1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách quân đội Mỹ xác định danh tính hài cốt các binh sĩ

(Dân trí) - Quân đội Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra 55 bộ hài cốt do Triều Tiên trao trả trong tuần này để xác nhận danh tính của các binh sĩ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh xảy ra cách đây hơn 60 năm.

Triều Tiên trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng

55 bộ hài cốt được Triều Tiên trao trả cho Mỹ hôm 27/7 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
55 bộ hài cốt được Triều Tiên trao trả cho Mỹ hôm 27/7 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

55 bộ hài cốt của các binh sĩ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) được Triều Tiên trao trả cho Mỹ hôm 27/7 sẽ được đưa tới một phòng thí nghiệm quân sự ở Hawaii. Tại đây, những bộ hài cốt này sẽ trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng để xác định chính xác danh tính của những người đã thiệt mạng từ cách đây hàng chục năm.

Việc nhận dạng các bộ hài cốt này phụ thuộc vào nhiều manh mối khác nhau và quá trình này thường mất nhiều thời gian. Thậm chí có những bộ hài cốt mất tới vài chục năm kiểm tra nhưng vẫn không thể xác định được danh tính.

Trong một số trường hợp, những thẻ quân nhân được tìm thấy cùng hài cốt có thể giúp xác định danh tính của binh sĩ, thậm chí những mẩu quần áo còn sót lại cũng có thể giúp xác định loại nguyên liệu được sử dụng để may quân phục. Những chiếc răng có thể được đem đi đối chiếu với hồ sơ nha khoa, trong khi xương có thể giúp xác định chiều cao của binh sĩ.

Theo ông Charles Prichard, người phát ngôn của Cơ quan Phụ trách Tù binh chiến tranh/Mất tích trong chiến tranh thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, hình dạng của xương đòn gánh cũng có thể được dùng để đối chiếu với hồ sơ chụp X-quang từ cách đây hàng chục năm.

Các binh sĩ Mỹ tìm kiếm hài cốt tại Hàn Quốc năm 2014. (Ảnh: US Army)
Các binh sĩ Mỹ tìm kiếm hài cốt tại Hàn Quốc năm 2014. (Ảnh: US Army)

Nếu cần phân tích DNA, các mẫu hài cốt sẽ được gửi tới một phòng thí nghiệm tại căn cứ không quân Dover ở Delaware, Mỹ. Theo Timothy McMahon, giám đốc Cơ quan Phân tích DNA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, các mẫu xương hoặc răng rất nhỏ, thậm chí chỉ tương đương với xương của một đốt ngón tay, cũng đủ để tiến hành phân tích DNA.

Mỗi mẫu xương sẽ được làm sạch để loại bỏ những chất bẩn trên bề mặt, sau đó nghiền thành bột mịn và xử lý bằng chất có khả năng hòa tan xương trước khi gửi đi phân tích DNA. DNA này sẽ được so sánh với các mẫu gen từ người thân còn sống của các binh sĩ.

Kể từ năm 1992, quân đội Mỹ đã thu thập DNA từ người thân sống trong gia đình của các binh sĩ và đã tiếp cận người thân của 92% trong tổng số 8.100 binh sĩ Mỹ được cho là mất tích trong chiến tranh Triều Tiên. Mục đích của việc phân tích các mẫu xương là để tìm ra DNA chung giữa những người thân và các binh sĩ có hài cốt được kiểm tra, từ đó kết luận xem họ có quan hệ huyết thống hay không.

Sau khi phân tích các mẫu DNA và tìm ra sự kết nối giữa các bộ hài cốt và những người thân của họ, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm tại căn cứ không quân Dover sẽ phỏng đoán danh tính của bộ hài cốt và gửi kết quả về Hawaii. Tại đây, kết quả này sẽ được kết hợp cùng một loạt các chứng cứ khác để xác định chính xác danh tính của binh sĩ.

Ngoài nhận dạng những bộ hài cốt trong chiến tranh Triều Tiên, phòng thí nghiệm tại Dover cũng chịu trách nhiệm xác định danh tính các binh sĩ thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến tranh vùng Vịnh ở Iraq.

Quá trình kéo dài

Binh sĩ Mỹ chuyển hài cốt do Triều Tiên trao trả hôm 27/7 (Ảnh: Reuters)
Binh sĩ Mỹ chuyển hài cốt do Triều Tiên trao trả hôm 27/7 (Ảnh: Reuters)

Theo phát ngôn viên Prichard, nếu mẫu xương đòn của bộ hài cốt trùng khớp với hồ sơ chụp X-quang trước đó thì có thể chỉ mất 3 ngày để xác định danh tính. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp phải mất tới vài thập niên mới có thể xác định được danh tính. Ông Prichard cho biết một số bộ hài cốt được trao trả trong giai đoạn từ 1990-2005 cho đến nay vẫn chưa rõ danh tính.

Đối với Jan Curran, một phụ nữ 70 tuổi ở bang Arizona, những hài cốt mới được Triều Tiên trao trả cho phía Mỹ đã dấy lên nhiều hy vọng về khả năng tìm thấy người cha quá cố của bà. Bà Curran không có bất kỳ ký ức nào về cha - phi công hải quân Charles Garrison, người đã bị trúng đạn khi tham gia chiến tranh Triều Tiên và bị bắt giữ vào tháng 5/1951. Ông Garrison qua đời khi đang bị cầm tù và chưa có hài cốt nào được xác định danh tính mang tên ông.

Bà Curran dành hàng chục năm để đi tìm kiếm hài cốt của người cha đã mất. Bà từng tham gia rất nhiều cuộc gặp mặt các gia đình có người thân bị mất tích trên bán đảo Triều Tiên. Vào cuối thập niên 1990, bà Curran đã vận động các thành viên trong gia đình cùng bà cung cấp mẫu DNA cho quân đội Mỹ với hy vọng có thể xác định được danh tính từ hài cốt của người cha đã mất nếu bộ hài cốt này được tìm thấy.

“Chúng tôi biết cơ hội rất thấp, nhưng chúng tôi không ngừng hy vọng”, AP dẫn lời bà Curran nói.

Khoảng 36.500 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên, song hài cốt của hơn 7.700 người vẫn chưa được tìm thấy. Trong số này, khoảng 5.300 hài cốt được cho là vẫn nằm trên lãnh thổ Triều Tiên.

Mỹ và Triều Tiên từng tiến hành các cuộc tìm kiếm hài cốt chung từ năm 1996 đến năm 2005 trước khi dừng lại do quan hệ song phương bị xấu đi. Các đội tìm kiếm chung giữa hai nước đã tiến hành 33 đợt tìm kiếm và thu thập được 229 hài cốt của binh sĩ Mỹ. Lần gần đây nhất Triều Tiên trao trả hài cốt cho Mỹ là vào năm 2007.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 27/7 cho biết quân đội Mỹ đang xem xét cử thêm người tới Triều Tiên để hai nước cùng nhau tìm kiếm hài cốt của các binh sĩ thiệt mạng trong chiến tranh. Vấn đề trao trả hài cốt là một phần trong cam kết chung giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi tháng trước.

Thành Đạt

Tổng hợp