện Quân sự thuộc Bộ tổng tham mưu, nhưng ông không đến lớp và cũng không có hứng thú trong việc học hành.

Vasily cùng vợ là Ekaterina Timosenko tại lễ tang I.V. Stalin. Ảnh: RIA Novoxti
Vasily cùng vợ là Ekaterina Timosenko tại lễ tang I.V. Stalin. Ảnh: RIA Novoxti

Mặc dù có mối quan hệ phức tạp với cha nhưng Vasily Stalin rất yêu quý và kính trọng cha mình. Ông rất đau khổ trước cái chết của người cha vào tháng 3/1953 . Ông nức nở trước quan tài cha và nhắc đi nhắc lại câu “Người ta đã giết cha rồi!”.

Ngoài ra, trong những cuộc nói chuyện với bạn bè, Vasily còn dọa sẽ tiết lộ với báo chí nước ngoài về tất cả những chuyện khuất tất trong cuộc sống của đám người xung quanh Stalin, kể cả những người đứng đầu nhà nước.

Phạm nhân “Vasily Vasilyev”

Con trai của Stalin đã trở thành vấn đề đau đầu đối với những người lãnh đạo mới của Liên Xô. Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Nicolai Bulganin đã gọi ông đến và đề nghị điều ông đến một trong những quân khu xa xôi, nơi mà con người dễ bị kích động như Vasily sẽ không thể gây ra nguy cơ đe dọa nào. Nhưng vị tướng bướng bỉnh đã từ chối, và ngày 26/3/1953, ông đã bị cho về phục viên, cấm - không được phép mặc quân phục.

Đó mới chỉ là bắt đầu. Một tháng sau ông bị bắt. Vasily bị buộc tội vu khống các lãnh đạo đất nước, tội hành hung, lạm dụng chức vụ và một danh sách dài dằng dặc những tội danh khác. Ông bị tạm giam hơn 2 năm để chờ kết án. Cuối cùng, Toà tuyên án Vasily Iosifovich Stalin bị kết án 8 năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống nhà nước Xô Viết và lợi dụng chức vụ”.

Nhưng ông không phải vào trại mà bị giam tại Vladimir Central (Nhà tù giam giữ những tội phạm cực kỳ nguy hiểm, được xây dựng tại thành phố Vladimir từ thế kỷ 18- ND). Ở đây, đến cả họ tên của mình ông cũng bị tước đoạt: Tên tù nhân được ghi trong hồ sơ là “Vasily Pavlovich Vasilyev”.

Điều kì lạ là những người biết Vasily Stalin trong tù đều nói về ông với toàn những lời tốt đẹp. Các quản giáo nhớ lại rằng con trai của vị lãnh tụ là một thợ tiện khéo tay và là một thợ cơ khí giỏi. Vasily làm việc chăm chỉ và luôn hoàn thành định mức. Những người thân của ông đã đề nghị lãnh đạo nhà nước xem xét phóng thích Vasily Stalin nhưng không đem lại kết quả nào.

Sự ra đi lặng lẽ của một con người

Mãi đến tháng 1/1960 Stalin mới được trả tự do và người ta dẫn ông đến gặp Nikita Khrusev. Nikita Xergeievich nói ông sẵn lòng quên những chuyện cũ, hy vọng là giờ đây Vasily đã nhận được bài học và sẽ biết rõ vị trí của mình hơn.

Theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Vasily Stalin được khôi phục quyền mặc quân phục, được hưởng lương hưu và được cấp 1 căn hộ 3 buồng tại Matxcơva.

Ở tuổi 40, Vasily Stalin phải chịu đựng một loạt các căn bệnh do thời kỳ bị giam giữ và nhiều năm nghiện rượu. Ông đi lại khó khăn nhưng tính cách thì vẫn như xưa. Chỉ ít lâu sau, ông không chịu im lặng nữa mà lại tiếp tục “có những câu nói vu khống chống nhà nước Xô Viết”. Vasily Stalin một lần nữa bị bắt giam tại Lefortovo – Lệnh tạm tha được hủy bỏ, và một bản án mới đang chờ sẵn.

Mùa xuân năm 1961 ông được thả nhưng bị cấm sống ở thủ đô cũng như ở quê cha tại Gruzia để đề phòng những hành động nổi loạn. Nơi sinh sống tiếp theo của vị tướng thất sủng là thành phố Kazan. Tháng 1/1962 ông bị tước vĩnh viễn họ tên của mình và được cấp chứng minh thư mới với cái tên “Vasily Dzugasvili”.

Ngày 19/3/1962 Vasily Iosifovich Stalin trút hơi thở cuối cùng khi chỉ còn 2 ngày nữa là ông tròn 41 tuổi. Có nhiều dị bản khác nhau nói về đám tang của ông – một số nhân chứng khẳng định rằng chỉ có một vài người đến dự đám tang Vasily, còn một số người khác thì kể rằng có đến một nửa cư dân thành phố Kazan đã đến đưa tiễn người con trai của Stalin về cõi Vĩnh hằng.

Người ta cấm mặc quân phục đi đưa tang ông, nhưng có một tốp mấy người tiến đến bên linh cữu, khẽ vén vạt áo bành tô của mình để lộ bộ quân phục bên trong có đeo những huân chương. Các cựu chiến binh, những sỹ quan-phi công đã vĩnh biệt người bạn chiến đấu của mình như vậy đó.

Nhưng với Vasily Iosifovich Stalin thì điều đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Cuối cùng, ông cũng đã tìm thấy sự bình yên mà khi còn sống ông không hề có được.

Theo Nguyễn Quang

Đất Việt