1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga giành lại Trung Đông

Với sức mạnh phô diễn ở Syria, Nga đang tái khẳng định vị thế cường quốc quân sự ở Trung Đông.

Bài bình luận trên báo The Washington Post (Mỹ) thừa nhận việc quân đội Syria – với sự hỗ trợ của Nga và Iran – kiểm soát hoàn toàn TP Aleppo chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Nhà Trắng là minh chứng cho sự rút lui của Mỹ khỏi Trung Đông.

Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tiếp tung ra các chiến lược để đưa Trung Đông vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình. Trong khi quan hệ giữa Mỹ và một số nước vùng Vịnh nguội lạnh, Nga đang tìm được tiếng nói với các nền kinh tế Trung Đông nhờ điểm chung: Muốn đẩy giá dầu đi lên. Chính Nga đã hỗ trợ các nước trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng hôm 10-12 vừa qua, trong đó đích thân ông Putin đàm phán với quốc vương Ả Rập Saudi và Tổng thống Iran.

“Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria cộng với thành công của họ trong việc làm trung gian cho nội bộ OPEC chứng tỏ tầm ảnh hưởng đang lên. Các nước sản xuất dầu ở Trung Đông đang chú ý quan điểm của Nga” – bà Elena Suponina, chuyên gia về Trung Đông của Viện Nghiên cứu Nga, phân tích.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Cũng trong ngày 10-12, Nga đạt được cam kết đầu tư 5 tỉ USD của Qatar vào tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, tiếp đó cho Rosneft mua cổ phần trị giá 2,8 tỉ USD của một mỏ khí đốt ở Ai Cập. Thỏa thuận với Qatar rất đáng lưu ý bởi Nga từng cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố ở Syria và ở vùng Chechnya của Nga.

Dấn sâu vào Trung Đông, Nga nhắm cả 2 đích thương mại và chính trị. Ngành khí thiên nhiên hóa lỏng đang bùng nổ ở khu vực này là cơ hội tốt để Rosneft và tập đoàn khác của Nga là Gazprom mở rộng thị trường ra ngoài nước, đồng thời bảo vệ được thị phần ở châu Âu bằng cách kiểm soát nguồn khí đốt của các đối thủ tiềm năng.

Theo bà Valentina Kretzschmar, giám đốc hợp tác nghiên cứu của công ty tư vấn Wood Mackenzie (Scotland), Điện Kremlin thiết lập quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Ai Cập, song song đó là phát triển quan hệ với Iran. Các công ty Nga, bao gồm Gazprom, đã ký các thỏa thuận có thể lên tới hàng tỉ USD hôm 13-12.

“Giữ” Iran cũng là cách để Nga ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây lấn vào vùng biển Caspian – khu vực gồm Iran và các nước Liên Xô cũ giàu tài nguyên năng lượng Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan - theo ông Nikolay Kozhanov, học giả của tổ chức Chatham House (Anh). Iran cũng là nước sản xuất dầu, khí có khả năng cạnh tranh với Nga ở thị trường châu Âu và ông Kozhanov chỉ ra ông Putin đang dùng “chiến lược của judo: Giữ đối thủ ở gần”.

Ông Putin cũng đang tìm đường trở lại Libya. Nga đang có hợp đồng in 4 tỉ dinar Libya (khoảng 2,8 tỉ USD) cho ngân hàng trung ương nước này.

Không chỉ vậy, doanh số xuất khẩu vũ khí Nga sang Trung Đông và Bắc Phi đang tăng, thu về tổng cộng 12,7 tỉ USD trong giai đoạn 2006-2015 (so với 6 tỉ USD của thập niên trước đó). Trong số này, mua nhiều nhất là Algeria, tiếp đó là Syria, Iraq và Ai Cập.

Tuy vũ khí Nga chưa qua mặt được Mỹ để lọt nhiều vào vùng Vịnh song cơ hội vẫn có, theo bà Suponina. Bằng chứng là Bahrain, Ả Rập Saudi, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã mua vũ khí Nga.

Theo Hải Ngọc/Bloomberg, Washington Post

Người Lao động