1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những ý tưởng khả thi giúp giải cứu đội bóng Thái Lan nhanh hơn

(Dân trí) - Sử dụng đường ống, ván trượt hay tua-bin là 3 trong số những cách được đề xuất để lực lượng cứu hộ có thể đưa đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mắc kẹt trong hang ra ngoài trong thời gian sớm nhất.

Thợ lặn di chuyển qua các lối đi ngập nước trong hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)
Thợ lặn di chuyển qua các lối đi ngập nước trong hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Các nhà chức trách Thái Lan hiện vẫn đang tính toán các phương án khả thi để lực lượng cứu hộ có thể đưa 13 người, gồm các thành viên trong đội bóng thiếu niên và huấn luyện viên, ra ngoài hang Tham Luang sau nhiều ngày bị mắc kẹt. Mục tiêu của chiến dịch giải cứu là đưa toàn bộ đội bóng ra ngoài an toàn và trong thời gian sớm nhất để đề phòng nước mưa quay trở lại làm ngập hang, khiến việc di chuyển trong hang trở nên khó khăn hơn.

Các độc giả của báo Bangkok Post (Thái Lan) đã đề xuất các phương án để đội cứu hộ đẩy nhanh quá trình đưa toàn bộ 13 người bị mắc kẹt ra ngoài.

Sử dụng động cơ

Mỗi thành viên trong đôi bóng có thể đi cùng một thợ lặn ra khỏi hang (Ảnh: Bangkok Post)
Mỗi thành viên trong đôi bóng có thể đi cùng một thợ lặn ra khỏi hang (Ảnh: Bangkok Post)

Alan Bate đề xuất sử dụng một thiết bị đẩy thu nhỏ có gắn động cơ để hỗ trợ đưa các thành viên trong đội bóng Thái Lan di chuyển qua các lối đi hẹp ngập nước trong hang Tham Luang. Các thiết bị này cần được trang bị pin khỏe và cả đèn LED có khả năng chiếu sáng tốt.

Một độc giả khác có tên Roman Zitniak gợi ý sử dụng tua-bin trong quá trình di chuyển trong hang và cho rằng nên gắn chặt cơ thể của từng cậu bé vào người của thợ lặn cứu hộ.

“Mỗi cậu bé sẽ được gắn vào cơ thể của người cứu hộ (ở phía dưới bụng của họ) và cả hai sẽ cùng thở từ một bình khí ô xy được gắn trên lưng của người cứu hộ. Hai mặt nạ dưỡng khí khác nhau cũng sẽ được sử dụng, trong đó các cậu bé sẽ dùng mẫu mặt nạ che kín mặt thoải mái hơn nếu chúng không thể sử dụng mẫu mặt nạ được thiết kế theo tiêu chuẩn thông thường”, Zitniak đề xuất.

Theo Zitniak, các thành viên của đội cứu hộ sẽ sử dụng một tua-bin cỡ nhỏ, tương tự loại được dùng cho hoạt động lặn biển. Ngoài ra, đèn cũng được gắn trên tua-bin để giúp các thợ lặn định vị được đường đi trong môi trường nước đục ở hang Tham Luang. Việc sử dụng đèn được cho là phù hợp với điều kiện tại hang Tham Luang, giúp lực lượng cứu hộ cải thiện tầm nhìn khi nước trong hang chảy xiết và bị đục do bùn và rác thải.

Đường ống trong hang

Trong khi đó, độc giả Brett Fitzgerald đề xuất sử dụng một đường ống để sơ tán những người mắc kẹt ra ngoài hang.

“Nếu họ có thể tạo ra một số đường ống không thấm nước và đủ to để vừa với cơ thể một đứa trẻ, họ có thể kéo chúng đi qua khu vực nguy hiểm trong hang ngập nước bằng dây thừng. Phương án này sẽ tiết kiệm thời gian so với việc dạy bọn trẻ cách sử dụng đồ lặn”, Fitzgerald cho biết.

Phương án sử dụng đường ống cũng nhận được sự ủng hộ của Arthur Willemse và Marc Thiadens.

“Phương án đặt một đường ống dẻo trong hang cho tới khi tiếp cận được các cậu bé không phải là khả thi sao? Chúng có thể bò qua và/hoặc được kéo bằng một dây thừng”, Thiadens đề xuất.

Bản vẽ mô phỏng ý tưởng sử dụng đường ống thép trong hang của Tiến sĩ Henry Crichlow (Ảnh: Bangkok Post)
Bản vẽ mô phỏng ý tưởng sử dụng đường ống thép trong hang của Tiến sĩ Henry Crichlow (Ảnh: Bangkok Post)

Henry Crichlow, một kỹ sư chuyên nghiệp, đã gửi cho Bangkok Post bản vẽ mô tả quá trình đưa các thành viên của đội bóng bị mắc kẹt ra ngoài hang. Theo đề xuất của Crichlow, đội cứu hộ có thể sử dụng các đoạn ống thép dày từ 40-50cm với khả năng chịu được áp lực nước, sau đó dùng công nghệ hàn dưới nước hoặc các đầu nối bằng thép để lắp đặt các đường ống này tại các khu vực bị ngập nước.

Đội cứu hộ cũng cần sử dụng máy bơm hoặc khí nén để đẩy sạch nước ra khỏi các đường ống thép này, tiếp đó dùng một ván trượt cỡ lớn có gắn đèn ở đầu và nối với dây thừng, kéo người bị mắc kẹt ra ngoài. Là Giáo sư, tiến sĩ về kỹ thuật tại Mỹ, Henry Crichlow cho rằng cần dựng một đường ống mẫu tại một bể bơi nào đó để thử nghiệm mức độ an toàn trước khi đưa chúng vào hang.

Ngăn dòng chảy

Đối với Phil Collett, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn dòng chảy của nước ở những nơi mà nước sẽ chảy ngầm vào hang. Ông Collett và những người bạn của mình đề xuất sử dụng các nguyên liệu pha trộn thay thế đá để dựng các con đập ngăn nước.

“Nếu là tôi, tôi sẽ cân nhắc sử dụng hỗn hợp xi măng và bentonite (loại nguyên liệu được xem như đất sét linh hoạt có thể hút nước và có tính giãn nở cũng như độ nhớt cao) và đặt chúng lên bề mặt nước. Bentonite sẽ thấm hút gần như ngay sau khi tiếp xúc với nước và nở ra để lấp đầy và chặn các dòng chảy”, ông Collett cho biết.

Hỗ trợ công nghệ

Đội cứu hộ tìm cách bơm nước ra khỏi hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)
Đội cứu hộ tìm cách bơm nước ra khỏi hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Liên quan tới chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt, Elon Musk, nhà sáng lập của hãng công nghệ nổi tiếng Tesla và SpaceX, cũng chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này. Khi một người dùng mạng xã hội Twitter đặt câu hỏi cho Elon Musk về việc liệu ông có sẵn sàng hỗ trợ cuộc giải cứu đội bóng Thái Lan hay không, tỷ phú này đã đưa ra những đề xuất cụ thể.

“Boring Co (công ty đào hầm nổi tiếng của Elon Musk) có radar xâm nhập dưới lòng đất hiện đại và khá giỏi trong việc đào các đường hầm. Không rõ liệu tốc độ bơm nước (ra khỏi hang Tham Luang) có bị hạn chế do thiếu nguồn điện hay các máy bơm quá nhỏ hay không. Nếu đúng là như vậy, có thể chuyển các máy bơm và hệ thống powerpack (hệ thống pin của Tesla cung cấp năng lượng quy mô lớn) tới”, Elon Musk viết trên Twitter.

“Tôi cho rằng chính phủ Thái Lan đã kiểm soát được vấn đề này. Nhưng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ bằng bất kỳ cách nào”, Elon Musk cho biết.

Thành Đạt

Theo Bangkok Post