1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhân tố giúp đội bóng Thái Lan giữ bình tĩnh sau nhiều ngày sống trong hang tối

(Dân trí) - Huấn luyện viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Tham Luang đã dùng những kinh nghiệm của mình, đặc biệt là thiền, để giúp các cầu thủ nhí vượt qua những khó khăn trong thời gian sống trong bóng tối.

Huấn luyện viên Ekapol cùng các cầu thủ nhí trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)
Huấn luyện viên Ekapol cùng các cầu thủ nhí trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

Gần 300 giờ đã trôi qua kể từ khi 12 cầu thủ nhí trong đội bóng “Lợn hoang” và huấn luyện viên Ekapol Chanthawong bị mắc kẹt trong hang Tham Luang do mưa lớn đổ bộ. Khi chiến dịch giải cứu được dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều ngày, mối quan tâm lớn nhất bây giờ là duy trì sức khỏe tinh thần của cả đội bóng.

Tại một ngôi đền dát vàng ở vùng núi phía bắc Thái Lan, Ekapol Chanthawong, 25 tuổi, đã tôi luyện được một kỹ năng giúp ích rất nhiều cho bản thân anh cũng như các cầu thủ nhí, tuổi từ 11-16, khi bị mắc kẹt trong hang Tham Luang. Đó là thiền.

Trước khi trở thành huấn luyện viên của đội bóng trẻ “Lợn hoang”, Ekapol đã dành 10 năm đi tu theo đạo Phật. Ekapol thường xuyên đến đền chùa và thiền với các nhà sư ở đó hàng ngày.

“Cậu ấy có thể ngồi thiền tới một giờ đồng hồ. Điều đó chắc chắn sẽ giúp chính bản thân cậu ấy và giúp cả cho những đứa trẻ giữ bình tĩnh”, Tham Chanthawong, cô của Ekapol, cho biết.

Đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6 và được đội cứu hộ phát hiện vào ngày 2/7. Điều đó đồng nghĩa với việc cả 13 người đã bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài trong suốt 10 ngày.

“Rất có thể trong khoảng thời gian từ lúc bị mắc kẹt trong hang cho tới khi được đội cứu hộ tìm thấy, họ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ lo âu, sợ hãi, rối loạn, tổn thương và có lẽ cả tuyệt vọng”, Paul Auerbach, chuyên gia tại Khoa Y tế Khẩn cấp tại Trường Y thuộc Đại học Stanford, nhận định.

Những đoạn video được ghi lại bên trong hang Tham Luang cho thấy đội bóng đã giao tiếp với các đặc nhiệm Hải quân Thái Lan - những người được cử tới để tiếp tế, chăm sóc y tế và bầu bạn với đội bóng.

Kinh nghiệm thiền

Hình ảnh đội bóng đá và huấn luyện viên trước khi vụ mất tích xảy ra. (Ảnh: Facebook)
Hình ảnh đội bóng đá và huấn luyện viên trước khi vụ mất tích xảy ra. (Ảnh: Facebook)

Mặc dù hình ảnh xuất hiện trên video cho thấy các thành viên của đội bóng gầy gò và có phần yếu ớt, song tinh thần của họ dường như vẫn ổn định. Họ vẫn tươi cười trước máy quay khi đội đặc nhiệm trêu đùa.

Các chuyên gia cho rằng đội bóng Lợn hoang đang có một số lợi thế khi đương đầu với tình thế khó khăn như hiện nay, bao gồm sức trẻ, tinh thần đoàn kết của nhóm và cả kinh nghiệm thiền của huấn luyện viên. 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên được biết đến là một nhóm gắn kết, thường đi cùng nhau trong các chuyến phiêu lưu như bơi ở thác nước, đạp xe xuyên núi, kết bè trôi sông hay khám phá hang động.

“Các em trong độ tuổi thanh thiếu niên là những người thích giao tiếp xã hội, và việc có bạn bè hay huấn luyện viên ở bên cạnh giúp ích rất nhiều cho các em”, David Spiegel, giáo sư về tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Stanford, nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, những kinh nghiệm thiền của Ekapol có thể đã mang lại hiệu quả tích cực cho cả đội bóng.

“Tôi cho rằng việc thiền rất hữu ích, ngay cả khi đó chỉ là cách để bọn trẻ cảm thấy rằng huấn luyện viên đang làm gì đó để giúp chúng. Cảm giác được yêu thương và chăm sóc là điều quan trọng nhất”, Giáo sư tâm lý học Michael Poulin tại Đại học New York cho biết.

Giáo sư Spiegel đồng ý với quan điểm rằng việc thiền sẽ giúp cho những người bị mắc kẹt kiểm soát trạng thái tâm lý của mình, từ đó “cho phép những suy nghĩ tiêu cực và sợ hãi trôi qua như một cơn bão tan, thay vì phải đấu tranh với chính nỗi sợ hãi của mình”.

Aisha Wiboonrungrueng, người mẹ có con trai Chanin 11 tuổi bị mắc kẹt trong hang, khẳng định sự bình tĩnh của Ekapil đã tác động tới tâm lý của các cậu bé.

“Hãy nhìn cách bọn trẻ ngồi chờ đợi cùng nhau. Không ai khóc hay hoảng sợ. Điều đó thật đáng ngạc nhiên”, bà Aisha nói, nhắc tới những hình ảnh xuất hiện trong đoạn video.

Omar Reygadas, một trong 33 thợ mỏ từng mắc kẹt 69 ngày dưới lòng đất ở Chile năm 1010, cho biết chính đức tin và những lời cầu nguyện, cùng với sự hài hước là những yếu tố quan trọng giúp các thợ mỏ vượt qua khó khăn. Theo John Fairbank, giáo sư tâm thần học và là đồng giám đốc của Trung tâm Quốc gia về Chấn thương Trẻ em tại Đại học UCLA-Duke, nếu đội bóng phải ở lại lâu hơn trong hang để chờ cho cho tới khi giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề, sức khỏe tinh thần của các thành viên trong đội cần phải được bảo đảm thông qua các hoạt động thường ngày. Cụ thể, các cầu thủ nhí phải được thực hành các thói quen vệ sinh hàng ngày, các bữa ăn thường kỳ, các hoạt động nhận thức phù hợp với lứa tuổi, các bài tập thể chất trong không gian hẹp, các nghi thức tôn giáo, cập nhật tin tức hàng ngày và giao tiếp với người thân.

Vai trò gây tranh cãi

Đội cứu hộ tiếp cận đội bóng bị mắc kẹt trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)
Đội cứu hộ tiếp cận đội bóng bị mắc kẹt trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

Liên quan tới vai trò của huấn luyện viên đội bóng, một cuộc tranh luận đã nổ ra trên mạng xã hội Thái Lan về việc có nên quy trách nhiệm hay không đối với Ekapol Chanthawong khi dẫn cả đội vào hang Tham Luang bất chấp cảnh báo nguy hiểm. Trong khi một số nguồn tin nói rằng Ekapol có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, một số khác nhận định huấn luyện viên này đã nỗ lực để giúp đội bóng sống sót trong hang sau nhiều ngày mắc kẹt.

Ngoài dạy thiền để giúp các thành viên trong đội duy trì năng lượng, Ekapol đã khuyên các học trò sử dụng đèn pin tiết kiệm để đảm bảo cả đội có ánh sáng sử dụng trong thời gian lâu nhất có thể. Ekapol cũng dạy các cầu thủ nhí uống nước sạch nhỏ xuống từ trần hang sau khi cả đội không còn nước uống, đồng thời khuyên các cậu bé không nên di chuyển nhiều.

Nhiều người lo ngại rằng Ekapol có thể đang tự dằn vặt bản thân vì cho rằng chính mình đã gây ra tình trạng của đội bóng như hiện nay và ảnh hưởng tới những người tham gia vào chiến dịch giải cứu. Trong đoạn video đầu tiên được công bố, Ekapol rõ ràng cố tình thu mình về phía sau để không xuất hiện trước máy quay. Đoạn video thứ hai quay cận mặt từng thành viên trong đội cho thấy Ekapol đã yếu hơn trông thấy so với lần xuất hiện trước đó. Đây là chỉ dấu cho thấy huấn luyện viên đội bóng có thể đã sống trong cảm giác tội lỗi suốt nhiều ngày.

Tuy vậy, cha mẹ của cầu thủ nhí nói với truyền thông rằng họ không đổ lỗi cho huấn luyện viên về vụ việc xảy ra.

“Huấn luyện viên Ekapol, đừng tự đổ lỗi cho bản thân về những chuyện đã xảy ra. Chúng tôi đều biết cậu là người tốt và luôn giúp đỡ các con của chúng tôi”, một người mẹ nói.

“Tôi từng rất lo lắng khi con trai tôi mất tích. Điều khiến tôi an tâm là huấn luyện viên đã ở cùng cháu”, một người khác nói.

Thành Đạt

Tổng hợp