1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lý giải sự im lặng của Triều Tiên sau khi trao trả các hài cốt cho Mỹ

(Dân trí) - Sự im lặng của Triều Tiên sau khi trao trả hài cốt binh lính tử trận trong cuộc chiến tranh 1950-1953 cho phía Mỹ được cho là gửi thông điệp ngầm tới Washington, báo Korea Herald của Hàn Quốc dẫn lời các chuyên gia cho biết.


Triều Tiên đã bàn giao 55 bộ hài cốt binh lính tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên cho phía Mỹ (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên đã bàn giao 55 bộ hài cốt binh lính tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên cho phía Mỹ (Ảnh: Reuters)

Ngày 27/7, máy bay vận tải C-17 của Không quân Mỹ đã bay tới thành phố Wonsan của Triều Tiên, tiếp nhận 55 bộ hài cốt của các binh sĩ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và đưa trở về căn cứ không quân Osan tại Hàn Quốc.

Đây được coi là kết quả có thể nhìn thấy đầu tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ngày 12/6 tại Singapore. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời cảm ơn tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên mạng xã hội Twitter. “Hài cốt của các quân nhân Mỹ sẽ sớm rời Triều Tiên và trở về Mỹ. Sau nhiều năm, đây sẽ là khoảnh khắc tuyệt vời cho nhiều gia đình. Cảm ơn ông Kim Jong-un”, ông Trump viết.

Tuy nhiên, phía truyền thông Bình Nhưỡng cho tới ngày 29/7 vẫn chưa đưa ra thông báo về sự việc này hay đáp trả lại thông điệp của ông Trump.

“Triều Tiên đang giữ im lặng vì họ hiểu rằng Mỹ hoàn toàn ý thức được Bình Nhưỡng đang kêu gọi các bên kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, và vì việc này đã quá rõ ràng nên họ không cần phải thông báo. Họ đang thực hiện những điều khoản mà ông Trump và ông Kim đã thống nhất với nhau trong hội nghị thượng đỉnh ở Singapore”, chuyên gia Shin Beom-chul từ Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) nhận định.

Ông Shin cho rằng, Tổng thống Trump dường như đang chịu “áp lực ngầm” từ Triều Tiên rằng Mỹ cần làm nhiều hơn là chỉ đưa ra một thông điệp ghi nhận hành động của Bình Nhưỡng. Theo đó, Washington có thể cần phải thực hiện một động thái thực tế thể hiện họ nỗ lực trong việc chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên gần 70 năm qua. Bình Nhưỡng cho rằng đây có thể là bước đi đầu tiên trong tiến trình hòa bình tại khu vực và cho thấy Mỹ có thể đảm bảo về an ninh cho Triều Tiên nếu họ tiến hành phi hạt nhân hóa.

Trước sự kiện trao trả hài cốt, giới quan sát cho rằng sự tiến triển chậm chạp trong việc đàm phán hậu thượng đỉnh dường như thể hiện sự mâu thuẫn trong quan điểm của 2 phía với một số vấn đề chung.

“Động thái trao trả hài cốt giống hành động “dọn đường” để triến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể diễn ra (suôn sẻ hơn)”, ông Koh Yu-hwan, giáo sư tại đại học Dongguk (Seoul) nói, nhấn mạnh rằng hành động của Triều Tiên dường như là nỗ lực nhằm xây dựng niềm tin giữa 2 nước.

Trước những ý kiến cho rằng Triều Tiên sẽ sử dụng những phần hài cốt còn lại để làm công cụ đàm phán, ông Shin cho rằng cho đến thời điểm hiện tại dường như Triều Tiên chỉ có khả năng bàn giao được 55 bộ hài cốt. Với những hài cốt còn lại, có thể họ sẽ phối hợp với Mỹ để tìm kiếm và trao trả trong tương lai nếu như mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Dù Triều Tiên đã có những động thái tích cực, nhưng các chuyên gia cho rằng chính quyền ông Trump sẽ phải tìm cách để thuyết phục giới chính trị gia ở Washington về bước đi tiếp theo trong quá trình đàm phán vì những người này có thể đang lo ngại rằng việc ký hiệp ước hòa bình có thể làm suy yếu lệnh trừng phạt quốc tế đang áp đặt lên Bình Nhưỡng. Nó cũng có thể ảnh hưởng tới mối liên minh quân sự Mỹ-Hàn kéo dài hàng chục năm qua.

Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 với một hiệp định ngừng bắn, vì vậy hiện tại các bên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật.

Đức Hoàng

Theo Korea Herald