1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nữ sát thủ săn tội phạm ma túy để kiếm sống ở Philippines

(Dân trí) - Nhìn dáng vẻ nhỏ nhắn của Maria, không ai nghĩ rằng cô là nữ sát thủ chuyên nghiệp từng xuống tay đoạt mạng 6 người theo thỏa thuận của các hợp đồng giết thuê và góp một phần vào chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Maria là nữ sát thủ chuyên giết tội phạm theo hợp đồng của cảnh sát (Ảnh: BBC)
Maria là nữ sát thủ chuyên giết tội phạm theo hợp đồng của cảnh sát (Ảnh: BBC)

Cuộc chiến chống ma túy qua lời kể của nữ sát thủ

“Nhiệm vụ (giết thuê) đầu tiên của tôi là cách đây 2 năm. Khi ấy tôi cảm thấy thực sự sợ hãi và lo lắng vì đó lần đầu tiên tôi làm công việc này”, BBC dẫn lời Maria kể lại những ngày tháng mới bước chân vào nghề “sát thủ”.

Maria chỉ là tên giả của nữ sát thủ này. Cô buộc phải giấu kín danh tính vì tính chất đặc biệt của công việc cô đang làm. Maria là một thành viên của đội sát thủ gồm ba phụ nữ chuyên thực hiện các hợp đồng giết thuê, là một phần trong chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động. Với thân phận nữ giới, những sát thủ này có thể tiếp cận các đối tượng cần tiêu diệt nhanh chóng hơn mà không gây nghi ngờ cho đối phương.

Từ sau khi ông Duterte lên nhậm chức và cho phép người dân lẫn cảnh sát được quyền thẳng tay trừng trị những đối tượng buôn bán ma túy, Maria đã giết thêm được 5 người nữa. Tất cả đều bị cô bắn vào đầu.

Khi được hỏi ai là người ra lệnh cho cô đi giết tội phạm ma túy, Maria trả lời thằng thừng: “Sếp của chúng tôi, sĩ quan cảnh sát”.

Vào buổi chiều khi phóng viên Jonathan Head của BBC đến gặp mặt Maria, cô và chồng mình đang vội vã chuyển nhà vì nơi trú ẩn an toàn của họ bị bại lộ. Cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi ở Philippines mang lại cho cô nhiều công ăn việc làm hơn nhưng kèm với đó cũng nhiều rủi ro hơn.

Maria kể lại những ngày tháng ban đầu khi chồng cô nhận nhiệm vụ giết một con nợ kiêm buôn ma túy từ một cảnh sát. “Chồng tôi nhận lệnh đi giết những người không có khả năng trả nợ. Nhưng đến một ngày, tình hình thay đổi và họ cần một phụ nữ. Chồng tôi đã chuyển việc này lại cho tôi. Khi tôi nhìn thấy người mình cần giết, tôi chỉ việc tới gần anh ta và nổ súng”, Maria kể lại.

Một nghi phạm bị kẻ lạ mặt bắn chết ngay trên đường phố ở thủ đô Manila (Ảnh: Reuters)
Một nghi phạm bị kẻ lạ mặt bắn chết ngay trên đường phố ở thủ đô Manila (Ảnh: Reuters)

Maria và chồng xuất thân từ một chốn nghèo khó ở thủ đô Manila. Trước khi ký hợp đồng để trở thành sát thủ giết thuê, họ không có thu nhập thường xuyên. Hiện tại, với mỗi “hợp đồng” hoàn tất, đội sát thủ nhận được khoảng 430 USD và chia đều cho 4 người. Tuy nhiên, đối với những người thu nhập thấp ở Philippines, số tiền này cũng là cả một gia tài.

BBC cho biết, giết người thuê không phải là công việc quá mới mẻ ở Philippines nhưng các sát thủ ở nước này chưa bao giờ bận rộn như hiện tại sau khi Tổng thống Duterte phát động chiến dịch trấn áp mạnh tay và quyết liệt.

Trước khi nhậm chức tổng thống, ông Duterte từng cam kết sẽ tiêu diệt 100.000 tội phạm trong 6 tháng đầu của nhiệm kỳ và ông đặc biệt nhắm mục tiêu tới các đối tượng buôn bán ma túy. “Đừng phá hoại đất nước vì tôi sẽ giết các người”, ông Duterte cảnh báo.

Tuần trước, Tổng thống Philippines cũng khẳng định lại lập trường cứng rắn của mình khi ông lên tiếng bảo vệ hành động bắn chết nghi phạm mà không cần qua xét xử. “Mạng sống của 10 tội phạm có thực sự quan trọng? Nếu tôi là người phải đối diện với tất cả nỗi đau này, liệu 100 mạng sống của những kẻ ngu ngốc đó có nghĩa lý gì với tôi hay không?”, ông nhấn mạnh.

Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa mới đây xác nhận số người thiệt mạng trong chiến dịch trấn áp tội phạm của ông Duterte đã lên tới 1.946 người. Trong đó, cảnh sát đã bắn chết 756 nghi phạm để tự vệ trong những trường hợp cần thiết, còn 1.190 vụ vẫn đang được tiếp tục điều tra.

Con đường hoàn lương đầy chông gai

Chính ma túy đá đã trở thành nguyên nhân khiến ông Duterte phải lao vào cuộc chiến đối đầu với tội phạm ở Philippines. Chúng thường được gọi là “shabu”, được bán tràn lan với giá thành rẻ, dễ sản xuất và mức độ gây nghiện cực cao. Ngoài ra, việc mua bán shabu còn mang lại lợi nhuận rất lớn cho các tay buôn. Tổng thống Duterte đã từng công khai danh tính của 150 quan chức, thị trưởng, cảnh sát, thẩm phán và tướng lĩnh quân đội có dính líu đến đường dây buôn bán ma túy tại Philippines.

Một dạng ma túy đá, hay còn gọi là shabu, ở Philippines (Ảnh: Reuters)
Một dạng ma túy đá, hay còn gọi là "shabu", ở Philippines (Ảnh: Reuters)

Tại Tondo, khu ổ chuột nằm gần cảng Manila, hầu hết người dân đều ủng hộ chiến dịch trấn áp tội phạm của Tổng thống Duterte, tuy nhiên cũng có một số người lo ngại rằng mọi việc vượt quá tầm kiểm soát và những dân thường vô tội có thể trở thành nạn nhân của chiến dịch này.

Roger là một trong những đối tượng đang nằm trong tầm ngắm bị săn đuổi. Người đàn ông này nghiện ma túy từ khi còn trẻ và cũng giống như nhiều con nghiện khác, ông bắt đầu buôn bán ma túy để lấy tiền chi trả cho những cơn nghiện của mình. Roger cũng bắt tay với các sĩ quan cảnh sát tha hóa, những người thu giữ ma túy từ các chiến dịch truy quét rồi tuồn ra ngoài thị trường thông qua các đầu mối như Roger.

Người đàn ông này thường xuyên phải chạy trốn, chuyển chỗ ở liên tục để tránh bị giết hại. “Hàng ngày, hàng giờ, tôi không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi. Tôi thực sự mệt mỏi vì lúc nào cũng phải tìm cách lẩn trốn. Bạn không thể biết được rằng liệu người đứng trước mặt bạn có chỉ điểm không hay liệu anh ta có phải là sát thủ không. Tôi rất khó ngủ vào ban đêm. Chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng đánh thức tôi dậy. Và điều khó khăn nhất đó là, bạn không biết nên tin tưởng ai lúc này”, Roger nói.

“Tôi thực sự nghĩ mình đã phạm tội ác. Tội ác tày trời. Tôi đã làm rất nhiều điều tồi tệ. Tôi đã biến nhiều người thành con nghiện vì tôi là một trong những người bán thuốc cho họ”, Roger chia sẻ.

Roger đã gửi con về sống với gia đình vợ ở quê để cố gắng ngăn chúng tiếp xúc với ma túy. Ông ước tính có khoảng 30-35% số người dân ở khu dân cư nơi ông đang sống nghiện ma túy.

“Tôi ước mình có thể quay ngược thời gian. Nhưng quá muộn rồi. Tôi không thể tự thú vì nếu làm vậy, cảnh sát sẽ bắn chết tôi”, Roger nói.

Roger sống trong sợ hãi hàng ngày nhưng không biết làm sao để thoát ra được tình cảnh đó (Ảnh: BBC)
Roger sống trong sợ hãi hàng ngày nhưng không biết làm sao để thoát ra được tình cảnh đó (Ảnh: BBC)

Nữ sát thủ Maria cũng chia sẻ sự hối tiếc với Roger. “Tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi. Tôi không muốn gia đình của những người từng bị tôi giết trả thù mình”, Maria nói. Cô cũng lo lắng về việc con cái sẽ nghĩ gì về mẹ chúng. Con trai lớn của Maria từng hỏi cô rằng vì sao cha mẹ cậu lại kiếm được nhiều tiền đến như vậy.

Maria thực sự muốn kết thúc công việc giết thuê này nhưng ông chủ của cô dọa rằng sẽ thủ tiêu bất kỳ ai muốn rời bỏ đội. Cô cảm thấy mình bị mắc kẹt. Cô vẫn đi xưng tội với mục sư ở nhà thờ nhưng cô chưa bao giờ dám kể về những gì mình đang làm.

Thành Đạt

Theo BBC