1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga đưa Iskander tới Kaliningrad: "Trao kiếm lệnh vào tay sát thủ'"

Việc Nga bí mật triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đến khu vực Kaliningrad đang được phương Tây theo dõi hết sức chặt chẽ. Vì sao?

Nga đã triển khai tên lửa Iskander ở Syria

Truyền thông phương Tây đang sôi sùng sục vì giới chức lãnh đạo Mỹ dự đoán Nga đang triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M tới Kaliningrad - vùng lãnh thổ ở hải ngoại duy nhất của Nga, nằm án ngữ eo biển Baltic, nắm giữ yết hầu của vùng biển này.

Giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc ngày 08/10 trích dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, rất có khả năng Bộ quốc phòng Nga đã triển khai loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này tới khu vực Kaliningrad. Đây là động thái (bị coi là) "rất nguy hiểm" của Nga.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Anh Reuters lại dẫn một nguồn tin “ẩn danh” của Bộ quốc phòng Mỹ cho biết, việc Nga triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo này tại Kaliningrad "có thể không gây ra nguy hiểm", bởi đây có thể là để phục vụ cho một cuộc tập trận nào đó.

Hãng tin này cho biết, hồi năm 2014 Nga cũng đã công khai vận chuyển một hệ thống Iskander-M đến Kaliningrad để tiến hành một cuộc tập trận quân sự, sau đó lại vận chuyển trở về Nga.

Người cung cấp tin nhận định, đây cũng có thể đó là một động thái chính trị mang tính biểu dương lực lượng của giới chức lãnh đạo điện Kremlin, để bày tỏ thái độ không hài lòng với các hoạt động của NATO nhằm vào Nga trong thời gian qua.

Trước những bình luận của truyền thông phương Tây đưa ra, Bộ quốc phòng Nga vẫn im lặng, không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về điều này.

Được biết, tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga (phiên hiệu NATO: SS-X-26) là loại tên lửa cấp chiến dịch - chiến thuật tiên tiến nhất đang được trang bị trong quân đội Nga, được lục quân nước này mệnh danh là “Sát thủ điểm huyệt”.

Nó bắt đầu được Bộ Quốc phòng Nga đặt mua và trang bị cho lực lượng lực quân đội từ năm 2005, với 2 phiên bản khác nhau là Iskander-M (phóng tên lửa đạn đạo), Iskander-K (phóng tên lửa hành trình). Ngoài ra, Nga cũng đã phát triển thêm một phiên bản xuất khẩu là Iskander-E .

Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo Iskander-M đến Kaliningrad?
Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo Iskander-M đến Kaliningrad?

Tổ hợp 9K723 Iskander-M được trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn 1 tầng, nhiên liệu rắn 9M723, có tầm phóng tối đa 500km, độ cao bay khoảng 60km. Tên lửa vừa có thể mang nhiều loại đầu đạn thông thường vừa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa 9M723 có thể mang tới 10 loại đầu đạn thông thường khác nhau có khối lượng 480-700 kg, ví dụ như đầu đạn nổ phá; đầu đạn nổ phá mảnh sát thương; đầu đạn xuyên lõi thép (chống tăng-thiết giáp); đầu đạn xuyên nổ mạnh chống boongke, hầm ngầm; đầu đạn phá-mảnh chống radar; đầu đạn xung mạch điện từ, đầu đạn nổ phá và gây cháy (đạn tecmit hoặc đầu đạn nhiệt áp) và đầu đạn chùm (cassette).

Đầu đạn cassette chứa 54 đầu đạn con (thứ cấp), hoạt động theo cơ chế đầu đạn thứ cấp phá mảnh, đầu nổ phi tiếp xúc. Đạn này có thể gồm các đầu đạn thứ cấp phá mảnh-sát thương; các đầu đạn thứ cấp xuyên lõi thép, chống các phương tiện chiến đấu; đầu đạn thứ cấp tấn công phá hủy bề mặt đất...

Với các loại đầu đạn chùm này, tên lửa có thể phá vỡ, quét bay, xuyên thấu, đốt cháy và phá hủy các mục tiêu bao gồm các sở chỉ huy, trận địa phòng thủ, sân bay, trạm radar, trận địa hỏa lực, điểm tập kết binh lực; kho tàng-bến bãi; các công trình điện, điện tử, các hệ thống máy tính… của quân địch

Nhìn chung, các hệ thống tên lửa Iskander-M được cho là vũ khí lợi hại nhất của Nga để có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các thành thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, nếu nó đe dọa đến lực lượng tên lửa răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Kaliningrad: "Mũi dao đâm vào lòng châu Âu"

Vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga là Kaliningrad nằm giữa nhiều quốc gia NATO, có vị thế địa-chính trị-quân sự chiến lược hết sức quan trọng, do đó, việc Nga đưa tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân tới đây tất yếu sẽ khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu lo lắng.

Thứ nhất là Kaliningrad giúp Nga khống chế biển Baltic

Kaliningrad trấn giữ huyết mạch trọng yếu của eo biển Baltic, đồng thời còn là nơi đồn trú của Hạm đội Baltic - một yếu tố cấu thành trọng yếu của Quân khu phía Tây, có Bộ tư lệnh đặt tại thành phố Baltiysk, giúp Nga có thể khống chế toàn bộ vùng biển này.

Hạm đội Nga có khả năng khống chế hoàn toàn khu vực eo biển Baltic với lực lượng chủ chốt là Lữ đoàn tàu mặt nước 128, Lữ đoàn tàu đổ bộ 71, Lữ đoàn tàu tên lửa 36, Lữ đoàn tàu ngầm 123. Từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nổ ra, Nga đã tăng cường thêm cho Hạm đội này hơn 20 tàu chiến.

Lực lượng không quân Nga ở Kaliningrad hiện được tăng cường lực lượng khá mạnh với các căn cứ không quân chủ chốt ở Chernyakhovsk và Donskoye.

Cả hai căn cứ không quân trên đều có vai trò rất quan trọng, là địa điểm xuất phát của lực lượng máy bay trinh sát, đánh chặn, ném bom; đảm nhận nhiệm vụ tuần tra, ngăn chặn hoạt động theo dõi trên không ở vùng Baltic của NATO, cảnh giới từ xa đối với biên giới nước Nga.

Moscow đã huy động tới đây các tiêm kích đa năng Su-30SM, máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 và có thể cả máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, lực lượng phòng không cũng được bổ sung sức mạnh với các hệ thống tên lửa tối tân S-300 và S-400.

Lực lượng tên lửa tấn công mặt đất Nga ở Đặc khu quân sự Kaliningrad có Lữ đoàn Tên lửa Cận vệ số 152 đóng ở Chernyakhovsk. Tuy nhiên, lữ đoàn này chỉ được trang bị tên lửa Tochka-U có tầm bắn ngắn. Nếu được trang bị Iskander, lữ đoàn này sẽ tăng cường sức mạnh khủng khiếp.

Vị thế địa-quân sự trọng yếu của Kaliningrad trong lòng các quốc gia NATO
Vị thế địa-quân sự trọng yếu của Kaliningrad trong lòng các quốc gia NATO

Thứ 2: Kaliningrad là “cái dằm” trong lòng các quốc gia NATO

Kaliningrad nằm xen giữa, như một "mũi dao đâm" vào giữa 2 quốc gia thành viên NATO Ba Lan và Lithuania, xa hơn nữa là Latvia, Estonia, Đức... Bất cứ một động thái quân sự nào của Nga ở khu vực này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ các quốc gia NATO xung quanh.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng nổ, Mỹ và NATO tăng cường binh lực đến khu vực Baltic và Ba Lan để kiềm chế Nga. Đáp trả lại, vào tháng 5/2014, Moscow đã đơn phương chấm dứt thỏa thuận giám sát lực lượng vũ trang lẫn nhau với Lithuania.

Thỏa thuận này là một phần trong những nỗ lực nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, theo đó Lithuania có thể tự do tiếp cận với tất cả các đơn vị vũ trang Nga ở Kaliningrad và ngược lại, Moscow được phép giám sát tất cả các lực lượng quân sự của Vilnius.

Như vậy, những cơ chế hợp tác và giám sát lẫn nhau giữa Nga và NATO đã bị hủy bỏ, dẫn tới tình hình liên tục leo thang căng thẳng, có thể dẫn tới xung đột mà không có cơ chế kiểm soát. Điều đó đã dẫn đến việc Nga đưa Iskander-M đến Kaliningrad.

Với tầm phóng 500 km của tên lửa 9M723, từ Leningrad, tên lửa Iskander-M có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, từ lãnh thổ Belarus có thể tấn công tới vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad sẽ tiêu diệt được các mục tiêu ở Đức.

Với vị thế địa-chính trị trọng yếu, Kaliningrad đã trở thành con bài quan trọng phá thế bao vây của phương Tây ở đông Âu và Baltic. Có thể nói rằng, Kaliningrad như một “sát thủ” nằm im chờ thời, được Nga trao cho “kiếm lệnh” Iskander để "đâm vào tim NATO".

Do đó, thật dễ hiểu là việc Nga đưa loại tên lửa tối tân có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân này tới Kaliningrad đã khiến Mỹ và châu Âu lo sốt vó.

Theo Thiên Nam

Đất Việt