1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga lợi trăm đường vì hành xử chính nghĩa ở Syria

Tiến hành không kích IS ở Syria, không những uy tín của Nga được nâng cao mà Moskva còn từng bước hóa giải các mâu thuẫn với Mỹ, phương Tây.

Nga hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Syria

Ngày 7/4, phát biểu tại Diễn đàn truyền thông ở St. Petersburg, Tổng thống Putin khẳng định Nga đã hoàn tất nhiệm vụ chính của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria đó là củng cố sức mạnh quốc gia của nước Trung Đông này.

“Hiện còn quá sớm để nói rằng một vài thay đổi căn bản đã diễn ra ở Syria. Những rõ ràng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ở đó. Nhiệm vụ trước tiên và trên hết của chúng tôi đó là củng cố sức mạnh quốc gia và các định chế nhà nước của Syria” - Tổng thống Putin nói.

Ông nhấn mạnh: “Sức mạnh quốc gia cũng như cấu trúc chính phủ và lực lượng vũ trang của Syria đã được củng cố”.

Ngoài ra, ông chủ điện Kremlin còn khẳng định Moskva không chỉ tạo ra các trung tâm trao đổi thông tin với Mỹ mà còn duy trì các cơ chế nhằm giám sát lệnh ngừng bắn.

“Sự đóng góp tích cực của chúng tôi trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu ở mức độ nào đó đã giúp cải thiện quan hệ của Nga với các cường quốc”, ông Putin khẳng định.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Putin tự hào tuyên bố rằng, chiến dịch ở Syria cho thấy Nga có khả năng giải quyết vấn đề ở cả những khu vực nằm cách xa Nga.

Nga hoàn thành nhiệm vụ khi không kích Syria
Nga hoàn thành nhiệm vụ khi không kích Syria

“Với sự hỗ trợ tích cực của Không quân Nga, quân đội Syria đã giải phóng được nhiều khu vực chiến lược, đẩy lùi dần các nhóm khủng bố vốn bành trướng ở Syria trong thời gian diễn ra nội chiến”, ông Putin đánh giá.

Trước đó, hôm 28/3, điện Kremlin cũng đưa ra thông báo khẳng định, không quân Nga đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ quân chính phủ trong cuộc chiến chống IS.

“Sau khi rút lực lượng ra khỏi Syria, các đơn vị không quân của chúng tôi vẫn ở lại hai căn cứ Hmeymim và Tartous và sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố, tiếp tục hậu thuẫn cho chiến dịch tấn công của quân đội Syria”, phát ngôn viên điện Kremlin Peskov nhấn mạnh.

Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria từ ngày 30/9/2015 theo đề nghị của Tổng thống Syria Assad. Chiến dịch kéo dài gần 6 tháng và đến ngày 14/4 vừa qua, Tổng thống Putin bất ngờ ra chỉ thị rút quân chủ lực khỏi Syria với tuyên bố đã hoàn tất mục tiêu ở quốc gia Trung Đông này.

Nga được cả tiếng cả miếng ở Syria?

Tuyên bố của điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh phiên hòa đàm mới về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ giữa các bên sắp được nối lại vào hôm 11/4 và trên chiến trường quân chính phủ Assad liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng.

Giới phân tích cho rằng những toan tính của chính quyền Tổng thống Putin trong chiến dịch không kích IS tại Syria đã thành công đúng như mong đợi. Nga vừa có tiếng, vừa có miếng và từ đầu đến cuối đều mang danh nghĩa lực lượng chính nghĩa.

Thực tế từ khi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga hồi tháng 3/2014, điện Kremlin đã vấp phải sự phản đối và những sức ép mạnh mẽ đến từ Mỹ và phương Tây. Những lệnh trừng phạt, cấm vận dồn dập được ban bố đã khiến nhiều thời điểm nền kinh tế Nga rơi vào cảnh kiệt quệ.

Tuy nhiên kể từ khi tiến hành không kích IS theo nguyện vọng của chính phủ và người dân Syria, Moskva đã hoàn toàn lật ngược thế cờ và biến mình trở thành trung tâm, chiếm lĩnh vai trò quyết định.

Nga được cả tiếng cả miếng khi không kích Syria?
Nga được cả tiếng cả miếng khi không kích Syria?

Đầu tiên phải kể đến uy tín và ảnh hưởng của Nga trong cộng đồng các nước Trung Đông tăng lên nhanh chóng. Những cơn “chấn động” trong lòng Syria, Iraq, Iran đã khiến điện Kremlin đánh bật Mỹ khỏi cuộc chơi .

Chứng kiến màn “tả xung hữu đột” của Moskva trên chiến trường, Iraq – một nước vốn nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính, quân sự của Mỹ đã bất chấp lời đề nghị của Washington để quyết tâm mời Nga tiến hành không kích IS trên lãnh thổ nước này.

Iran cũng đang ngày càng sát cánh cùng điện Kremlin và bày tỏ nguyện vọng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước.

Đặc biệt phải kể đến cái bắt tay được ví mang đến cơn chấn động trên chính trường Trung Đông giữa Nga và Jordan hồi tháng 10 năm ngoái.

Chỉ sau một đêm, Amman đã đồng ý cùng Moskva thành lập một trung tâm điều hành tác chiến phục vụ các chiến dịch quân sự ở Syria.

Đây được xem là bước chuyển đổi đột ngột trong chính sách của Amman bởi Jordan vốn được cho là bên không ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, rõ nhất là việc Quốc vương Abdullah đã đồng ý để liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu lập Sở chỉ huy tiền tiêu ở phía bắc Amman, đặt dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), coi đây là một cách đứng về phía Mỹ, Saudi Arabia và Israel.

Thành công tiếp theo của Nga là làm thay đổi toàn bộ chính sách của Mỹ và NATO trong quan hệ hợp tác với nước này.

Thực tế, ngay từ thời điểm đầu tiên khi Moskva đưa quân vào Syria, cả Mỹ và NATO đều khẳng định quyết định của nước này là sai lầm và chỉ khiến tình hình Damascus trở nên căng thẳng và rối loạn hơn. Từ vị trí đối đầu, cả hai đã dần thay đổi lập trường và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với điện Kremlin.

Nhà Trắng không còn gay gắt mà đã từng bước phải nhún nhường Moskva trong vấn đề người Kurd. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đích thân tới Nga trong 2 ngày nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến kéo dài tại Syria. Sau nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương, Washington đã chấp nhận ngả theo điện Kremlin khi nhất trí không nhắc tới vấn đề tương lai tổng thống Assad trong thời gian tới.

Thậm chí, Nhà Trắng còn để ngỏ khả năng tháo bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi chính nước này cũng bị tổn thất nhiều thứ khi tiến hành cấm vận kinh tế.

"Tôi truyền đạt lại cam kết của Tổng thống Obama rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ nếu tất cả các điều khoản của Thỏa thuận Minsk đều được đáp ứng, bao gồm cả việc tất cả các bên liên quan rút toàn bộ lực lượng, trang thiết bị vũ khí và trả lại chủ quyền khu vực biên giới cho Ukraine” – ông Kerry nói.

Tương tự với NATO. Đã không ít lần tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu để ngỏ khả năng làm hòa với Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Washington vào hôm 6/4, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối quân sự này đang tìm cách đàm phán với Nga nhằm giảm thiểu những bất đồng trong thời gian qua.

“NATO không tìm cách đối đầu với Nga. Chúng tôi sẽ tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới và trông cậy vào việc đàm phán với Nga”, ông Jens Stoltenberg nói.

Tổng Thư kí Stoltenberg cũng nhấn mạnh, Moskva không phải mối đe doạ thực sự với khối đồng minh hiện nay. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì ông từng nói khi có cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Mỹ Obama vào một vài ngày trước, khi khẳng định rằng NATO đang ở trong giai đoạn củng cố sức mạnh lớn nhất từ sau Chiến tranh lạnh nhằm đề phòng sức ép quân sự từ Nga.

Rõ ràng có thể thấy rằng, Nga đã có những bước đi chiến lược mang tính hiệu quả cao. Không những đạt các mục tiêu đề ra, cuộc chiến chống IS từ đầu tới giờ của Nga luôn được đánh giá là chính nghĩa. Đây là điều mà cả Mỹ và NATO dù không muốn cũng phải thừa nhận.

Theo Hòa Bình (Tổng hợp)

Đất Việt