1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Năm 2017: Bước ngoặt hướng tới hòa bình lâu dài tại Syria

Đất nước Syria đã khép lại năm 2016 với việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy đạt được thỏa thuận ngừng bắn và sẵn sàng khởi động đàm phán hòa bình dưới sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Binh sỹ Syria tuần tra tại thị trấn al-Bab. (Nguồn: AP/TTXVN)
Binh sỹ Syria tuần tra tại thị trấn al-Bab. (Nguồn: AP/TTXVN)

Những thắng lợi quan trọng của quân đội Syria trong năm qua, nhất là việc giải phóng được thành trì Aleppo, đã tạo bước ngoặt xoay chuyển cục diện chiến trường và lần đầu tiên mở ra cơ hội cho hòa bình sau gần 6 năm xung đột tại quốc gia này.

Bước ngoặt cuộc chiến

Aleppo được xem như chiến trường trung tâm và là căn cứ địa có tầm quan trọng chiến lược mang tính biểu tượng của các nhóm nổi dậy chống chính quyền Syria.

Trong suốt hai năm, các bên tham chiến đều không thể phá vỡ thế bế tắc tại thành phố bị chia cắt này cho tới giữa năm 2016, khi quân đội chính phủ Syria được không quân Nga yểm trợ cắt đứt tuyến đường cuối cùng vào khu vực phía Đông Aleppo, do phe nổi dậy kiểm soát, và bao vây hoàn toàn khu vực hơn 250 nghìn dân này.

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn được Mỹ và Nga môi giới sụp đổ, tháng 9/2016, các lực lượng chính phủ đã mở chiến dịch tấn công giành lại kiểm soát thành phố này. Tới ngày 13/12, quân đội Syria với sự yểm trợ của không quân Nga đã có thể giành lại 98% khu vực phía Đông Aleppo, đẩy các nhóm chiến binh co cụm trong một khu vực nhỏ và buộc phải đi đến thỏa thuận rút khỏi thành phố.

Đập vỡ các tuyến phòng thủ của phe nổi dậy tại Đông Aleppo, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố lớn nhất và từng là trung tâm thương mại của Syria. Thắng lợi này không những giáng đòn trí mạng vào phe nổi dậy mà còn được xem như chìa khóa để chính quyền Tổng thống Assad giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc xung đột Syria.

Hơn nữa, thắng lợi quân sự của chính phủ Syria giúp làm tăng mạnh vị thế của Tổng thống Assad trên trường quốc tế. Đánh giá về kết cục cuộc chiến giành Aleppo, hãng tin Sana của Syria khẳng định thất bại này sẽ dẫn đến "sự sụp đổ tinh thần rất lớn của các nhóm khủng bố." Đây có thể là bước ngoặt hướng tới chiến thắng toàn diện cho chính quyền của ông Assad trong cuộc chiến Syria.

Một số nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của Aleppo là dấu hiệu chắc chắn cho thấy cuộc nổi dậy chống chính quyền Syria đang đi đến hồi kết. Bước tiếp theo của chính quyền sẽ xuất phát từ vị thế của kẻ mạnh. Phe đối lập không còn đủ lực để có thể thay đổi xu hướng này, ngày càng trở nên suy yếu và rạn nứt. Tương quan lực lượng cùng với việc mất Aleppo càng khiến phe nổi dậy không còn khả năng thay đổi cục diện và sẽ phải thay đổi hướng tiếp cận cuộc chiến.

Thay vì kiểm soát các thành phố, các nhóm chiến binh đối lập có thể sẽ chuyển sang chiến lược kiểu chiến tranh du kích để gây rối sự kiểm soát của chính quyền Syria tại các khu vực vừa giành lại. Trong khi đó, quân đội Syria sẽ sử dụng Aleppo làm căn cứ để tấn công các nhóm nổi dậy còn lại, trong đó có thành trì Idlib và các khu vực gần biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù phe nổi dậy vẫn còn kiểm soát nhiều nơi khác ở Syria, nhưng bất kỳ chiến dịch nào nhằm lật đổ ông Assad sẽ phải tính tới thực tế quân đội chính phủ Syria đang giữ tất cả các thành phố chủ chốt: Aleppo ở phía Bắc, Hama và Homs ở miền Trung, Damascus ở miền Nam và khu vực duyên hải.

Ông Assad hiện kiểm soát hơn 40% lãnh thổ và khoảng 60% dân số Syria, trong khi phần còn lại do các lực lượng khác chiếm giữ, như người Kurd ở phía Bắc, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Đông và một số nhóm đang suy yếu khác.

Cơ hội cho hòa bình

Thắng lợi quân sự của Tổng thống Assad tại Aleppo không đồng nghĩa cuộc chiến ở Syria hoàn toàn chấm dứt, mà chỉ bước vào một giai đoạn mới. Nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi chính quyền Syria, từ việc đảm bảo an ninh, cuộc chiến chống IS đến sự chi phối của các nhân tố bên ngoài. Bất chấp các trở ngại này, những diễn biến gần đây cho thấy Syria đang đứng trước cơ hội lớn để vượt qua bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình trong năm 2017.

Ngày 31/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ sáng kiến hòa bình do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất cho Syria, bao gồm lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 30/12. Nghị quyết đặt mục tiêu mở đường cho các cuộc đàm phán ở thủ đô Astana của Kazakhstan, dự kiến vào cuối tháng 1/2017, dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo cho thỏa thuận ngừng bắn bao gồm 62 nghìn chiến binh đối lập trên khắp Syria, nhấn mạnh rằng các bên đã nhất trí gặp nhau để đàm phán trong tháng 1. Hai bên đã ký kết ba văn kiện, bao gồm một thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Syria và các nhóm nổi dậy, các biện pháp cụ thể để giám sát lệnh ngừng bắn và một thỏa thuận khởi động đàm phán hòa bình.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc đàm phán hòa bình tại Astana sẽ bổ sung, chứ không thay thế các nỗ lực hòa bình đã được Liên hợp quốc hậu thuẫn, bao gồm các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới tại Geneva, Thụy Sĩ.

Thỏa thuận ngừng bắn hiện hành được một số chuyên gia khu vực nhận định là thỏa thuận ngừng bắn hiệu quả và tích cực nhất tại Syria từ trước tới nay, tạo cơ hội thúc đẩy hòa bình tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Cảnh yên bình của người dân Syria trên một tuyến phố ở Aleppo ngày 29/12. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Cảnh yên bình của người dân Syria trên một tuyến phố ở Aleppo ngày 29/12. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Thỏa thuận lần này được kỳ vọng có cơ hội thành công cao hơn những thỏa thuận trước đây, một phần do vị thế đã thay đổi của chính quyền Tổng thống Assad, một phần vì sự tham gia tiến trình hòa bình của nhân tố quan trọng hàng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Syria Assad cũng lạc quan đánh giá lệnh ngừng bắn hiện nay là cơ hội thực sự để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người dân này.

Nếu lệnh ngừng bắn tại Syria và các cuộc đàm phán hòa bình đạt kết quả, năm 2017 có thể là giai đoạn bước ngoặt lớn và thậm chí đánh dấu những bước đi đầu tiên hướng tới giải pháp hòa bình lâu dài cho cuộc xung đột dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này./.

Theo BÙI HOÀN (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nam-2017-buoc-ngoat-huong-toi-hoa-binh-lau-dai-tai-syria/423657.vnp